"Đội quân mua nhà của Trung Quốc" đang đổ tiền vào đâu?
Quốc tế - Ngày đăng : 04:30, 20/11/2017
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người Trung Quốc đổ tiền ra nước ngoài, nhưng chủ yếu là một tầng lớp doanh nhân đang ngày một giàu lên, trong khi kinh tế trong nước đang có nhiều dấu hiệu giảm sút khiến họ tin rằng tiền chuyển ra nước ngoài sẽ an toàn hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Hậu quả là dòng tiền chảy ra khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh và giá nhân dân tệ (CNY) lao dốc. Reuters cho biết năm 2016, CNY đã mất giá 7% so với USD, vì thế vài năm gần đây, giới chức nước này đã phải tăng cường kiểm soát giao dịch ngoại tệ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, cơ quan Quản lý Ngoại hối Trung Quốc (SAFE) vẫn giữ nguyên hạn mức 50.000 USD mà mỗi cá nhân được phép mang ra nước ngoài mỗi năm, tuy nhiên lại tăng kiểm soát việc mua ngoại tệ của cá nhân và xử phạt nặng những giao dịch chuyển tiền phi pháp. Các tổ chức tài chính tại Trung Quốc sẽ phải báo cáo tất cả giao dịch trong nước và nước ngoài có giá trị hơn 50.000 CNY (7.200 USD) so với quy định trước đây là 200.000 CNY.
Thế nhưng “đội quân mua nhà của Trung Quốc” vẫn tìm được nhiều cách để lách luật. Chưa có số liệu chính thức theo dõi dòng tiền ngầm, nhưng quan chức Ngân hàng Trung ương (PBoC) cho rằng các ngân hàng ngầm mỗi năm xử lý tới 800 tỉ NDT (125 tỷ USD).
Các khoản tiền lớn được chia nhỏ, sau đó rời khỏi Trung Quốc qua hàng trăm tài khoản của những người trong hệ thống tài chính ngầm. Mạng lưới này cũng giúp người lao động Trung Quốc làm việc tại nước ngoài chuyển tiền về quê nhà.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, như các ứng dụng trên smartphone hay nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc và thế giới cũng đang giúp nhiều người lách luật chuyển tiền.
Tư nhân Trung Quốc mua nhà giúp địa ốc Mỹ phục hồi
Một nghiên cứu của Asia Society and Rosen Consulting Group cho biết làn sóng mua nhà ở Mỹ của người Trung Quốc tăng mạnh trong năm ngoái với số tiền lên tới 110 tỷ USD. Điều đáng nói là nhờ vậy mà thị trường bất động sản Mỹ có cơ hội phục hồi từ sự đổ vỡ năm 2006 và xuống đáy trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy dòng đầu tư ấy đã suy giảm do sự kiểm soát dòng vốn chảy ra bên ngoài của Bắc Kinh, con số trong nửa cuối của thập niên này có thể tăng lên gấp đôi ở mức 218 tỷ USD.
Bản nghiên cứu công bố những con số dựa trên dữ liệu về ngành bất động sản đã được công khai nên có thể còn thấp hơn con số thực.
Xét về địa lý, người mua nhà Trung Quốc thường nhắm đến những thị trường nhà đất đắt đỏ nhất tại Mỹ như New York, Los Angeles, San Francisco và Seattle. Năm ngoái, người mua nhà Trung Quốc trả trung bình khoảng 832.000 USD cho một ngôi nhà ở Mỹ, so với mức trung bình mà người nước ngoài thường mua là 499.600 USD.
Mục đích mua nhà thì có nhiều, một số là mua nhà để nghỉ ngơi khi đến Mỹ, một số mua nhà vì họ chuyển hẳn sang Mỹ sinh sống, và một số khác thì đầu tư để cho thuê lại và bán kiếm lời.
Giới siêu giàu Trung Quốc gom nhà ở Canada
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang rất chuộng bất động sản ở Canada và nhu cầu nhà đất tăng nhiều đã đẩy giá bất động sản ở các thành phố lớn, như Vancouver chẳng hạn, lên cao kỷ lục với giá hàng triệu USD là chuyện bình thường.
