Những người trẻ kết nối với lịch sử
Đời thường - Ngày đăng : 08:26, 28/01/2014
![]() |
Thỉnh thoảng, tôi nhận được những câu hỏi muốn tìm hiểu về nghề khảo cổ của tôi. Phần lớn những câu hỏi này bắt đầu từ thông tin trên báo chí về những phát hiện khảo cổ học và thường kết thúc bằng một câu hỏi đại loại như “vì sao chị là phụ nữ mà lại đi theo nghề... đào bới?”.
![]() |
>Nơi tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa Việt |
Tôi thật tình trả lời: “Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hầu hết những người theo nghề khảo cổ, nam hay nữ, đều do yêu thích công việc này, và khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình”.
Với nghề khảo cổ là sự say mê những chuyến đi, tỉ mỉ trong công việc và cần có tính đồng đội cao. Nếu bạn nào thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành học rất thú vị!
Thú vị vì được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều. Không chỉ khảo cổ có đất sống, tôi đang tự hào nhìn về rất nhiều người trẻ dám nghe theo tiếng gọi của con tim mình, đang theo đuổi và làm sống lại những giá trị xưa.
Như chuyện bạn trẻ Trần Quang Đức nghiên cứu văn hóa trang phục Việt Nam và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ gây chú ý thời gian qua; chuyện rất nhiều bạn trẻ tham gia tranh tài ở cuộc thi “Khôi phục Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội...”.
Những người trẻ ấy đã làm nên một sắc diện mới trong bức tranh lập thân của thế hệ, nối kết dòng chảy của lịch sử xa xưa trong xã hội hiện đại, để thấy rằng thế giới này dù phẳng đến đâu thì giá trị của lịch sử vẫn là những gì đáng trân trọng và gìn giữ nhất. Vì trong vòng xoáy của những thay đổi chóng mặt như ngày nay, lịch sử cho chúng ta biết chúng ta là ai, đến từ đâu, giá trị của chúng ta là gì...