Chuyện làm ăn

Cạnh tranh sàn thương mại điện tử: Không chỉ là cuộc chơi "đốt tiền"

K.Hưng 29/04/2024 14:39

Cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử thời gian tới không chỉ là cuộc so kè “đốt tiền”, mà còn là cuộc đấu trí, đấu lực về công nghệ, sáng tạo và chiến lược. Vậy các doanh nghiệp nhỏ có chỗ đứng trong cuộc chơi này?

Trong thời đại số hóa ngày càng phát triển, thương mại điện tử trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu. Đó là lý do, thị trường này trở thành vùng đất hứa của rất nhiều người nuôi giấc mơ kinh doanh, khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân, việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử sẽ còn nhiều thách thức lớn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh mới đây, hàng loạt các sàn thương mại điện tử thay đổi các chính sách với nhà bán hàng.

Dù đã có những chính sách của các sàn thương mại điện tử nhằm "công bằng hoá" phần nào môi trường kinh doanh. Nhưng câu chuyện các doanh nghiệp nhỏ phải cạnh tranh với "người khổng lồ" là không tránh khỏi. Các nhà cung cấp lớn hoặc thương hiệu nổi tiếng có nguồn lực và tiềm lực kinh tế cũng như thương hiệu mạnh mẽ. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ vẫn phải đối mặt với áp lực giảm giá cạnh tranh, đặc biệt là khi họ không có tiếng tăm thương hiệu đủ lớn.

blog2106-32._sl1280_fmpng_.png

Ông Bình Nguyễn - Nhà sáng lập LadiPage cho rằng, một người bán mới ra nhập thị trường, trong tay không có lợi thế cạnh tranh về giá hay thương hiệu thì khả năng thất bại là rất lớn.

Theo các chuyên gia dự báo, thời gian còn lại của năm 2024 tiếp tục bùng nổ hình thức live-stream (bán hàng phát trực tiếp) và bán hàng đa kênh. Việc ứng dụng các công nghệ mới như Big Data, AI, Machine tạo nên những trải nghiệm tinh tế vẫn sẽ là lợi thế của các "ông lớn". Bởi yêu cầu về khả năng tiếp cận công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và chi phí đầu tư không nhỏ. Thêm nữa, việc tạo ra nội dung thu hút đòi hỏi các nhà bán hàng phải có khả năng sản xuất nội dung sáng tạo và chuyên nghiệp, từ hình ảnh, video đến nội dung mô tả sản phẩm.

Các yếu tố quy định "khắt khe" của các sàn thương mại điện tử cũng gây ra nhiều rắc rối cho các doanh nghiệp nhỏ.

Vừa mới đây, Shopee cập nhật chính sách kéo dài thời gian người mua được yêu cầu trả hàng, hoàn tiền lên 15 ngày kể từ thời điểm giao thành công. Có nhiều lý do cho phép người mua được trả hàng, gồm hàng lỗi, hàng không sử dụng được, hàng giả, hàng nhái, hàng khác với mô tả, hàng đã qua sử dụng, hàng hết hạn sử dụng... Ngoài ra, trong cập nhật mới nhất, Shopee cho phép người mua trả hàng với lý do "thay đổi quyết định mua hàng". Lý do này được cho là không hợp lý, theo quan điểm của người bán. Nhiều nhà bán hàng ghi nhận số đơn hoàn trả tăng mạnh bởi các sàn không kiểm soát được những khách hàng có chủ ý "gian lận".

photo-2-1711023431115489449704(1).jpg

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp nhỏ cần phải có chiến lược kinh doanh chặt chẽ, tối ưu hóa quy trình vận hành, và đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra một cách hiệu quả và bền vững trên sàn thương mại điện tử.

Ông Hà Thanh Tùng - Đồng sáng lập Metric khuyến khích các nhà kinh doanh quy mô siêu nhỏ và nhỏ mới tiếp cận thị trường, không nên bỏ qua khâu nghiên cứu thị trường. Bởi việc bán thứ thị trường đang cần, thay vì thứ các nhà bán hàng đang có là yếu tố quyết định xem doanh nghiệp có thể tồn tại trên sàn hay không?

"Bên cạnh đó, thống kê cho thấy các nhà bán hàng quy mô lớn thành công bởi họ có chiến lược lựa chọn sàn phù hợp, thay vì "tấn công" tất cả", ông Tùng nói thêm.

Ông Bình Nguyễn thì cho rằng, thay vì vội vàng bán ngay sản phẩm của mình, người bán nên chuyển dịch sang xu hướng "bán nội dung" (thông tin sản phẩm, công dụng, hiệu quả sản phẩm...) qua các kênh khác như Tiktok, Facebook... trước khi đưa sản phẩm của mình "lên sàn".

Còn về vấn đề thay đổi chính sách của các sàn, Ông Phạm Bảo Trung - Giám đốc kinh doanh của Metric cho rằng, dù chính sách có thay đổi hay không, các doanh nghiệp cần phải sẵn sàng áp dụng các chiến lược quản lý tài chính linh hoạt và phù hợp. Điều quan trọng là tận dụng các nguồn dữ liệu lớn để phân tích, dự báo thị trường, đây là cách tối ưu nhất để xây dựng các chiến lược nhập hàng, sản xuất. Qua việc tiếp cận thông tin từ các nguồn dữ liệu đa dạng, doanh nghiệp có thể xác định ngân sách phù hợp và tự tin hơn trong việc xoay vòng nguồn vốn.

K.Hưng