Vì sao điện mặt trời thu hút nhà đầu tư Việt Nam?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:38, 27/04/2018

Điện mặt trời đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước bởi đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo
Vì sao điện mặt trời thu hút nhà đầu tư Việt Nam?

Với các hộ dân tại Tịnh Biên (An Giang) - khu vực tiếp giáp Campuchia, một vài năm trước đây, người dân vẫn phải dùng ắc quy để sử dụng cho nhu cầu thiết yếu như đèn, quạt máy... Cứ vài ba ngày, người dân lại phải đem bình ắc quy ra trung tâm xã để sạc với giá 25.000 đồng/bình, thêm tiền xăng xe nữa là mỗi lần mất khoảng 70.000 đồng, vừa tốn kém, vừa mất thời gian.

Trước nhiều chương trình khuyến khích dùng năng lượng sạch, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mua trả góp pin năng lượng mặt trời và tình hình đã thay đổi hẳn. “Có điện về, gia đình dùng điện cũng thoải mái hơn và buổi tối có thể bật điện sáng cho trẻ học bài, so với tiền sạc bình mỗi ngày đã tiết kiệm trung bình mỗi tháng khoảng 50.000 đồng, điện dùng ổn định”, anh Thạch Sớt - người dân địa phương cho biết.

Ngoài ra, nhờ có điện, gia đình anh Sớt cũng có thêm thời gian buổi tối tranh thủ may gia công cho xí nghiệp, nên thu nhập cũng được cải thiện.

Điện mặt trời tại khu vực này có tiềm năng hơn khi cuối năm ngoái, Tập đoàn Sao Mai và USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) phát triển dự án điện năng lượng mặt trời với công suất 210MW tại huyện Tịnh Biên. Đây là dự án năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh việc thay đổi được sinh hoạt gia đình, năng lượng mặt trời ứng dụng nhiều hơn cho sản xuất nông nghiệp có thể tiết giảm được đến 70% chi phí điện sản xuất. Điện từ pin mặt trời cung cấp cho hệ thống tưới tiêu và chiếu sáng cũng như vận hành được một số hệ thống làm mát, phun sương cho các khu nhà kính trồng cây ở quy mô lớn.

Link bài viết

PGS-TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, đã đặt ra một “bài toán đầu tư” cho hộ gia đình như sau: 12 tấm pin 24m2, đầu tư 130 triệu đồng sẽ tạo ra công suất 2,2 kW/giờ. “Gia đình tôi thực hiện mô hình này, mỗi tháng đã tiết kiệm từ 1 - 1,5 triệu đồng, đồng thời tấm pin dùng được đến 25 năm, bình ắc quy dùng đến 10 năm. Như vậy, thời gian hoàn vốn lại trong khoảng 7 năm”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Công ty Rau Sạch Ngon đã tiết giảm được những mặt hạn chế khi đặt trang trại rau khí canh tại Nhà Bè - nơi còn nhiều hạn chế về nước mặn, điện chiếu sáng còn hạn chế. Với 200m2, khu nhà kín có thể cung ứng cho thị trường mỗi ngày khoảng 100kg rau.

Khu nhà được vận hành 90% bằng nguồn điện từ tấm pin năng lượng mặt trời, còn lại từ máy phát điện bù trừ cho mưa dài ngày tấm pin không dự trữ được năng lượng. Hệ thống phun sương, lọc nước và chiếu sáng đều được vận hành từ nguồn điện năng này đã giúp cho trại hạn chế được nhiều mặt.

“Trước mắt, chúng tôi đầu tư gần 50 triệu đồng cho hệ thống pin có trữ điện, pin có tuổi thọ 20 - 25 năm, 4 năm đầu chúng tôi dành cho việc khấu hao pin. Tức là hàng chục năm còn lại chúng tôi có thể dùng điện được miễn phí”, ông Dương Minh Trung - Giám đốc Công ty Rau Sạch Ngon cho biết.

Theo cách tính của ông Trung, việc dùng tấm năng lượng mặt trời lại có thể linh hoạt được địa điểm sử dụng, tận dụng cho việc mở trang trại tại khu vực xa trung tâm thành phố có giá thuê rẻ.

