Chủ tịch Phúc Sinh chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh quốc tế với doanh nhân Đồng Tháp
Bằng những lời tự sự mộc mạc, diễn giả Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group đã kể về kinh nghiệm kinh doanh quốc tế được thể hiện trong cuốn sách Vượt lên những con đường kinh doanh cùng với các doanh nghiệp trẻ tại Đồng Tháp vào ngày 2/3.
Đây là Chương trình Đọc sách cùng Doanh nhân do Hội Doanh nhân Trẻ Đồng Tháp tổ chức.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp trẻ ở Đồng Tháp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đã có rất nhiều câu hỏi về kinh nghiệm đàm phán thương mại quốc tế dành cho ông Phan Minh Thông thông qua trải nghiệm mà vị doanh nhân này đã vượt qua khó khăn trong nhiều năm kinh doanh tại thị trường quốc tế.
Thích nghi và ứng phó với thời cuộc
Nhiều doanh nhân trẻ Đồng Tháp quan tâm đến chương “Tôi đi… đòi nợ” trong sách của tác giả Phan Minh Thông, bởi việc doanh nghiệp trong nước phải đòi nợ khách hàng quốc tế không còn hiếm nữa.
Tác giả Phan Minh Thông nhắc đến chuyện một khách Colombia nhập cà phê Robusta của Phúc Sinh về nước với chỉ 20% tiền đặt cọc. Hàng xếp vào container lên cảng thì khách hàng hứa hẹn trả tiền sau. Bí quyết đòi nợ khách hàng quốc tế của ông Phan Minh Thông đó là đòi nợ kiên trì, nhưng vẫn phải mềm dẻo, giữ bình tĩnh để kiểm soát từng câu nói cho đến khi khách hàng phải bỏ ý định khất nợ và trả lãi đủ để mua một chiếc xe hơi 82 ngàn USD.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Thành Phát, từ Tập đoàn Westa đặt ra những trăn trở hiện nay của nhiều doanh nhân trẻ ở xứ hoa sen với tác giả Phan Minh Thông như: “Đâu là thị trường đại dương xanh trong tình hình kinh tế khó khăn này? Một doanh nghiệp nên cân đối tỷ trọng xuất khẩu và nội địa như thế nào trong bối cảnh 2024?”
Trước những thách thức tác động đến lĩnh vực xuất khẩu trên thế giới nhiều doanh nghiệp đang phân vân rằng có nên rời bỏ để quay về thị trường nội địa? Quay về thị trường trong nước thì phải đối mặt những gì?
Giải đáp những trăn trở này, ông Phan Minh Thông cho rằng, một doanh nhân trong thế giới phẳng không thể giới hạn thị trường mình ở đâu vì khách hàng trong nước hay quốc tế đều quan trọng. Một doanh nghiệp cần hiểu rõ nguồn lực mình tới đâu để tối ưu hoá thị trường.
Khi tác giả viết quyển sách đầu tiên Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh kinh nghiệm của ông chưa thật dày dặn, ông thấy thị trường trong nước và đặc biệt là TP.HCM thật dễ thương, dễ gần. Sau 18 năm chuyên xuất khẩu, ông quay lại thị trường nội địa lại thấy thị trường nội địa không cởi mở như thuở đầu. Thủ tục xuất hàng đi Hamburg còn dễ dàng hơn xuất đi Hà Nội. Lúc đó ông đã nhận ra mình ra nước ngoài quá lâu, khi về nội địa, mình phải học lại văn hoá kinh doanh trong nước và thích nghi với nó. Tuy nhiên, các công ty nội địa đã năng động và tạo điều kiện cho khách hàng nhiều hơn kể từ năm 2019.
