Trung Quốc có dễ "thay áo" nền nông nghiệp?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:36, 29/05/2017
Tuy nhiên, các thế hệ doanh nhân mới đang cho thấy nhiều nỗ lực nhằm "thay áo" cho nền nông nghiệp nước này.
Nắm bắt thời cơ kinh doanh
Nhu cầu về thực phẩm sạch đang ngày càng gia tăng tại Trung Quốc, giúp tạo nên một thế hệ doanh nhân mới - những người nhanh chóng nắm bắt thời cơ kinh doanh nông nghiệp.
“Nhiều người đang trở nên giàu có hơn và họ muốn mua các sản phẩm nông nghiệp an toàn”, Li Xiaojun (42 tuổi) – nhà nghiên cứu ngành Viễn thông tại Đại học Chiết Giang nói với Bloomberg. Lo lắng về chất lượng thịt ngoài các cửa hàng, cách đây 10 năm, Li Xiaojun đã thuê 7ha đất để tự nuôi gà và cung cấp cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, thịt gà của Xiaojun dần trở nên phổ biến đến mức ông đã tiếp tục mở rộng diện tích nuôi và hiện tại có 666ha đất nuôi gà thả vườn để cung cấp trực tiếp cho nhiều gia đình ở tận Hàng Châu, cách nông trại khoảng 100 cây số. Thịt gà của Xiaojun có giá cao gấp 4 lần thịt gà trong các siêu thị thông thường.
Nông trại nuôi gà thả vườn của Li Xiaojun |
An toàn thực phẩm là vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với người kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp tại Trung Quốc. Cuộc điều tra về nguyên nhân ô nhiễm môi trường tại nước này hồi năm 2010 đã cho thấy lĩnh vực nông nghiệp chứ không phải công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm bề mặt nước.
Người tiêu dùng Trung Quốc đã có cả thập kỷ phải trải qua nhiều vụ bê bối thực phẩm, khiến nhiều nhà giàu nước này chuyển sang sử dụng thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ, thực phẩm của các thương hiệu nước ngoài hoặc các hãng sản xuất nhỏ tại địa phương. Họ cũng muốn có thêm nhiều loại thực phẩm độc đáo, quý hiếm, và muốn dùng rau củ và trái cây tươi trong suốt năm.
Không bỏ qua cơ hội này, Chen Jianming (49 tuổi) – một cựu công nhân nhà máy ô tô ở tỉnh Thiểm Tây – đã cùng với vợ thuê nửa hecta đất để trồng dâu tây trong nhà kính. Trong đợt Tết Nguyên đán vừa qua, dâu tây của họ được bán với giá 10 USD/kg. “Chúng tôi không sử dụng thuốc trừ sâu, và mọi người thích dâu của chúng tôi”, ông Chen cho biết.
Những nỗ lực của nhiều cá nhân như Li Xiaojun và Chen Jianming đã góp phần khắc phục tình trạng mất cân bằng lương thực và giúp giảm bớt mức độ nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc.
Bài toán “lớn hóa” đất nông nghiệp
4/5 đất nông nghiệp của Trung Quốc được chia ra thành các mảnh nhỏ hơn 3,3ha, và hầu hết những mảnh đất này thậm chí còn nhỏ hơn một sân bóng đá. Nông dân chủ yếu trồng các loại ngũ cốc như lúa, lúa mì trên đất được bón nhiều phân bón hóa học do chính phủ “tài trợ” nhằm tăng năng suất và giúp cho cây trồng được chắc hạt. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu mới đối với nhiều loại thực phẩm sạch như thịt, trái cây, rau củ,… Trung Quốc cần có những diện tích đất nuôi trồng lớn hơn, chất lượng hơn và an toàn hơn.
Tuy nhiên, điều này đặt chính phủ Trung Quốc vào thế tiến thoái lưỡng nan: nếu cho phép tất cả những mảnh đất nông nghiệp được tái canh tác an toàn, hàng triệu người lao động ở nông thôn có nguy cơ mất việc làm. “Gần một nửa dân số Trung Quốc sống ở nông thôn. Nếu họ không thể tìm được việc làm ở thành thị, vấn đề này sẽ tạo ra một sự bất ổn xã hội. Cách làm nông hiện đại lẫn các cánh đồng nhỏ truyền thống kiểu hộ gia đình sẽ phải cùng lúc tồn tại song song với nhau”, Hu Bingchuan – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển nông thôn, thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (Bắc Kinh) cho biết.
Trung Quốc đang cố gắng từng bước mở rộng diện tích trung bình của các mảnh đất nông nghiệp. Nông dân Trung Quốc vốn không được sở hữu đất canh tác, mà được cấp quyền sử dụng thông qua chính quyền địa phương, thường là dưới hình thức thuê kéo dài hàng thập kỷ. Hồi tháng 12 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã cho phép chính quyền địa phương được “sáp nhập” quyền sử dụng đất đối với các mảnh đất nhỏ của các hộ nông dân và có thể cho doanh nghiệp thuê lại với hình thức trả tiền thuê hằng năm.
Không phải hướng đến mục đích tạo ra nhiều nông trại lớn như các nước Hoa Kỳ, Canada hoặc Australia, nhưng cách “sáp nhập” những mảnh đất nhỏ như vậy cũng tạo điều kiện cho nông dân tận dụng hiệu quả các trang thiết bị công nghệ mới. Chính phủ Trung Quốc xác định “hạn mức thích hợp” để giao đất nông nghiệp cho một hộ nông dân vào khoảng 7 – 13ha.
“Sáp nhập” đất nông nghiệp là bài toán khó đối với Trung Quốc, vì ngay cả khi chưa tính đến chuyện nông dân địa phương bị mất việc làm, đặc trưng đất trồng ở nhiều vùng của Trung Quốc là không đồng nhất về tính chất. Nhiều vùng rộng lớn ở phía bắc bị khan hiếm nguồn nước và còn thường bị ô nhiễm bởi các ngành công nghiệp như khai thác than. Phần lớn phù sa ở các vùng đồng bằng dọc theo bờ biển cũng đã bị cuốn trôi sau nhiều thập kỷ đô thị hóa.
Để khắc phục vấn đề này, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng di chuyển nguồn nước từ phía nam lên phía bắc thông qua một hệ thống lớn với nhiều con đập và kênh rạch. Không những cải thiện sự suy giảm lượng đất nông nghiệp tại các thành phố, cách làm này còn tạo điều kiện cho các mô hình nông trại lớn dễ dàng áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới trong nuôi trồng.
Khi có quy định mới, hơn 1/3 hộ nông dân Trung Quốc đã cho thuê lại đất canh tác, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Qu Dongyu cho biết trong một hội nghị hôm 20/4. Ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Trung Quốc, sự chuyển đổi của nông dân từ tự canh tác sang cho thuê đất không phải là điều bất ngờ. Bởi sau khoảng 3 thập kỷ người Trung Quốc có xu hướng di cư đến thành thị để tìm việc làm, nhiều đất nông nghiệp ở nông thôn chỉ còn được canh tác bởi những người lớn tuổi.
Một nghiên cứu vào năm 2015 tại tỉnh Giang Tô cho thấy, tuổi trung bình của lực lượng lao động chính trong lĩnh vực nông nghiệp là 57. Nghĩa là, nếu các thế hệ doanh nhân mới không đảm đương việc sản xuất nông nghiệp, Trung Quốc có thể mất rất nhiều đất canh tác vì chúng sẽ dần bị bỏ hoang.