Vì sao làm phim remake không phải trào lưu mới?
Đời thường - Ngày đăng : 06:26, 02/09/2017
"Tháng năm rực rỡ" - phim remake từ "Sunny" của Hàn Quốc |
Ngày nay, khi nhắc đến chữ “remake”, sẽ có không ít khán giả tỏ ra khó chịu, họ cảm thấy đây là một “sự lười biếng” của những nhà làm phim thiếu tính sáng tạo, cùng một câu chuyện thì hà cớ gì phải cứ kể đi kể lại?
Việc remake – làm lại cũng khá giống với việc cải biên tiểu thuyết văn học lên màn ảnh rộng, cũng đã có một lịch sử khá lâu đời chứ không phải là một trào lưu mới gần đây. Một tác phẩm được làm lại hay việc chọn lựa làm lại một tác phẩm nào đó, đằng sau luôn có những lý do riêng khác nhau của những nhà làm phim.
Có những tác phẩm kinh điển được các nhà làm phim của rất nhiều quốc gia không ngừng remake lại nhiều lần, mà đầu tiên phải nhắc đến bộ phim The Seven Samurai được ra mắt vào năm 1954 của đạo diễn lừng danh Nhật Bản – Akira Kurosawa.
Bối cảnh của The Seven Samurai được xảy ra vào thời chiến quốc của nước Nhật, một thôn làng gặp phải sự uy hiếp của sơn tặc, buộc trưởng lão trong làng quyết định mời những võ sĩ đạo (samurai) đến bảo vệ cho ngôi làng. Một vị võ sĩ đạo đồng ý, và 6 người khác cũng cùng tham gia. Họ chiến đấu hết mình, đánh lùi được sơn tặc nhưng cũng có không ít người hy sinh. Thôn làng trở lại cuộc sống an bình như xưa nhưng họ nhanh chóng quên đi sự hy sinh của các vị võ sĩ đạo.
Dù dài khoảng 3 tiếng đồng hồ, nhưng với thủ pháp độc đáo của riêng mình, Akira Kurosawa khiến khán giả luôn dõi theo từng phút giây của bộ phim, và ý tưởng, dựng phim, góc máy… mọi thứ cho thấy được Akira Kurosawa xứng đáng là bậc thầy của điện ảnh Nhật Bản và thế giới.
Bộ phim cũng thể hiện được ý nghĩa sinh mệnh quan vượt qua khỏi giới hạn của văn hóa và quốc tộc, chính vì vậy, The Seven Samurai luôn được các nhà làm phim nhắc đến và trở thành một trong những tác phẩm được làm lại nhiều nhất.
Poster phim The Seven Samurai |
Năm 1960, Hollywood đã nhanh chóng remake The Seven Samurai theo phong cách viễn Tây, cải biên thành bộ phim cao bồi The Magnificent Seven do John Sturges đạo diễn, và vào năm 2013, bộ phim này đã được bảo lưu trong Thư viện quốc hội Hoa Kỳ bởi đây là tác phẩm “văn hóa, lịch sử hoặc có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ”.
Về mặt doanh thu, tuy The Magnificent Seven không tạo được doanh thu lớn tại Mỹ nhưng lại có bước đột phá ở thị trường châu Âu, và vì thế Hollywood liên tục cho ra đời những câu chuyện tiếp theo như: Return of the Seven (1966), Guns of the Magnificent Seven (1969), và The Magnificent Seven Ride (1972).
Bên cạnh đó còn có một bộ phim hạng B cũng làm lại từ The Seven Samurai như: Battle Beyond the Stars (1980) với phong cách không gian vũ trụ; The Seven Magnificent Gladiators (1983) với phong cách La Mã cổ đại; Seven Warriors (1989) là phim hành động hài của Hong Kong có sự tham gia của các ngôi sao như Trịnh Thiếu Thu, Lương Triều Vỹ, Trương Học Hữu; The Magnificent Seven (1998) phim truyền hình của đài CBS; và gần đây nhất là The Magnificent Seven (2016) của đạo diễn Antoine Fuqua đã được trình chiếu tại Việt Nam.
