Tăng cường năng lực thích ứng hội nhập kinh tế quốc tế (Bài 2)
Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới dự báo sẽ phức tạp, bao trùm hơn và nhiều thách thức, tác động bởi xu hướng định hình các nguyên tắc, tiêu chuẩn mới trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, đòi hỏi cần phải có những giải pháp tăng cường năng lực thích ứng.
BÀI 2: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG VỚI VIỆT NAM
Tác động tích cực và hạn chế
Các nước phát triển đang dẫn dắt việc thiết lập các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế, gắn với các yếu tố xanh, bền vững và trách nhiệm xã hội. Trong tiến trình này, các nước đang phát triển sẽ ít có sự lựa chọn do phụ thuộc về thị trường, công nghệ và nguồn vốn.
Tuy các nước phát triển có những quan điểm khác nhau về một số nội dung và cách tiếp cận, song xu thế mới này dự báo sẽ tiếp tục được đẩy nhanh trong thời gian tới, tạo ra áp lực thực thi và buộc các nước đang phát triển phải thích ứng. Điều này sẽ có những tác động tích cực cũng như hạn chế đến các nền kinh tế trên thế giới.
Xét ở góc độ tích cực, các sáng kiến, tiêu chuẩn mới sẽ góp phần tạo dựng nền tảng chung cho tiến trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trên toàn cầu, qua đó đẩy nhanh chuyển hóa các cam kết thành hành động, thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ trong điều hành vĩ mô giữa các nền kinh tế, dịch chuyển các dòng thương mại và đầu tư quốc tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn. Thiết lập các cơ chế thúc đẩy hợp tác về tài chính, công nghệ, quản trị, đào tạo, nguồn nhân lực, qua đó sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thích ứng với các xu hướng mới.
Xét ở góc độ hạn chế, nó sẽ làm suy giảm hiệu quả kinh tế, gia tăng chi phí hành chính, chi phí sản xuất trên toàn cầu. Trước mắt có thể khiến giá hàng hóa toàn cầu tăng do chịu tác động của áp lực chi phí đẩy, làm phức tạp thêm tình hình lạm phát.
Việc các nước gia tăng triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa, điều này có nguy cơ tạo ra một làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới, gây bất bình đẳng trong thương mại quốc tế.
Xu thế hình thành các tiêu chuẩn mới trong thương mại, đầu tư quốc tế cũng sẽ tác động tới năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế đang phát triển ở các mức độ khác nhau, tùy vào cơ cấu xuất nhập khẩu và mức độ phát thải carbon của mỗi nước.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, xu hướng mới sẽ là một cơ hội nếu Việt Nam tăng tính chủ động, kịp thời nắm bắt và thích ứng. Đây có thể xem là một động lực để chuyển đổi tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư chất lượng cao, tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tranh thủ được nguồn vốn, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực từ bên ngoài để phát triển năng lực sản xuất trong các lĩnh vực mới, đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững và xanh hơn (theo các tiêu chí ESG), đẩy mạnh xuất khẩu.
Điều này được thúc đẩy bởi Việt Nam đã tham gia các FTA thế hệ mới, ký kết các hiệp định song phương và đa phương với nhiều đối tác tạo ra những nền tảng thể chế, chính sách bước đầu có thể giúp Việt Nam có khả năng vượt lên trong tiến trình chuyển đổi xanh, sản xuất xanh, xuất khẩu xanh.
Tuy nhiên, thách thức lớn đối với Việt Nam đó là nguy cơ có thể không bắt kịp các quy định mới trong thương mại và đầu tư quốc tế, suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thu hút đầu tư nước ngoài.
Lý do bởi, thứ nhất, bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng kéo theo các hàng rào kỹ thuật xanh, bền vững. Điều này sẽ tạo ra thách thức cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, làm gia tăng chi phí sản xuất, tạo gánh nặng lớn về nghĩa vụ giải trình đối với nhà sản xuất (nông dân, doanh nghiệp) cũng như các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.
Thứ hai, năng lực tham gia các chuỗi cung ứng xanh của Việt Nam hiện nay vẫn còn chưa cao do trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng vẫn còn hạn chế, chi phí chuyển đổi công nghệ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một rào cản rất lớn. Nguồn nhân lực, nhận thức của người sản xuất, đặc biệt là một số nhóm yếu thế như nông dân… vẫn còn chưa sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu xanh hóa, phi carbon hóa của các thị trường lớn.
Thứ ba, cạnh tranh chiến lược toàn cầu phức tạp, gia tăng phân tách kinh tế. Điều này không loại trừ sẽ dẫn tới hình thành các hệ thống, các khối liên minh kinh tế hẹp với các tiêu chuẩn khác nhau và có thể không tương thích.
Thứ tư, một số nước trong khu vực châu Á với nhiều lợi thế hơn đang cạnh tranh rất quyết liệt trong quá trình chuyển đổi theo xu hướng mới ở một số lĩnh vực, điều này cho thấy khả năng thích ứng và nắm bắt của họ rất nhanh (Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh…).
