Vùng TP.HCM: Muốn phát triển phải hoàn thiện hạ tầng kết nối
Trong nước - Ngày đăng : 04:22, 31/01/2018
Ảnh minh họa |
Theo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Xây dựng công bố mới đây, Vùng TP.HCM gồm ranh giới hành chính của TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2.
Tại hội nghị công bố đồ án, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, Vùng TP.HCM là vùng kinh tế đặc biệt vì có vị thế thuận lợi, đó là có "3 cửa sổ” nhìn ra thế giới. Một là đường bộ, hai là đường hàng không và ba là cảng biển. Đây là thế mạnh bởi tụ hội đầy đủ yêu cầu phát triển, trong đó TP.HCM là đầu tàu, hạt nhân của Vùng.
Song, theo ông Chính, để phát huy được lợi thế đó, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng nghiên cứu, trình Thủ tướng để có đường cao tốc nối từ TP. Biên Hòa xuống cảng Cái Mép - Thị Vải, xây dựng đường sắt để chuyên chở hàng hóa, xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng nhằm điều tiết mối liên kết Vùng.
Theo chia sẻ của chuyên gia tư vấn độc lập trong lĩnh vực hạ tầng - đô thị, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn, việc mở rộng Vùng TP.HCM là cần thiết trước tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của TP.HCM, giúp giảm tải áp lực hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, quỹ đất cho khu vực trung tâm TP.HCM vốn có mật độ dân cư đông đúc.
Ở góc độ quản lý, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TP.HCM không chỉ đáp ứng mong muốn của Thành phố là vùng kinh tế trọng điểm mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh - thành.
Qua kế hoạch tổng thể xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực và vai trò trung tâm của TP.HCM để 8 địa phương trong Vùng phát triển nhanh, bền vững, chia sẻ những khó khăn nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương. 8 tỉnh - thành thuộc Vùng TP.HCM trong nhiều năm nay vốn được xem là khu vực có tốc độ phát triển công nghiệp năng động, thu hút đầu tư nước ngoài dẫn đầu cả nước.
Về lâu dài, để tăng lợi thế cạnh tranh của Vùng TP.HCM, theo Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam, việc đầu tư, hoàn thiện các công trình giao thông kết nối mang tính liên vùng phải được triển khai rốt ráo, đây là yếu tố mang tính quyết định trong thu hút đầu tư. Ngay như việc giãn dân ra các đô thị vệ tinh, nếu muốn thu hút dân cư về sinh sống thì các tuyến đường kết nối từ các khu đô thị này đến nơi làm việc (trung tâm TP.HCM) phải sớm được hình thành.
Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã họp với lãnh đạo các tỉnh trong Vùng để bàn bạc việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông - vận tải liên vùng phía Nam đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Các bên đã thống nhất kiến nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông trong Vùng.
Theo đó, sẽ bổ sung 5 tuyến đường liên vùng với chiều dài gần 240km, mức đầu tư hơn 32.200 tỷ đồng, cùng với đó là kéo dài 10 trục đường đã quy hoạch với tổng chiều dài gần 730km, tổng mức đầu tư khoảng 63.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong số này phải kể đến con đường có tính chất liên vùng: Vành đai 3. Đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, điều chỉnh từ năm 2013. Tuyến đường này dài 89,3km, đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, có tổng mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Nếu được triển khai sớm, đây sẽ là con đường mang tính đòn bẩy để phát triển kinh tế, lưu chuyển hàng hóa của các địa phương trong Vùng.
Thông qua Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Phía Nam, các bên cũng sẽ sớm trình Bộ Giao thông - Vận tải dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để sớm đầu tư, phát huy hiệu quả kết nối các thành viên trong Vùng cũng như cả Vùng với Campuchia.