Định hình đặc khu kinh tế

Du lịch - Ngày đăng : 03:08, 14/02/2018

Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone - SEZ) là mô hình phát triển cao hơn dựa trên mô hình khu kinh tế cơ bản với đặc trưng là có không gian riêng biệt, môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Định hình đặc khu kinh tế

Ước tính hiện có 3.000 SEZ ở 116 nền kinh tế trên thế giới với khoảng 43 triệu người làm việc.

Ở Việt Nam, Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) sẽ trở thành SEZ sớm nhất vào năm 2020.

Nhìn lại các đặc khu kinh tế ở Trung Quốc

Năm 1979, lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất khái niệm SEZ và thực hiện các biện pháp miễn giảm thuế quan, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút công nghệ, kỹ thuật tiến tiến và phương pháp quản lý khoa học.
Thâm Quyến là một trong những điển hình thành công về SEZ với mức phát triển phi thường, GDP từ 179 triệu nhân dân tệ năm 1979 lên gần 1.450 tỷ tệ năm 2013.

Hiện Trung Quốc thực hiện giai đoạn hai cải cách, mở cửa với đại diện là Khu Mậu dịch tự do Phố Đông (Thượng Hải) cùng với chiến lược "vành đai - con đường", tức mở cửa 2 chiều, kết nối quy tắc 2 bên (Trung Quốc và bên ngoài) với tham vọng tạo sức ảnh hưởng toàn thế giới để hoàn tất "giấc mộng Trung Hoa".

Link bài viết

Trung Quốc coi đây là giai đoạn mở cửa đi lên tầm cao mới, xây dựng thể chế kinh tế mở kiểu mới, càng mở cửa hơn. Quá trình này chia thành 3 bước (1+3+7): Tháng 8/2013 thành lập Khu Thí nghiệm mậu dịch tự do Thượng Hải, tháng 12/2014 quyết định lập 3 khu thí nghiệm mậu dịch tự do Thiên Tân, Quảng Đông và Phúc Kiến, tháng 8/2016 quyết định thành lập 7 khu thí nghiệm mậu dịch tự do Liêu Ninh, Triết Giang, Hà Nam, Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên và Thiểm Tây.

Nhưng Thâm Quyến cần đến 30 năm để thành công. Bức tranh về các SEZ sẽ không hoàn chỉnh nếu không nói đến các khía cạnh tiêu cực của mô hình, bao gồm sự thiếu cân đối trong phát triển, vấn đề đầu cơ, mất đất và tình trạng bóc lột lao động.

Nếu xét ở các chỉ số kinh tế, các SEZ của Trung Quốc vẫn không có được kết quả tích cực như nhau ở mọi thời điểm. Trong giai đoạn đầu, các SEZ gặp nhiều khó khăn do sự tràn ngập các loại hàng hóa có giá trị sử dụng lâu dài (thâm nhập hợp pháp lẫn bất hợp pháp) đe dọa ngành sản xuất địa phương, dẫn đến sự thiếu hụt ngoại hối và nguy cơ gia tăng lạm phát.

Sau năm 1982, các SEZ được nhìn nhận tích cực hơn và được tuyên truyền rộng rãi là hình mẫu cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, khi những vùng còn lại của Trung Quốc bắt đầu tự do hóa, tính hấp dẫn của SEZ giảm đi. Các xu hướng đầu tư tỏ ra rất nhạy cảm với những thay đổi về luật pháp và làn sóng tự do hóa ở những nơi khác.

Theo Business China, mô hình đầu tư tại các SEZ cũng khác nhau và chỉ Thâm Quyến thực sự thành công. Trong suốt những năm 1980, Sán Đầu hầu như không thu hút được đầu tư.

Vấn đề đầu cơ và mất đất là những mặt trái khác của SEZ. Khi Trung Quốc ưu ái các doanh nghiệp lớn, nông dân không còn được đảm bảo quyền sử dụng đất, đặc biệt là ở khu vực đô thị hóa và trong các SEZ. Dù có sự điều chỉnh định kỳ về tiêu chuẩn bồi thường, tiền đền bù cho việc thu hồi đất nhìn chung thấp hơn giá trị thị trường vốn đã thấp. "Cơn sốt đặc khu" cùng với sự đầu cơ bất động sản đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với đất canh tác tại Trung Quốc.

