Doanh nhân xưa

Doanh nhân Ngô Đức Kế: Giỏi kinh tài, thạo nghề báo (Kỳ 2)

Thanh An (Tổng hợp) 29/09/2023 17:00

Là người hưởng ứng nhiệt liệt phong trào Duy Tân ở miền Trung đầu thế kỷ XX, doanh nhân Ngô Đức Kế không chỉ ghi dấu ấn trong kinh doanh, kinh tài cho phong trào Đông Du mà cụ còn là chủ bút của Tạp chí Hữu Thanh do Hội Bắc Kỳ Công Thương tương tế sáng lập.

Kỳ 2: Tù Côn Đảo và chủ bút Hữu Thanh Tạp chí

Tháng 3/1908, phong trào chống thuế bùng nổ ở Quảng Nam đã nhanh chóng lan rộng đến nhiều tỉnh miền Trung, phía Nam đến Bình Định, phía Bắc đến Hà Tĩnh, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự cai trị của chính quyền thuộc địa. Trước làn sóng chống thuế ngày càng tăng cao, thực dân Pháp nhận ra những lời kêu gọi, vận động của các sĩ phu yêu nước một khi đã thấm vào quần chúng nhân dân sẽ tạo nên một phong trào đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của người Pháp ở Việt Nam. Ngay lập tức, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, bắt giữ và xử tử nhiều sĩ phu yêu nước, dù có người không trực tiếp phát động và chỉ đạo phong trào này.

mot-duong-pho-o-vinh-thoi-phap-thuoc-nguon-vinh-xua-.jpg
Một đường phố ở Vinh thời Pháp thuộc (Nguồn: Vinh xưa)

Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân và nhiều chí sĩ yêu nước tại Nghệ An và Hà Tĩnh cũng không thoát khỏi đợt đàn áp thẳng tay của thực dân Pháp khi họ liên quan trực tiếp đến các cuộc vận động Duy Tân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhiều người trong số họ đã chịu án lưu đày ra Côn Đảo.

Thân sinh Ngô Đức Kế là Ngô Huệ Liên, lúc ấy đang làm Thị lang Bộ Lễ ở Huế, nhận được tin con trai bị bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh và chắc khó tránh khỏi trọng án, đã gửi thư khuyên con nên tự vẫn để tránh chốn lao tù khổ sai ở Côn Đảo, nhưng Ngô Đức Kế từ chối lời khuyên của cha, khẳng khái chọn tiếp tục sống dù khổ nạn đến đâu để sau này khi ra tù sẽ trở về giúp dân, giúp nước lần nữa.

Tháng 9/1908, đoàn tù đầu tiên (trong đó có Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn và Lê Văn Huân) bị đưa ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, Ngô Đức Kế bị bắt làm việc khổ sai ở Sở Ruộng, Sở Gỗ, nhưng cụ vẫn không nhụt chí, vẫn tranh thủ, mày mò học tiếng Pháp từ Pháp - Việt từ điển mượn của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Suốt thời gian chịu án tại Côn Đảo, dù biết cầm chắc cái chết, nhưng Ngô Đức Kế vẫn kiên định thái độ sống ngoan cường, tinh thần lạc quan, cùng các bạn tù chia ngọt sẻ bùi bằng thơ ca.

Đầu năm 1921, lớp tù chính trị đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo được trả tự do. Ngô Đức Kế cùng Đặng Nguyên Cẩn và Huỳnh Thúc Kháng trở về đất liền sau 13 năm bị lưu đày xa xứ. Ngô Đức Kế tiếp tục bị quản chế ở nhà nhưng đến tháng 12/1922, cụ đệ đơn lên Công sứ Hà Tĩnh xin ra Hà Nội sinh sống và không đợi trả lời, cụ trốn đi, thuê nhà ở số 14 phố Hàng Điếu, kiếm sống bằng nghề viết chữ Hán cho một hiệu đối trướng. Chính quyền thực dân biết chuyện nhưng không trục xuất về quê mà để cụ ở lại Hà Nội để tiện giám sát hơn và tìm cách mua chuộc. Dưới danh nghĩa triều đình Huế, tháng 4/1923, thực dân Pháp trả lại học vị tiến sĩ cho Ngô Đức Kế và cho cụ một chức trong bộ máy chính quyền thực dân nhưng cụ từ chối. Cuối năm 1923, một bước ngoặt diễn ra trong cuộc đời Ngô Đức Kế khi cụ tiến bước vào cuộc đấu tranh trên trận địa báo chí dưới danh nghĩa là chủ bút của Hữu Thanh Tạp chí ở Hà Nội.