Sau The Seven Samurai thì có lẽ 12 Angry Men là tác phẩm tiếp theo lọt vào mắt xanh của rất nhiều nhà làm phim. 12 Angry Men là câu chuyện về một nhóm bồi thẩm đoàn phải đưa ra phán quyết có định tội hay không một đứa bé nghèo bị truy tố sát hại cha nuôi của mình. Bộ phim được bình chọn là một trong những tác phẩm xuất sắc liên quan đến ngành tư pháp, và vào năm 2007, 12 Angry Men cũng được bảo lưu trong Thư viện quốc hội Hoa Kỳ vì là tác phẩm “văn hóa, lịch sử hoặc có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ”.
Năm 1991, Nhật Bản làm lại bằng tác phẩm Juninin no Yasashii Nihonjin và đoạt được giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất tại giải điện ảnh của Nhật Bản. Năm 1997, truyền hình Mỹ tái hiện lại câu chuyện 12 Angry Men; còn năm 2007 điện ảnh Nga ra mắt tác phẩm 12 của đạo diễn Nikita Mikhalkov, và nhận được giải thưởng Special Lion tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 64, và lọt vào danh sách đề cử giải Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Năm 2014, tác phẩm Twelve Citizens của Trung Quốc giành đến 5 giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 18 gồm cả những hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản xuất sắc nhất.
Ngày nay, điện ảnh châu Á cũng có không ít bộ phim được Hollywood làm lại như: Infernal Affairs (Vô gian đạo) được làm lại thành The Departed do Martin Scorsese đạo diễn và nhận 4 giải Oscar, trong đó có Phim truyện xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất; Il Mare được remake thành The Lake House; My Sassy Girl cũng được Hollywood làm lại.
Còn ở Việt Nam, việc làm lại một tác phẩm phim nước ngoài có thể bắt nguồn từ bộ phim Em là bà nội của anh, được remake từ tác phẩm Miss Granny của Hàn Quốc. Em là bà nội của anh đã trở thành bộ phim Việt Nam ăn khách nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam với 102 tỷ đồng, tại thời điểm phim được trình chiếu, và có lẽ thành công vượt trội đó đã khiến các nhà làm phim Việt bắt đầu tìm hướng đi mới đó là làm phim remake.
Cùng trong tháng 8 này, có 2 phim làm lại được ra mắt là Sắc đẹp ngàn cân (từ 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc) và Yêu đi, đừng sợ! (từ Spellbound của Hàn Quốc).
Mỗi tác phẩm đều có những ý kiến trái chiều khác nhau, và trong tương lai cũng có những bộ phim remake khác chuẩn bị được ra mắt như My Sassy Girl do Ngọc Thanh Tâm và Hoài Lâm đóng vai chính, hay như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang quay Tháng năm rực rỡ được làm lại từ bộ phim Sunny của Hàn Quốc.
Phim Sunny của Hàn Quốc |
Khi bắt đầu có nhiều phim Việt đi theo xu hướng remake đã có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là "phe phản đối" cho rằng phim làm lại sẽ khiến phim Việt mất đi sáng tạo. Remake là con dao 2 lưỡi, nếu làm tốt, vẫn có được nét độc đáo riêng của mình thì vẫn đáng được ngợi khen, như Em là bà nội của anh đã giúp cho dàn diễn viên chính có một bước tiến đáng kể trong sự nghiệp điện ảnh, giúp cho giới trẻ hứng thú khi nghe nhạc Trịnh, giúp cho nhiều thế hệ lớn tuổi chấp nhận bước chân vào rạp xem phim, khi mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày sẽ đi xem phim Việt ở rạp. Nhưng nếu remake làm không tốt, dù có làm y chang như bản gốc từ câu thoại, góc quay mà không có được nét riêng của mình thì vẫn nhận thất bại ê chề.
Và dĩ nhiên với những nhà làm phim ủng hộ xu hướng này, ngoài việc làm lại phim nước ngoài, chúng ta còn có thể làm lại ngay cả chính những bộ phim Việt kinh điển mà thế hệ sau này chưa có dịp xem như Vĩnh biệt mùa hè, Vị đắng tình yêu, Đêm hội Long Trì… Chỉ cần là một câu chuyện hay, thì khán giả sẽ không bao giờ ngán ngẩm việc nó không ngừng được kể đi kể lại.