SEZ Hải Nam là một ví dụ điển hình. Năm 1992, Economist nhận định Hải Nam là "quả bóng đầu cơ lớn nhất thế giới", "ai nấy ở Hải Nam đều có tiền để đốt", "không ai còn tính được số lượng tòa nhà văn phòng 30 và 40 tầng được xây dựng". Nhưng tháng 6/1998, Ngân hàng Phát triển Hải Nam - ngân hàng chính cho chính quyền tỉnh vay, tuyên bố phá sản.

Với những mô hình SEZ đã thành công và thất bại ở các nền kinh tế, Việt Nam cần xem xét mô hình SEZ có cần thiết cho các mục tiêu phát triển của đất nước hay không. Nếu vẫn quyết tâm thực hiện thì cần sớm xây dựng luật về đặc khu kinh tế (hoặc luật về đặc khu hành chính - kinh tế) cùng những chính sách thiết thực, minh bạch và định hướng trong dài hạn, như cung cấp danh sách cập nhật các dự án ưu tiên cho các ngành quan trọng, hỗ trợ nhà đầu tư từ thủ tục hành chính đến triển khai dự án, xây dựng thương hiệu...

Không lâu sau đó, Tập đoàn Đầu tư và Tín thác quốc tế Quảng Đông tại tỉnh Quảng Đông - nơi có SEZ Thâm Quyến, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đây là vụ phá sản lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải cách mở cửa. Đến năm 1997, do lo ngại về những xu hướng này, chính quyền trung ương đã ban hành lệnh cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sự thịnh vượng của Thâm Quyến và nhiều SEZ Trung Quốc còn được xây lên bằng tình trạng bóc lột lao động tràn lan. Theo một điều tra năm 2003, ít nhất một nửa số công ty ở Thâm Quyến nợ lương nhân viên và ít nhất 1/3 số công nhân Trung Quốc nhận lương ít hơn mức lương tối thiểu. Tỷ lệ lao động bỏ việc trên 10%. Chỉ riêng năm 2006, giới công nhân ở Thâm Quyến đã tiến hành hơn 10.000 cuộc đình công dù không có công đoàn độc lập nào. Quảng Đông cũng là nơi có tỷ lệ tử vong trong giới công nhân rất cao.

Sau nhiều năm, mô hình phát triển cũng như những hệ lụy từ SEZ tại Trung Quốc trở thành mối quan tâm rộng rãi. Năm 1996, Thủ tướng Lý Bằng tuyên bố các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sẽ không còn có thể nhập khẩu nguyên liệu miễn thuế và không được hưởng thuế suất thấp bất thường như vậy trong 5 năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa với việc yếu tố "đặc biệt" của mô hình "đặc khu" bị loại bỏ.

Kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

3 đặc khu kinh tế như kể trên được kỳ vọng sẽ đem lại những nguồn lợi lớn cho địa phương và tổng thể nền kinh tế Việt Nam.

Tại SEZ Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ đất, các doanh nghiệp sẽ tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2030.

SEZ Bắc Vân Phong dự kiến mang lại khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí, 1 tỷ USD nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD giai đoạn 2017 - 2030.

SEZ Phú Quốc dự kiến Nhà nước sẽ thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế, phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp sẽ tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 - 2030.

Với những con số này, mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của Kiên Giang sẽ là 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030. Đồng thời, khi du lịch Phú Quốc phát triển, hòn đảo này có thể có tới 12.000 phòng khách sạn 5 sao vào năm 2020, biến Phú Quốc thành một thành phố du lịch nghỉ dưỡng có quy mô hàng đầu khu vực.

Nhưng trên thế giới có tới 50% SEZ vấp phải thất bại. Có thể nói không có mô hình SEZ nào là hoàn chỉnh ngay và nhiều mô hình cũng đang tỏ ra kém hiệu quả, không phải là mô hình của tương lai để phát triển kinh tế. Vậy Việt Nam nên xác định rõ các mục tiêu, định hướng của các SEZ, đưa mô hình vào thử nghiệm và hoàn thiện dần các thể chế là điều quan trọng nhất.

Các SEZ làm gì để tiếp cận hiệu quả thị trường quốc tế qua hạ tầng giao thông - vận tải, cạnh tranh bằng luật định, thu hút nhân tài. Theo đó, các yếu tố tạo điều kiện gồm hoạt động kinh tế là ưu tiên hàng đầu, Chính phủ cung cấp hạ tầng cơ bản, nếu khu vực tư cung cấp cơ sở hạ tầng thì hoạt động này sẽ được trợ cấp chéo, thu hút đầu tư là trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng được cơ quan chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ.

(*) Tác giả hiện đang công tác tại Đại học Duy Tân

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ*