Rào cản thương mại: Nỗi lo và sự chủ động
Trong nước - Ngày đăng : 04:22, 28/03/2018
Tại sự kiện APEC CEO Summit 2017, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu gây chú ý, rằng nước Mỹ đã chờ đợi quá lâu để có sự cạnh tranh bình đẳng, 2 bên cùng có lợi, nhưng chưa đạt được như mong muốn. Bởi vậy, từ hôm nay, Mỹ sẽ cạnh tranh trên cơ sở công bằng, bình đẳng.
"Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết. Tôi cũng mong đợi các bạn trong khán phòng này đặt lợi ích của quốc gia bạn lên trên hết. Đó là thông điệp tôi mong muốn truyền tải với các bạn", ông Trump nhấn mạnh đến các thỏa thuận song phương, sự cân bằng thương mại giữa các nước.
Quan điểm bảo hộ thương mại, bảo hộ nền sản xuất nội địa của Mỹ được thể hiện rõ dưới thời ông Donald Trump. Trong tháng 3/2018, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đã vướng phải một số rào cản từ phía Mỹ. Theo đó nhiều nước lên tiếng phản đối chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua việc áp thuế 25% đối với các loại thép và 10% với nhôm nhập khẩu vào Mỹ.
Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề nghị Mỹ xem xét đưa thép và nhôm nhập khẩu từ Việt Nam ra khỏi phạm vi áp thuế. Nếu áp dụng, giá thép từ Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với thép của Mỹ. Tuy lượng sắt thép xuất vào thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 11% tổng lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam nhưng việc áp dụng rào cản thương mại từ thị trường này sẽ tác động chung đến toàn ngành.
Không lâu sau mặt hàng thép, nhôm, gần đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13, giai đoạn từ 1/8/2015 - 31/7/2016) thuế chống bán phá giá đối với cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế cao kỷ lục. 2 bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong đợt xem xét lần này là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods chịu mức thuế chống bán phá giá 7,74 USD/kg.
Các doanh nghiệp còn lại chịu mức thuế 3,78 USD/kg. Đây được xem là mức thuế chống bán phá giá áp cho cá tra Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. Mức thuế 3,78 USD/kg là gần tương đương với giá cá tra đang xuất khẩu vào Mỹ, việc áp mức thuế gần 8 USD/kg càng không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Bộ Công Thương đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế đối với các công ty liên quan của Việt Nam trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn hồi đầu năm nay, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, năm 2018, ngành thủy sản Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối diện với những thách thức mà trước đó, VASEP đã cảnh báo. Được biết, đơn vị này đã dự báo 7 thách thức của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có vấn đề áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chương trình thanh tra cá da trơn.
Đây vẫn là rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật lớn cho cá tra Việt Nam tại Mỹ. Theo VASEP, với mức thuế chống bán phá giá quá cao, hiện nay chỉ còn vài doanh nghiệp bám trụ được thị trường này. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đã giảm, từ 22,3% năm 2016 xuống còn 19% trong năm 2017. Thống kê cho thấy, năm ngoái kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường chính nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu khác, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng thị trường mục tiêu. Nhưng giải pháp này chưa chắc khả thi và bền vững trong tình trạng nhiều nước cũng đang sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo hộ nền sản xuất trong nước hoặc áp tiêu chuẩn chất lượng rất cao.
Ông Trương Đình Hòe chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thường không vướng rào cản về thuế chống bán phá giá mà là yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch. Năm 2018, FTA Việt Nam - EU dự kiến triển khai sẽ mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, thủy sản nhưng cũng gặp những thách thức về quy trình sản xuất và tiêu chuẩn quốc tế. Song, nếu đã đưa được hàng hóa vào những thị trường khó tính trong khối EU thì gần như doanh nghiệp đã cầm chắc "chiếc vé" vào những thị trường khác.