Ngoài ra, so với việc triển khai các FTA trước đây thì tốc độ thực thi các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế hiện nay nhanh hơn nhiều (thời gian thử nghiệm chỉ 2-3 năm). Các nước phát triển đều rất quyết tâm đưa các tiêu chuẩn mới đi vào thực thi để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp, đưa các công nghệ, sản phẩm mới vào thương mại hóa.
Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là các động lực tăng trưởng quan trọng nên không thể nằm ngoài xu thế chung.
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam dự báo tới đây sẽ bước vào một giai đoạn mới phức tạp hơn, bao trùm hơn, thách thức hơn, đan xen nhiều yếu tố về kinh tế, chính trị, công nghệ, môi trường, xã hội… Do vậy, cần phải chủ động, tích cực và có khả năng thích ứng kịp thời với các nguyên tắc, tiêu chuẩn mới, tham gia định hình các tiêu chuẩn, luật chơi mới. Nhiều tiêu chuẩn mới hiện nay đang bước vào giai đoạn thử nghiệm, trong 1-2 năm tới là giai đoạn then chốt để Việt Nam kịp thời điều chỉnh.
Tăng cường năng lực thích ứng
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đang phát triển sớm bắt nhịp được với các tiêu chuẩn mới trong thương mại và đầu tư quốc tế, cũng đồng nghĩa với năng lực thích ứng tốt và hội nhập kinh tế hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, Bangladesh là một trong những nước đi nhanh trong thực thi các tiêu chuẩn về thẩm định chuỗi cung ứng (DD) của EU. Các hiệp hội doanh nghiệp của nước này đã chủ động thúc đẩy hợp tác với các đối tác phát triển trong việc thích ứng DD, phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), qua đó đã góp phần quan trọng duy trì năng lực cạnh tranh xuất khẩu các ngành hàng như dệt may, da giầy trong thời gian vừa qua.
Để thích ứng nhanh, một số nước cũng đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược quốc gia mang tính đồng bộ, gắn kết các mục tiêu khí hậu, giảm phát thải và phát triển bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả thực thi. Ưu tiên nâng cao nội lực, hỗ trực tiếp cho cấp thực thi là các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Chẳng hạn, Bangladesh đã chú trọng công tác thông tin, phổ biến cho doanh nghiệp, thành lập các bộ phận đầu mối trong các hiệp hội để cập nhật các xu hướng tiêu chuẩn mới, đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp nhanh nhất.
Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế không thể bê nguyên áp dụng với Việt Nam, cần tiếp thu chọn lọc, vận dụng phù hợp với bối cảnh, điều kiện và năng lực thực tế.
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cần khẩn trương triển khai công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22/2013/NQ-TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đánh giá toàn diện, thấu đáo mọi mặt, trên cơ sở đó đề xuất các mục tiêu, quan điểm, định hướng hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới làm sao bảo đảm được năng lực thích ứng với các tiêu chuẩn mới trong thương mại, đầu tư quốc tế.
Xây dựng kế hoạch tổng thể, đồng bộ giữa các ngành và địa phương trong việc thích ứng với các tiêu chuẩn mới. Kế hoạch này tiếp cận theo hướng toàn diện cả những vấn đề cấp bách cũng như các vấn đề có tính nền tảng trong dài hạn về hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, ưu tiên hoàn thiện thể chế chính sách, chú trọng các biện pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp.
Đẩy nhanh lộ trình xây dựng, thử nghiệm và vận hành thị trường carbon Việt Nam dự kiến vào năm 2026 (thời điểm CBAM của EU chính thức có hiệu lực). Nghiên cứu ban hành các tiêu chí ưu đãi đầu tư sản xuất xanh để tạo thuận lợi trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư xanh đang gia tăng.
Theo dõi sát động thái chính sách của các nước có liên quan, của các tổ chức quốc tế về xây dựng các tiêu chuẩn mới, các biện pháp thích ứng, các sáng kiến chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững. Đồng thời chú trọng thông tin cho địa phương, doanh nghiệp chủ động tham gia đóng góp vào tiến trình các đối tác lấy ý kiến doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh, thích ứng ứng với xu thế mới.
Chủ động, tích cực tham gia các diễn đàn, sáng kiến liên kết về chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững phù hợp với lợi ích và trình độ của Việt Nam.
Tranh thủ tối đa xu hướng gia tăng các nguồn tài chính cho phát triển, ưu tiên thu hút vốn ODA vay ưu đãi vào các lĩnh vực chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, thích ứng với các xu thế mới. Nghiên cứu khả năng huy động nguồn tài chính xanh thông qua phát hành trái phiếu xanh Chính phủ và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương trong kết nối với các tổ chức, quỹ đầu tư để hỗ trợ tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật.
Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để đánh giá mức độ tác động của xu hướng định hình các tiêu chuẩn mới đến khu vực doanh nghiệp nhằm nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách bám sát với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để giảm thiểu tác động bất lợi, tìm kiếm các giải pháp hài hòa, chia sẻ lợi ích giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
BÀI 1: NHẬN DIỆN XU THẾ MỚI TRONG THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