Lượng người hỏi về nhà đất ở Canada trên trang Juwai.com – công cụ tìm kiếm bất động sản trên toàn thế giới dành cho khách hàng Trung Quốc – tăng 134% trong quý I năm nay so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Một cuộc khảo sát của Juwai đối với các nhà môi giới bất động sản làm việc với khách hàng Trung Quốc cho thấy, 55% số người dự kiến mua bất động sản quốc tế đang tìm một nơi an toàn để giữ tiền mặt. Các thành phố như Vancouver, Toronto của Canada từ lâu trở thành những mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Tại Vancouver, giá nhà trung bình tăng gần 40% trong 5 năm qua, chủ yếu tập trung vào thị trường nhà ở cao cấp. Trong năm nay, khách hàng Trung Quốc đã mua khoảng 3/4 các tài sản rao bán ở Tây Vancouver, giá trung bình của một ngôi nhà khoảng 3,1 triệu CAD (2,4 triệu USD), thậm chí có những căn nhà giá niêm yết lên đến 19,8 triệu CAD (15,2 triệu USD).
Tổng giá trị các tài sản mà người Trung Quốc mua ở Canada năm 2015, là năm cao nhất, đã tăng gấp 3 lần so với năm 2014, từ 5,6 tỷ USD lên 14,9 tỷ USD, trong đó thành phố Toronto xếp ở vị trí đầu tiên với tổng giá trị tài sản được truy vấn là 7,4 tỷ USD. Vancouver xếp thứ hai với 2,5 tỷ USD. Quebec có bước nhảy vọt với tổng giá trị tài sản được quan tâm là 764 triệu USD.
Giới chức Canada đang tập trung làm rõ tính minh bạch của thị trường bằng cách yêu cầu người mua khai rõ quốc tịch. Chính phủ liên bang đã chuyển cho cơ quan thống kê 500.000 USD để tăng cường tìm kiếm dữ liệu, làm việc với công ty môi giới, cơ quan thuế và lực lượng chống rửa tiền quốc gia.
Thâu tóm bất động sản ở London
Kể từ sau khi người dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), số lượng bất động sản mà người Trung Quốc mua tại các khu vực được cho là đắt đỏ nhất ở thủ đô London gia tăng đáng kể.
Theo Công ty môi giới bất động Hamptons International, trong quý III/2016 là thời điểm cao nhất gần đây, số căn nhà cao cấp mà người Trung Quốc mua ở London chiếm 2,6% tổng số giao dịch nhà đất, tăng 0,8% so với một năm trước đó.
Ông Charles McDowell - một nhà môi giới bất động sản cao cấp có thâm niên ở London cho biết, khách hàng Trung Quốc mua từ các căn hộ nhỏ cho đến các khu thương mại lớn. Theo ông, đồng bảng Anh yếu đã tạo sự khác biệt và việc người Trung Quốc đổ xô mua nhà ở London đã cứu thị trường bất động sản Anh quốc.
Từ nhiều năm nay, tại London đã dấy lên những đợt mua căn hộ cao cấp ở các khu vực trung tâm, khởi đầu là giới siêu giàu ở Trung Quốc, dần dần hình thành những khu vực cư trú của người Hoa. Dân bản địa ngày càng thấy mình không phù hợp với tập quán sinh hoạt của các cư dân mới, đã lần lượt bán các căn hộ ở những chung cư, sau đó là bán nhà để tìm đến các vùng xa yên tĩnh hơn. Đây là sự lấn chiếm hợp pháp theo hình thức “tằm ăn lá dâu” được giới kinh doanh địa ốc ở London ghi nhận là bắt đầu lan sang các thành phố lớn khác.
Tấn công vào thị trường địa ốc Nhật Bản
Cách đây không lâu, một số kênh truyền thông ở Nhật đã đăng các bài viết về vấn đề người Trung Quốc đổ xô đến Nhật mua nhà, trong đó có một bài viết có tiêu đề “Người Trung Quốc ồ ạt đến Nhật mua nhà – Người Nhật khóc ròng”. Bài báo chỉ ra rằng, cơn lốc càn quét bất động sản của người Trung Quốc trước đây ở Sydney, Vancouver và Mỹ nay đã chuyển sang Nhật Bản. Khắp các phương tiện giao thông như xe hơi hay xe bus không ngừng chở dòng người từ Trung Quốc đến Nhật Bản để mua nhà, khi thấy căn nhà nào ưng ý, họ liền trực tiếp dùng tiền yen để mua.
Theo thông tin từ các kênh truyền thông Nhật Bản, gần đây tỷ lệ người Trung Quốc đến Nhật mua nhà đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê doanh số bất động sản ở Nhật, cứ 100 hợp đồng mua nhà thì có đến 10 - 15 hợp đồng là người Trung Quốc đứng tên mua, tương đương với tỷ lệ chiếm từ 10 – 15%.
