Thị trường Việt Nam không còn tiềm năng cho K-pop?
Đời thường - Ngày đăng : 06:32, 05/04/2017
Thông qua hàng loạt chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa, họp fan, hợp tác, sự kiện quảng cáo,... các nghệ sĩ K-pop đang "tấn công" thị trường nhạc Việt. Nhưng dường như đây không còn là thị trường đầy tiềm năng như trước.
Trong vòng 5 năm qua, đã có khá nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc K-pop đến Việt Nam thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, biểu diễn, quảng bá sản phẩm của các thương hiệu, quay game show, du lịch, họp fan... Ngay trong 3 tháng đầu năm 2017 này, đã có nhóm GOT7 sang biểu diễn tại sự kiện Zing Music Space, rồi T-ara, DIA và NCT127 góp mặt trong lễ trao giải V-Live 2016; chương trình MBC Music K-Plus Concert (Đại nhạc hội Kpop) quy tụ các nhóm EXID, APink, Seventeen, Laboum, MASC...; Girls' Generation, NSD, Super Junior, NCT127... biểu diễn trong đêm nhạc từ thiện "Thần tượng - Đồng hành".
Dự kiến trong những tháng tới sẽ có nhiều chương trình biểu diễn, giao lưu... của nghệ sĩ K-pop ở Việt Nam. Bởi không chỉ các đơn vị tổ chức ở Việt Nam mời nghệ sĩ K-pop sang, nhiều công ty giải trí Hàn Quốc cũng lập kế hoạch cho ca sĩ của họ hợp tác với ca sĩ Việt Nam trong một số sản phẩm âm nhạc. Ví như ca sĩ nhạc rap của Hàn Quốc là Basik chuẩn bị đến Việt Nam để hợp tác với ca sĩ Noo Phước Thịnh.
Khoảng những năm cuối thập niên 1990, khán giả Việt Nam bắt đầu được tiếp xúc với phim ảnh Hàn Quốc trên màn ảnh nhỏ. Rất nhanh chóng, chúng đã tạo nên "cơn sốt" ưa chuộng, mở đường cho các nghệ sĩ Hàn Quốc đến Việt Nam thông qua các chương trình giao lưu, quảng bá thương hiệu...
Đến muộn hơn phim ảnh, từ những năm 2008 - 2009, làn sóng K-pop cũng mau chóng được đón nhận ở Việt Nam. Nhắc đến ca sĩ Hàn, rất nhiều khán giả trẻ nhớ ngay đến các nhóm nhạc nổi tiếng như Big Bang, Super Junior, Wonder Girls, TVXQ, SNSD...
"Cuồng thần tượng" mà cụ thể là các ca sĩ của làn sóng Kpop đã từng trở thành một hiện tượng xã hội đáng lo ngại trong nhiều năm qua trong giới trẻ Việt Nam. Mức độ "chịu chi" của fan hâm mộ Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng không hề kém cạnh. Vì thế, số lượng nghệ sĩ K-pop sang Việt Nam cứ tăng dần. Năm 2017 dự báo họ sẽ "đổ bộ" nhiều hơn, một phần là do các sản phẩm giải trí của Hàn Quốc đang bị cấm ở Trung Quốc - một thị trường lớn nhất của Kpop nói riêng bấy lâu.
Tuy nhiên, có một thực tế là ở thời điểm này, cũng như với phim truyền hình Hàn Quốc trên màn ảnh nhỏ, "cơn sốt" của khán giả Việt dành cho K-pop được xem là đã nguội hơn so với vài năm trước.
Có nhiều lý do, chẳng hạn như cơ hội để fan Việt được gặp "thần tượng" K-pop không còn hiếm như xưa.
Việc các "thần tượng" K-pop liên tục biểu diễn ở các nước trong khu vực và sự phát triển của mạng xã hội cũng khiến fan Việt không còn hào hứng với các đêm nhạc có giá vé quá cao được tổ chức ở Việt Nam, trừ phi quy tụ được những ngôi sao đình đám nhất.
Đó là một trong số lý do chính khiến đêm nhạc MBC Music K-Plus Concert diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào cuối tháng 3 vừa qua với giá vé từ 500 ngàn - 3,8 triệu đồng chỉ thu hút được hơn 1.000 khán giả, thậm chí buổi diễn thứ 2 mở cửa cho vào tự do cũng không đông khán giả hơn như mong muốn. Và đây cũng không phải lần đầu tiên một chương trình biểu diễn có nghệ sĩ K-pop bị "ế ẩm" như thế.
Ngay trong nội địa, truyền thông Hàn Quốc cũng phải thừa nhận K-pop đang xuống cấp trầm trọng vì thiếu sáng tạo và quá nhiều những scandal đi kèm. Đã vậy, số lượng nhóm nhạc Kpop lại không ngừng phát triển, mỗi năm đều có hàng chục nhóm nhạc mới ra đời. Nếu năm 2014 có ít nhất 36 nhóm nhạc mới thì sang năm 2015 con số này đã lên tới trên 100, còn năm 2016 là 30 nhóm nhạc ra mắt.
Nhiều về số lượng, lại được các công ty quản lý xây dựng theo mô hình na ná nhau, thậm chí có những nhóm còn sao chép lẫn nhau về phong cách thời trang, biểu diễn, vũ đạo lẫn cả dòng nhạc. Để thu hút khán giả, nhiều nhóm nhạc nữ với lợi thế về hình thể đã không ngại "khoe da thịt" và thực hiện các màn vũ đạo phản cảm.
Về cơ bản, K-pop dành cho phần đông giới trẻ, tập trung nhiều nhất ở độ tuổi thiếu niên, lứa tuổi thường "thần tượng" ca sĩ nào đó với hình ảnh trong sáng, tích cực... Ngay cả những nhóm nhạc đang tạo được dấu ấn trên thị trường quốc tế như EXO, GOT7, BTS, Twice... cũng không có mấy sản phẩm âm nhạc tạo thành trào lưu rộng khắp như những nhóm nhạc thời hoàng kim của Kpop trước đây là Big Bang, Wonder Girls, TVXQ hay SNSD...
Một lý do nữa cũng góp phần đáng kể làm nguội bớt "cơn sốt" hâm mộ K-pop ở Việt Nam là nhiều ca sĩ Vpop đang dần thay đổi phong cách và dòng nhạc để đáp ứng nhu cầu và sở thích của khán giả trẻ. Thành công của các ca sĩ như Sơn Tùng M-TP, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi và một số nhóm nhạc trẻ trong thời gian gần đây cho thấy sự đón nhận của công chúng dành cho V-pop đang tăng lên rõ rệt.