Mới đây, theo đề nghị của Sinenergy Holdings, doanh nghiệp này sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Hữu (Ninh Phước) trên diện tích 832ha, với tổng vốn đầu tư 7.920 tỷ đồng. Quy mô đầu tư của dự án là 300MW điện mặt trời, kết hợp nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau, cà chua, táo, tỏi...) và rau sạch xuất khẩu sang thị trường Singapore và thế giới.

Tại các khu vực miền Trung, những tấm pin năng lượng mono và poly được người nông dân ở vùng đất duyên hải miền Trung sử dụng cho việc phục vụ trồng trọt cây thanh long. Người dân nơi đây đã tận dụng cái nắng oi ả của thời tiết sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời để phục vụ cho việc tưới tiêu hay thắp sáng cho vườn thanh long về đêm. Việc áp dụng này khá thành công mang lại sản lượng cao, đồng thời tiết kiệm được tiền điện cho nông dân nơi đây.

Trong những năm qua, người nông dân ở vùng đất Tây Nguyên đã vận dụng nguồn điện năng mặt trời đưa vào ứng dụng cho những đồi cà phê, bằng cách sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời phục vụ cho việc tưới tiêu và thắp sáng, thu hoạch...

dien mat troi nang luong mat troi doanhnhansaigon

Tiềm năng sử dụng điện mặt trời đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Theo Chương trình Năng lượng của USAID, hiện có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000MW. Tỉnh Ninh Thuận là địa phương có tiềm năng điện mặt trời rất lớn, thu hút khoảng 140 dự án. Tiếp theo là tỉnh Bình Thuận khoảng 100 dự án, Đắk Lắk 13 dự án và Khánh Hòa 12 dự án…

Trong số này, có nhiều dự án của các nhà đầu tư nước ngoài như dự án điện mặt trời công suất hơn 2.000MW của Tập đoàn Thiên Tân đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận và Quảng Ngãi, hay dự án nhà máy công suất 30MW tại Bình Thuận của Công ty DooSung Vina (Hàn Quốc).

Các tập đoàn có tiềm lực của Việt Nam cũng chạy đua với những dự án điện mặt trời đầy tham vọng như dự án 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), hay Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000MW ở Tây Ninh, Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất đặt khoảng 3.000MW.

Điều này cho thấy, điện mặt trời đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước bởi đây được xác định là nguồn năng lượng chính để phát triển năng lượng tái tạo. Theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do World Bank cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, theo Bloomberg New Energy Finance, năm 1977, giá tấm pin mặt trời có giá 76 USD/watt nhưng đến năm 2015, giá bán đã giảm 253 lần, chỉ còn 0,3 USD. Chi phí pin mặt trời giảm cũng khiến các khoản đầu tư cho điện mặt trời ngày càng giảm. Ở quy mô lớn, suất đầu tư 1MW thủy điện là 2,5 triệu USD, trong khi điện mặt trời chỉ bằng một nửa. Đặc biệt, nếu kết hợp phát triển điện mặt trời trên thủy điện sẵn có thì mức đầu tư chỉ khoảng 700.000 USD/MW.

TTC đặt kế hoạch đến năm 2020, sẽ có 20 nhà máy năng lượng mặt trời sẽ đạt 1.000MW. Cho đến hiện tại, đây được xem là tập đoàn tư nhân sở hữu số lượng nhà máy nhiệt điện lớn nhất Việt Nam với 17 nhà máy nhiệt điện. Từ nay đến năm 2020, Tập đoàn sẽ đầu tư thêm 2 ngành mới là điện gió và điện mặt trời. Hiện doanh nghiệp này đã chọn được một số vị trí phát triển dự án như điện mặt trời Thành Long với diện tích 37ha, điện mặt trời TTC Tân Hưng với 68ha, điện mặt trời Tanisugar Tân Phú với 75ha… Nguồn vốn cho tất cả các dự án này vào khoảng 1 tỷ USD.

“Chúng tôi sẽ phát triển dự án này theo vốn góp là 30% và vốn vay 70%. Hiện TTC đã có 300 triệu USD sẵn sàng”, ông Thái Văn Chuyện - Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết. Theo đó, TTC dự định đạt công suất 1.000MW điện mặt trời, 40MW điện gió, chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của Tập đoàn, còn lại là 222MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150MW chiếm 11%. Điện mặt trời được phát triển dưới hình thức đầu tư dự án mới, còn điện gió vừa đầu tư dự án mới vừa góp vốn đầu tư với tỷ lệ trên 51%.

(Theo NCĐT - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

ĐỨC TIẾN