Tạp chí Hữu Thanh do Hội Bắc Kỳ Công Thương tương tế sáng lập theo ý tưởng thành lập một cơ quan ngôn luận học tập theo Nam Phong Tạp chí của Hội trưởng Nguyễn Huy Hợi và được hội gửi một lá đơn xin phép thành lập đến Thống sứ Bắc Kỳ Rivet ngày 5/1/1921. Ban đầu, tạp chí mang tên Doanh nghiệp Tùng đàm, nhưng sau khi thảo luận, hội đi đến quyết định chọn tên gọi Hữu Thanh Tạp chí, có nghĩa là “tiếng gọi bạn” với người sáng lập là Nguyễn Huy Hợi và chủ nhiệm là Nguyễn Duy Nho được ghi trên manchette. Tòa soạn đặt tại 59 phố Hàng Gai, Hà Nội, phần in ấn do Chân Phương Ấn quán chịu trách nhiệm

Tạp chí Hữu Thanh ra mắt độc giả với số đầu tiên ngày 1/8/1921 có bài đăng Kính cáo đồng bào trên trang nhất như một tuyên ngôn, nói rõ tôn chỉ, mục đích, thể loại và kỳ vọng của đội ngũ tạp chí. Tạp chí ra mỗi tháng hai kỳ, ngày 1 và 15. Mỗi số 60 trang, từ ngày 1/5/1922 tăng lên 70 trang, không kể những trang quảng cáo, in trên khổ giấy 370x190cm, mỗi kỳ in 2.500 bản, đặc biệt số 21 phát hành 3.000 bản. Gần cuối năm 1923, tòa soạn mời Ngô Đức Kế làm chủ bút với bộ mới được phát hành từ ngày 1/11/1923.

le-khanh-thanh-tuong-ngo-duc-ke-tai-thi-tran-nghen-ngay-14-thang-1-nam-2022-nguon-ngo-toc-.jpg
Lễ khánh thành tượng Ngô Đức Kế tại thị trấn Nghèn ngày 14/1/2022 (Nguồn: Ngô tộc)

Từ khi nhận chức chủ bút, Ngô Đức Kế trở thành một trong những cây bút chủ lực của Tạp chí Hữu Thanh, bên cạnh nhà thơ Tản Đà chuyên viết xã luận về các vấn đề luân lý, học thuật, kinh tế và thực nghiệp, như Năm Giáp Tý mới, Bình luận tế Nam Giao, Hội đảng nước Nam, Cứu dân nước lụt, Bàn về chính phủ lúc khởi nguyên và lúc phát triển, Bài luận tự trợ, Cảm tưởng trong lúc vào xem Văn Miếu Hà Nội, Cái thói ganh nhau danh vị của người Việt Nam, Đức công cộng, Bài luận chính trị đạo đức… dưới ba bút danh: Ngô Đức Kế, Tập Xuyên và T.X.

Những bài viết của Ngô Đức Kế vô cùng sắc sảo, đề cập, đụng chạm tới những vấn đề chính trị, tư tưởng mang tính thời sự. Cụ Kế còn châm ngòi cho cuộc ganh đua giành ngôi vị quán quân báo chí giữa Tạp chí Hữu Thanh và Tạp chí Nam Phong. Tiếc thay vào năm 1926, Tạp chí Hữu Thanh bị đóng cửa nên cụ Kế chuyển sang mở Giác quần thư xã để xuất bản sách, trong đó có sách của Phan Chu Trinh.

Ngày 10/12/1929, Ngô Đức Kế qua đời, hưởng thọ 51 tuổi, mộ táng ở làng Tương Mai, Hà Nội.

Kỳ 1: Triêu Dương Thương quán: Cơ sở kinh tài của phong trào Đông Du

Thanh An (Tổng hợp)