TP.HCM hướng đến cơ chế thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp
Trong nước - Ngày đăng : 04:00, 20/03/2018
Toàn cảnh hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đầu năm 2018. Ảnh: QH |
Ngày 15 - 16/3 vừa qua, HĐND TP.HCM đã tổ chức kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 7) và ban hành 5 nghị quyết triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đây được xem là cột mốc đánh dấu nhiều đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp đưa TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.
Giảm 30% các cuộc họp, tập trung xuống doanh nghiệp để nắm bắt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh là một trong 5 nội dung đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề cập tại Hội nghị Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đầu năm 2018, chủ đề "Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững" vào tuần qua (sau đây gọi tắt là Hội nghị). Qua đây, lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, mặc dù năm nào Trung ương cũng giao chỉ tiêu thu ngân sách rất cao, năm sau cao hơn năm trước, nhưng với nỗ lực của toàn Thành phố, trong đó quan trọng nhất là giới doanh nghiệp, nên chỉ tính riêng năm 2017, Thành phố đã thu vượt chỉ tiêu 0,28% dự toán, đạt 348.863 tỷ đồng, tăng 14,82% so với năm 2016.
Theo Bí thư Thành ủy, trừ các ngày lễ, Tết, thứ 7 và chủ nhật, trung bình Thành phố thu ngân sách hơn 1.400 tỷ đồng/ngày. 2 tháng đầu năm 2018, cân đối ngân sách nhà nước đạt 62.414 tỷ đồng, đạt 16,56% dự toán, tăng 5,42% so với cùng kỳ 2017.
Đây được xem là một trong những thành tựu lớn mà Thành phố đạt được. Cụ thể là giữ vững vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đang vượt ngưỡng quy mô 1 triệu tỷ đồng; môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, 2 năm 2016 - 2017 đã thu hút được 10,06 tỷ đô la Mỹ từ khối doanh nghiệp FDI.
Ghi nhận sự đóng góp của khối kinh tế tư nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ tại Hội nghị rằng, kinh tế tư nhân từ nhiều năm qua đã trở thành động lực phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, với mức đóng góp chiếm 53,6% tổng GDP của Thành phố và 67,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đầu năm 2017, TP.HCM được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng là Thành phố đứng thứ hai trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới. 4 doanh nghiệp Việt Nam được xếp hạng trong 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đều có trụ sở tại TP.HCM.
Năm 2017, TP.HCM có 41.000 doanh nghiệp thành lập, mặc dù số lượng không đạt yêu cầu theo mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp nhưng lượng vốn đăng ký tăng 200% so với cùng kỳ 2016.
Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều thách thức trong những kế hoạch lớn được lãnh đạo TP.HCM đề ra. Cụ thể, cho đến thời điểm này, Thành phố chỉ có 1,49% doanh nghiệp lớn trong khi có đến 98,51% doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Với tỷ lệ doanh nghiệp như thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ rất khó khăn.
"Lãnh đạo Thành phố "nóng" mà các sở "lạnh" thì không phục vụ cho doanh nghiệp tốt được. Điều này cũng tương tự việc giám đốc "nóng" mà nhân viên "lạnh" thì không giải quyết được việc", Chủ tịch Nguyễn Thành Phong phân tích.
Do đó, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo Thành phố khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, giảm 30% các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời, tổ công tác liên ngành phấn đấu giải quyết thủ tục đầu tư giảm 50% thời gian so với quy định.
Đến năm 2020 có 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 3, 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến cấp độ 4, phấn đấu chỉ số cải cách hành chính của Thành phố năm 2018 nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.
Hơn thế nữa, Chính quyền Thành phố sẽ hỗ trợ toàn diện để doanh nghiệp có điều kiện phát triển, như thành lập tổ công tác liên ngành về đất đai để hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng, kích cầu đầu tư, thành lập quỹ phát triển dự án, quỹ bù đắp, hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư.