Chủ động vươn ra thế giới
Trở lại với tâm tư của các doanh nghiệp trẻ tại Đồng Tháp với lo lắng về việc tìm nguồn hàng, tìm khách hàng trong bối cảnh thị trường tăng trưởng chậm. Ông Phan Minh Thông kể lại kinh nghiệm của mình khi bước ra thế giới: “Tôi là người Hải Phòng vào TP.HCM lập nghiệp, chỉ có mấy chục triệu đồng trong đi xin việc làm. Một điều tôi cảm thấy tự hào về mình vì luôn tìm cách đi ra ngoài thế giới. Mới đầu, tôi chỉ có thể đến Singapore. Rồi thế giới đã rộng mở hơn, tôi mang hàng đi bán các nước châu Âu. Tôi học được văn hoá của các nước, hiểu hơn về con người khắp nơi. Phúc Sinh đã đang bán hàng tới 102 nước trên thế giới, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục đi vòng quanh thế giới.”
Giải đáp về thắc mắc của doanh nghiệp trẻ Đồng Tháp rằng, hiện nay, có một số doanh nghiệp mua hàng còn khó hơn bán hàng. Ông Phan Minh Thông cho rằng, doanh nghiệp đang lệ thuộc vào các ứng dụng xã hội như WhatsApp, Viber… để kết nối với đối tác. Nếu doanh nghiệp thử đến kho hàng, công ty nước bạn gặp gỡ, xuất hiện ở các hội chợ quốc tế thì sẽ tạo thiện cảm với đối tác và tạo cơ hội tìm hiểu hàng hoá kỹ hơn. Bản thân ông luôn buộc mình phải lên kế hoạch, phải đặt vé máy bay để bắt buộc mình phải đi ra thế giới.
Trước những phân vân giữa chiến lược bán nguyên liệu hay bán thành phẩm của doanh nghiệp trẻ tại Đồng Tháp, ông Phan Minh Thông cho biết, doanh nghiệp phải tự xem xét nguồn lực của mình vì sản xuất thành phẩm phải đầu tư rất nhiều và cạnh tranh rất nhiều. Điều quan trọng là doanh nghiệp nhớ đến cuối cùng là chế biến sâu để đi sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.
Ông Phan Minh Thông kể: Một startup đã từng tâm sự "Đọc sách của anh, em không muốn startup nữa vì có quá nhiều chông gai trước mắt.” Nhưng tác giả cho biết, ông cảm thấy như đã hoàn tất sứ mạng mang kinh nghiệm của mình để giúp ích cho những người mới kinh doanh. Nếu kinh nghiệm của ông đã vạch rõ những thách thức trước mắt họ phải vượt qua thì họ có thể đưa quyết định cho riêng mình, đi hay ở lại. Những ai ở lại sẽ tìm được động lực vì khó khăn rồi cũng sẽ vượt qua được nếu chúng ta nỗ lực.
Và cuối cùng, để trả lời một bạn trẻ đang khởi nghiệp là chị Nguyễn Thị Cẩm Tú “điều đáng sợ nhất sau khi thất bại là gì?”, ông Phan Minh Thông cho rằng đó là cảm giác buông xuôi, mất ý chí “Đừng ngại. Đừng sợ. Bạn hãy tạo ra cho mình một quyết tâm để làm thế nào mỗi sáng ngủ dậy bạn đều dám bước vào khó khăn đang hiện diện để giải quyết. Và trên hết, hãy yêu công việc của mình để lấy đó làm dũng khí vượt qua khó khăn.”
Chương trình Đọc sách cùng Doanh nhân được thành lập nhằm mục đích mang lại cho cộng đồng doanh nhân trẻ tại Đồng Tháp một kênh học hỏi từ sách những giá trị mới, kiến thức và trải nghiệm từ các tác giả khác nhau. Ông Trần Huy Hiển - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Đồng Tháp cho biết. “Từ khi đọc sách thì tôi cảm nhận được suy nghĩ mình thay đổi theo hướng tích cực hơn. Bên cạnh đó, dự án Đọc sách cùng Xích Lô do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Minh Hoan sáng lập đã có những thành công nhất định.
Theo ông Hiển, thông qua chương trình Đọc sách cùng Doanh nhân, Hội Doanh nhân Trẻ Đồng Tháp mong muốn thúc đẩy cộng đồng nâng cao tinh thần học hỏi kiến thức mới, trải nghiệm mới và giá trị mới và cùng hưởng ứng phong trào văn hoá đọc trong cộng đồng.”