Có nhiều lý do khiến người Trung Quốc muốn thâu tóm bất động sản ở Nhật. Trước tiên là giá nhà ở Nhật đã giảm mạnh trong nhiều năm qua, nhưng giá thuê lại không giảm. Tỷ lệ lợi nhuận khi cho thuê nhà ở Tokyo thường vào khoảng 7%, nếu may mắn thì có thể lên tới 10%, gấp 5 lần khả năng sinh lợi cho thuê nhà ở Trung Quốc, chỉ khoảng 2%.
Mặt khác, trước khi diễn ra Olympic Tokyo 2020, giá nhà ở Nhật dự kiến sẽ tăng vọt, đây cũng là sự cộng hưởng phổ biến của thị trường như đã từng xảy ra nhân Thế vận hội Bắc Kinh hay London.
Người Trung Quốc vốn có ý thức sở hữu đất đai, họ đến châu Úc hay Nhật mua nhà vì quyền sở hữu vĩnh cửu tài sản nước ngoài được công nhận, nhờ vậy mà đến đời con cháu cũng vẫn được thừa hưởng những lợi tức từ đó. Điều này với họ là hết sức quan trọng.
Australia áp thêm thuế vì người Trung Quốc đổ xô mua nhà
Một số bang tại Australia sẽ áp thêm các khoản thuế mới đánh vào những người nước ngoài mua nhà tại đây. Động thái này diễn ra trong lúc lo ngại đang ngày càng gia tăng về việc làn sóng người Trung Quốc đổ xô đến sẽ lấn át và giết chết giấc mơ sở hữu tài sản của người địa phương.
Theo AFP, giá nhà tại Sydney trong thời gian qua đã tăng đến kỷ lục. Thành phố này hiện xếp thứ hai, chỉ sau Hong Kong, trong danh sách những thành phố lớn có giá nhà đắt đỏ, vượt xa tầm với của đa số người dân nhất, khiến người dân địa phương ngày càng có xu hướng khó có thể có được một căn nhà đứng tên mình hơn.
Những người nước ngoài được cho là một yếu tố chính dẫn đến tình trạng này. Hồi năm ngoái, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tiếng đồng hồ kể từ khi chính thức mở bán, khu căn hộ Darling Harbour tại Sydney đã bán được tổng giá trị lên đến hơn 600 triệu AUD (445 triệu USD).
Theo tờ Australian Financial Review, có đến 1/3 trong số những người mua tại khu nhà này là người Trung Quốc. Những thông tin đó khiến người dân địa phương yêu cầu chính quyền phải có hành động để bảo vệ người mua bản địa.
Đáp lại, chính quyền các bang New South Wales, Victoria và Queensland đều đã công bố hoặc dự kiến sẽ áp những khoản thuế đất hay tài sản mới lên những người mua là người nước ngoài.
New Zealand cấm người nước ngoài mua nhà
Trong khi đó, để kiềm chế giá nhà tăng vọt, New Zealand sẽ cấm người nước ngoài mua các căn nhà hiện có tại nước này.
Thủ tướng đắc cử của New Zealand – bà Jacinda Ardern hôm qua cho biết lệnh cấm chỉ áp dụng với những người không lưu trú (non-resident) và dường như nhắm vào các nhà đầu tư Trung Quốc. Bà cũng thông báo kế hoạch hạn chế người nhập cư và tập trung tạo việc làm.
Quốc gia này đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về giá nhà, khiến việc sở hữu nhà trở nên quá tầm với của rất nhiều người. Giá trung bình một căn tại Auckland là 582.000 USD, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Bất động sản New Zealand.
Lãi suất thấp, số nhà hiện có ít và nhiều người nhập cư đã đẩy giá nhà tại New Zealand lên cao trong vài năm gần đây. Vấn đề thiếu hụt nhà ở và sở hữu nước ngoài tại các thành phố lớn còn trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 9.
Trước đó, việc người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại đây đã làm dấy lên lo ngại tăng sức ép lên cơ sở hạ tầng và giá bất động sản. Nhà đầu tư Trung Quốc nằm trong nhóm mua nhiều nhất tại New Zealand. Giá nhà tại đây đang giảm dần trong một năm qua, nhưng vẫn thuộc Top cao nhất thế giới. Một khảo sát gần đây của Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank cho biết tính đến tháng 6/2017, giá nhà tại New Zealand tăng 10,4% so với năm ngoái. Tốc độ này tại thủ đô Wellington là 18,1%, còn Auckland – thành phố lớn nhất nước này là 9,8%.