Tất cả các chính sách đặc thù đều đang được nghiên cứu và triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, được kỳ vọng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, tuyệt đối không cản trở lưu thông hàng hóa, không tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel: Thành phố nên sớm điều chỉnh thời gian sử dụng dịch vụ để ngành du lịch phát triển hết thế mạnh
Năm 2018, ngành du lịch đặt kế hoạch tăng 15% lượng du khách, tuy nhiên, ngành du lịch TP.HCM hiện đang vướng về thời gian sử dụng dịch vụ. Cụ thể, những dịch vụ thu hút khách du lịch đang được thiết kế từ 7h sáng đến 5h chiều, trong khi chỉ số kéo khách du lịch quay lại lần hai phụ thuộc vào các hình thức dịch vụ, sản phẩm từ 18h hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Hiện nay, các nước có thế mạnh về thu hút du lịch đang có rất nhiều loại hình dịch vụ từ 18h trở đi. Cùng với việc Nghị Quyết 54/2017/QH14 Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Thành phố nên sớm có những chính sách đột phá để tạo cơ chế cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, du khách được hưởng lợi, từ đó đóng góp nhiều hơn vào nguồn thu ngân sách.
Ẩm thực Việt Nam đang được đánh giá rất cao, đây cũng là thế mạnh để thu hút du khách các nước. Thành phố nên tiên phong đưa ẩm thực thành thế mạnh du lịch của địa phương, vừa góp phần thu hút khách du lịch, đa dạng dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nguồn lương thực, thực phẩm của địa phương và các vùng lân cận.
Hơn thế nữa, với nhiều trung tâm thương mại, Thành phố cần tập trung xây dựng thành những điểm thu hút mua sắm, nếu làm tốt thì đây sẽ là một nguồn thu rất lớn. Thành phố cũng cần tập trung nhiều hơn nữa vào công tác xúc tiến du lịch, tránh quảng bá hời hợt, thiếu hiệu quả, không đúng đối tượng, không đúng đầu mối.
Ông Trần Ngọc Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm An Thiên: Cần đẩy mạnh tuyên truyền gói kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp
Chúng tôi là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam nhận được gói kích cầu đầu tư của Thành phố. Từ gói hỗ trợ này, doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa biết hoặc biết rất mơ hồ về gói kích cầu này. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, tập huấn cho các quận, huyện về gói kích cầu chưa được triển khai tốt, khiến việc thực hiện chưa được mở rộng.
Chúng tôi mong rằng, từ đầu mối Sở Công Thương, nên có sơ kết kết quả hỗ trợ kích cầu doanh nghiệp trong mấy năm vừa qua, từ đó đánh giá lại kết quả và có định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, bởi thực tế, nhu cầu được hỗ trợ vốn của doanh nghiệp là rất lớn, nhưng được giải quyết lại chưa nhiều.
Ông Trần Việt Anh phát biểu tại hội nghị |
Ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn: Thành phố nên định hướng về sản phẩm xuất khẩu chủ lực
Vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là xuất khẩu với đơn hàng nhỏ lẻ, không có sự đầu tư sâu về nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đa phần vẫn còn hoạt động theo hình thức gia công. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, chủ yếu phát triển với nguồn vốn tự có, không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng.
Đây được xem là những điểm yếu của doanh nghiệp. Do đó, với những đột phá về cơ chế lần này, chúng tôi mong rằng lãnh đạo Thành phố xây dựng chiến lược sản phẩm xuất khẩu chủ lực mà Thành phố có lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp định hướng phát triển. Trong đó, giảm dần đến chấm dứt sản phẩm gia công, ưu tiên sản phẩm đặc thù của Việt Nam.
Thành phố cũng nên dành sự quan tâm đối với nhóm doanh nghiệp lớn, như nhóm doanh nghiệp nộp ngân sách trên 30 tỷ đồng, có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong kinh doanh, mở rộng đầu tư.
Bà Lý Kim Chi phát biểu tại hội nghị |
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM: Cải cách hành chính phải sâu sát thực tế
Thời gian qua đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị hướng đến việc cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng có nhiều chính sách rất thiết thực mà người thực thi chưa làm tốt. Cần có cơ chế siết chặt kỷ cương, khắc phục ngay vấn đề này.
Lãnh đạo Thành phố cần sớm đưa ra giải pháp cụ thể như giám sát chặt chẽ thái độ làm việc của cấp dưới thông qua sự đánh giá về mức độ hài lòng của doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đó cũng cần có cơ chế xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ được giao, có như vậy việc triển khai chính sách mới không bị ách tắc.