Dòng phim xưa - thách thức cho nhà sản xuất
Đời thường - Ngày đăng : 06:41, 25/02/2017
Giữa lúc phim truyền hình đang thất thế trước làn sóng gameshow "trăm hoa đua nở" thì dòng phim đề tài xưa vẫn được khán giả đón nhận với chỉ số rating cao. Chẳng hạn như Lời nguyền (bối cảnh trải dài từ 1950 - 1990), Hai người vợ (những năm 1970), Ải mỹ nhân (đầu thế kỷ XX), Khúc tương tư, Hoán nhân tâm, Đoạn trường nam ai... phát sóng trong năm 2016 có rating chỉ đứng sau Cô dâu 8 tuổi của Ấn Độ, thậm chí có tập còn vượt qua, đạt tới hơn 7.0 (số liệu của Vietnam - TAM cùng cấp) tại thị trường TP.HCM và Hà Nội. Đây là con số đáng mơ ước, bởi đa số phim truyền hình dài tập năm qua rating chỉ đạt quanh mức 1.5 - 3.0.
Đạo diễn - nhà sản xuất Bùi Ngọc Nam Phương của các phim xưa như Lời sám hối, Ải trần gian, Trần Trung kỳ án chia sẻ: "Những bộ phim truyền hình đề tài xưa luôn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với khán giả ngày nay, khi các phim tâm lý xã hội hiện đại với đầy rẫy nhà lầu, xe hơi và những chuyện tình tay ba, tay tư, cạnh tranh khốc liệt trên thương trường đã trở nên quá nhàm chán với họ”.
Trên thực tế, kể từ khi phim truyền hình dài tập xuất hiện ở đầu thập niên 1990 đến nay, các phim đề tài xưa như Nợ đời, Người đẹp Tây Đô, Ngọn cỏ gió đùa, Tại tôi, Khóc thầm, Con nhà nghèo, Trò đời, Lòng dạ đàn bà, Lều chõng, Con nhà giàu, Hai khối tình, Đò dọc, Tơ hồng vấn vương... đã tạo được một phân khúc riêng và trở thành "đặc sản" của các hãng phim nhà nước (TFS, VFC) hay tư nhân (Sóng Vàng, M&T Pictures, Sao Phương Nam).
Trong đó, nhiều phim có kịch bản chuyển thể các tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh hay các vở cải lương, kịch nói "vang bóng một thời" rất được khán giả yêu thích và chờ đón bởi tính nhân văn và cuộc sống đậm chất Nam bộ xưa được tái hiện một cách sống động và nguyên vẹn.
"Biết là có khán giả, nhưng so với phim hiện đại, phim xưa gặp nhiều khó khăn trong việc tái hiện xã hội, cuộc sống của con người thuở ấy. Vì những yếu tố làm nên "hồn xưa" như bối cảnh, phục trang, đạo cụ đến chọn diễn viên phải hết sức kỹ lưỡng, cẩn thận, tốn nhiều thời gian. Trong khi kinh phí của phim truyền hình vẫn cào bằng ở mức 180 - 200 triệu đồng/tập, mà làm phim xưa, đặc biệt là phim cổ trang, luôn có chi phí ngang mức này, thậm chí còn cao hơn nhiều", đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương cho biết.
Theo hầu hết đạo diễn từng làm phim xưa, việc phục dựng bối cảnh xưa vô cùng khó khăn và tốn kém chi phí. Ví dụ, khi làm phim Trần Trung kỳ án, đoàn phim phải bôn ba khắp nơi từ Sài Gòn xuống Long An, ngược lên Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, rồi quay về Củ Chi... để lùng sục tìm kiếm bối cảnh với yêu cầu đầu tiên là không có dây điện, không có nhà tường để tách biệt với xã hội bên ngoài. Tốc độ đô thị hóa đang rất nhanh, ngay cả những cánh đồng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng thấy dây điện giăng mắc.
Cảnh trong phim Lều chõng |
Đạo diễn Võ Việt Hùng, từng làm các phim xưa Tân Phong nữ sĩ, Tình án, Khóc thầm, Tại tôi, Hai người vợ... cho biết: "Tuy TP.HCM vẫn còn những khu nhà xưa, nhưng thực tế không còn cái nào là nhà xưa đúng nghĩa. Bởi trong một ngôi nhà cổ bây giờ cũng có rất nhiều đồ vật thuộc đời sống mới như tivi, đèn điện, quạt máy...".
Quay lắp ghép bối cảnh xưa theo kiểu mỗi nơi một ít, hoặc tự dựng, tự chế lại những đồ vật phù hợp với thời kỳ của phim là chuyện thường ngày với các đoàn làm phim xưa. Chẳng hạn, đoàn phim Mỹ nhân Sài thành (bối cảnh những năm 1930 - 1950) của NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc từng phải cất hẳn 5 ngôi nhà với từng cái bàn, ghế, tràng kỷ, kệ, tủ, trang thờ, câu đối..., rồi những hàng dừa, thuyền bè để cho ra bối cảnh làng chài xưa hoang sơ; hay phải thuê 50m đường và thiết kế lại 2 bên đường có cửa hàng, nhà dân, công sở, quán cà phê, còn lòng đường thì xuất hiện xe kéo, xe bò, xe ngựa bánh gỗ, xe xích lô, xe gắn máy Mobilet, xe ô tô Peugeot 203, Deux Chevaux... để cho đúng khung cảnh đường phố xưa. Tất nhiên, đạo cụ (đồ cổ) cho cảnh quay này khá tốn kém, phải lùng sục tìm kiếm, thuê mướn khắp nơi với giá cao.
Kỳ công để ra được "hồn xưa", nên thông thường các đoàn làm phim xưa phải quay từ 6 - 8 tháng mới xong 30 tập phim, trong khi phim tâm lý xã hội hiện đại chỉ mất từ 2 - 3 tháng. Thời gian quay kéo dài nên chi phí đương nhiên đội giá lên rất nhiều.
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum chuyên làm phim chuyển thể tác phẩm văn học của Hồ Biểu Chánh chia sẻ: "Dù có kinh nghiệm làm phim xưa nhiều rồi, vậy mà lần nào bắt tay vào làm phim mới, tôi cũng như phải đứng trước "thử thách" về kinh phí, về dàn dựng phần bối cảnh, đạo cụ, phục trang... Vì số lượng phim xưa còn ít, lâu lâu mới làm một phim nên không thể tận dụng những gì sẵn có từ phim trước được".
Bởi vậy, dù biết nguồn đề tài cho phim xưa rất phong phú, song các nhà sản xuất vẫn không dám tăng số lượng. "Thôi thì "quý hồ tinh bất quý hồ đa" (chỉ cần tốt chứ không cần nhiều), có thế dòng phim xưa mới không bị bão hòa và luôn được khán giả ưa chuộng", nhà sản xuất Sóng Vàng bộc bạch.