Trong nước

Tác phẩm: "Nghị quyết 41: Liều thuốc chấn hưng tinh thần doanh nhân" của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đạt Giải Báo chí TP.HCM lần 42

Khánh Hưng 21/06/2024 - 14:05

Sáng 21/6, Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức truyền hình trực tiếp trao Giải Báo chí TP.HCM lần thứ 42 nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM đánh giá cao việc duy trì Giải báo chí TP.HCM trong 42 năm qua, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền, Hội Nhà báo đối với hoạt động báo chí.

Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải cũng chỉ đạo, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí phải luôn khẳng định mình là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng chính trị, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống. Chú trọng nâng cao chất lượng thông tin, nhất là những nội dung liên quan mật thiết đến đời sống của người dân, để người dân luôn hiểu và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền Thành phố.

anh-man-hinh-2024-06-21-luc-12.27.59(1).png
Ông Nguyễn Hồ Hải chúc mừng đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên... nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin đến người dân một cách đầy đủ và kịp thời về những vấn đề phức tạp, nhạy cảm của xã hội. Phản ánh kịp thời ý kiến, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp ở cơ sở, từ đó, tham mưu giúp lãnh đạo TP.HCM trong điều hành, quản lý các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Đặc biệt, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ người làm báo với tư tưởng chính trị vững vàng, kiến thức chuyên môn chuyên sâu, bài bản, nhằm thích ứng với nhu cầu của thời đại mới. Tích cực đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số báo chí, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... hướng đến mục tiêu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Thông tin về Giải báo chí TP.HCM lần thứ 42, nhà báo Lý Việt Trung - Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM cho biết, Giải đã nhận được 271 tác phẩm dự thi từ 18 đơn vị báo chí. Có 150 tác phẩm được Hội đồng Giải báo chí TP.HCM chọn vào vòng chung khảo, với đầy đủ các thể loại ở 5 nhóm thể loại (Nhóm 1: tin, ảnh báo chí; Nhóm 2: chính luận; Nhóm 3: phim tài liệu, phóng sự, điều tra, ký báo chí; Nhóm 4: phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh; Nhóm 5: công trình mang tính tập thể).

anh-man-hinh-2024-06-21-luc-12.17.44.png
Tác phẩm "Nghị quyết 41: Liều thuốc chấn hưng tinh thần doanh nhân" của tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã đoạt giải khuyến khích hạng mục "Công trình tập thể".

Trong số các tác phẩm kể trên, Hội đồng chung khảo đã thẩm định, chấm điểm, quyết định trao 61 giải thưởng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất, gồm: 5 giải Nhất, 11 giải Nhì, 19 giải Ba và 26 giải Khuyến khích.

Tác phẩm "Nghị quyết 41: Liều thuốc chấn hưng tinh thần doanh nhân" của tác giả Lữ Ý Nhi - Kim Ngọc của Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đoạt giải khuyến khích hạng mục "Công trình tập thể".

anh-man-hinh-2024-06-21-luc-12.21.48.png
Tác giả Lữ Ý Nhi chụp hình lưu niệm với Đồng chí Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM tại Lễ trao giải

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, các tác phẩm tham dự giải có nội dung phong phú, sáng tạo nhưng đều bám sát các chủ đề về thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Các tác phẩm dự thi tương đối đồng đều về chất lượng, hình thức thể hiện đa dạng và thuyết phục. Nhiều tác phẩm có nội dung phản biện xã hội, hiến kế những cách làm hiệu quả, phê phán biểu hiện chưa tốt trong xã hội, nhằm cải thiện và phát triển kinh tế xã hội TP.HCM.

Lực lượng báo chí của TP.HCM thời gian qua không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Họ là đội ngũ sẵn sàng dấn thân vào sự nghiệp cách mạng, cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trải qua những thời khắc khó khăn, gian khổ nhất.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM

Thời gian qua, lãnh đạo Thành phố luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan báo chí, cho đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên... Nhiều nghị quyết, chỉ thị được ban hành, phải kể đến như: Chỉ thị 1374 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị 22 về tăng cường công tác phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí... Ngoài ra, không ngừng đẩy mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ đội ngũ phóng viên và biên tập viên trong quá trình tác nghiệp...

Khánh Hưng