Thời sự

TP.HCM quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công

Anh Vĩnh 25/10/2023 06:00

Trong năm 2023, TP.HCM được giao kế hoạch đầu tư công là 70.518 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 15.293 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 55.225 tỷ đồng. Số vốn được giao cao gấp hai lần kế hoạch vốn thực giao trong năm 2022 với 32.262 tỷ đồng và gấp 2,6 lần số vốn giải ngân trong năm 2022 với 26.635 tỷ đồng.

878786.jpg

1. Để đạt được mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2023, Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án được giao vốn.

Trong đó, UBND TP.HCM đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Quyết định số 912/QĐ-UBND ngày 16/3/2023, tập trung thúc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện các thủ tục về đầu tư. UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thực hiện đôn đốc, rà soát việc lập kế hoạch giải ngân và kế hoạch triển khai công việc chi tiết từng ngày, từng tháng để đảm bảo giải ngân theo kế hoạch đề ra, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.

Tuy nhiên, tại hội nghị chuyên đề “Công tác giải ngân vốn đầu tư công” do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 20/10/2023, tính đến hết ngày 6/10/2023, thành phố đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 22.000 tỷ đồng, chỉ đạt 32%, trong đó có 8/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 5/22 địa phương giải ngân đạt trên 51%, với số vốn hơn 2.400 tỷ đồng. Có 34/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư và 17/22 địa phương giải ngân thấp hơn 51%, với số vốn hơn 19.100 tỷ đồng. Có 18/60 đơn vị chủ quản, chủ đầu tư chưa giải ngân, số vốn phải giải ngân là hơn 5.900 tỷ đồng.

Quyết tâm hành động trong những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định sẽ tập trung điều hành quyết liệt, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra cho thời gian còn lại của năm 2023. Đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo cụ thể từng nội dung và có kiểm tra thường xuyên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nếu không đạt được tỷ lệ giải ngân trên 95% thì cũng không được thấp hơn 80%. Đồng thời đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo cụ thể từng nội dung và có kiểm tra thường xuyên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quan tâm chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư, giải quyết các khiếu nại thực hiện các dự án.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chỉ ra cụ thể 8 nguyên nhân chủ quan dẫn đến công tác đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công thấp, như công tác dự báo, quá trình triển khai, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với nhu cầu thực tế, chưa sát với khả năng thực hiện, công tác phối hợp, đôn đốc chưa tốt giữa các sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án… đồng thời yêu cầu thời gian tới TP.HCM tiếp tục quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng.

Ông chỉ đạo tăng cường các biện pháp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không làm tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công mà nguyên nhân không do yếu tố khách quan. Các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư, chủ dự án, người đứng đầu cần có cam kết cụ thể tiến độ hoàn thành theo yêu cầu, kế hoạch đề ra. Nơi nào làm không tốt, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét thay đổi cán bộ nơi đó.

5465456.jpg

2. Trước đó, chiều 18/10/2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM và Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo trên 10 lĩnh vực, bao gồm công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; quản lý nhà nước và cơ chế, chính sách; phát triển đô thị, bảo vệ môi trường; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; lĩnh vực giáo dục và y tế; lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; quốc phòng, an ninh; lĩnh vực báo chí, tuyên truyền.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và xúc tiến, thu hút đầu tư, Ban Thường vụ hai thành phố cam kết thường xuyên, trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; các giải pháp cải thiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước (FDI), nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thông tin về các định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các tiềm năng, cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh để đầu tư các dự án, lĩnh vực đột phá của địa phương, động lực phát triển kinh tế vùng; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; và tăng cường hợp tác, liên kết, trao đổi thông tin giữa các đơn vị xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm trao đổi thông tin, đánh giá tiềm năng và lợi thế so sánh của hai địa phương với mục đích tăng cường thu hút đầu tư vào từng địa phương và cả vùng.

Anh Vĩnh