Học quy tắc lãnh đạo "lên tiếng khi hiểu đủ" từ CEO Apple Tim Cook
Phong cách sống - Ngày đăng : 06:26, 04/07/2018
Ảnh: Minh Uong/The New York Times |
CEO của Apple là người thường xuyên có những phát ngôn mạnh mẽ về thúc đẩy sự đa dạng và nhiều vấn đề khác. Các chính sách nhập cư gây tranh cãi nhất của Mỹ cũng không phải ngoại lệ. Trên thực tế, Tim Cook thường xuyên bày tỏ mối quan tâm và lên tiếng thể hiện quan điểm rõ ràng.
Tuy nhiên, tại Hội nghị thường niên CEO Initiative 2018 của Fortune hôm 25/6/2018, vị CEO nổi tiếng này nói rõ rằng, trước khi phát biểu quan điểm, ông luôn tự đặt ra các câu hỏi: “Vấn đề này liệu có phải là chuyên môn của Apple?”, “Chúng ta có quyền nói về nó không?”.
Tim Cook cho biết ông không muốn Apple trở thành một “nhà phát ngôn” về mọi thứ. Nhưng với cương vị một nhà lãnh đạo, ông tin mình có trách nhiệm nói ra cả những giá trị của công ty lẫn những giá trị mà nó dựa vào đó để vận hành.
“Tôi không nghĩ việc kinh doanh chỉ nên gói gọn trong các vấn đề thương mại. Với tôi, kinh doanh không gì khác hơn là một tập hợp những con người. Nếu con người có những giá trị thì các công ty cũng nên giống như vậy”, CEO Apple chia sẻ tại CEO Initiative 2018.
Nhưng ông cũng nói thêm, họ chỉ nên thể hiện quan điểm về một chủ đề “khi có sự hiểu biết nhất định về chủ đề đó”.
Là lãnh đạo của một công ty toàn cầu với hơn 120.000 nhân viên trên khắp thế giới, Tim Cook nói rằng ông cảm thấy hợp lý khi nói về những vấn đề như giáo dục, chính sách bảo mật, nhân quyền, nhập cư và môi trường, bởi vì ông có một vốn hiểu biết nhất định về những vấn đề này. “Chúng tôi nghĩ rằng mình có nhiều thứ để cung cấp khi nói về vấn đề môi trường”, chuyên gia công nghệ 57 tuổi nêu ví dụ.
Hồi cuối tháng 6 vừa qua, CEO Apple đã lên tiếng phản đối chính sách “đau lòng” và “vô nhân đạo” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chia tách trẻ em nhập cư và cha mẹ chúng tại biên giới Mỹ với Mexico. Hứng chịu sự phản ứng dữ dội từ dư luận quốc tế lẫn trong nước, ông Trump sau đó đã cho dừng việc chia tách này lại.
Tim Cook đã so sánh trường hợp này với những động thái của chính quyền ông Trump hồi năm ngoái nhằm chấm dứt DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) - chương trình bảo vệ người nhập cư trẻ đến Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi động vào năm 2012. Động thái của chính quyền ông Trump dẫn đến sự bất ổn lớn, đặc biệt là đối với Tim Cook và nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại Silicon Valley, vì nhiều nhân viên của họ được DACA bảo trợ.
“Tôi nghĩ cách làm này đã thể hiện sự kém tôn trọng giá trị của người khác và chúng tôi cần phải nói điều gì đó… Chúng tôi có hơn 300 nhân viên thuộc diện DACA. Tôi muốn đứng lên vì họ”, ông nêu quan điểm.
Tim Cook còn nói thêm, khi có điều gì đó diễn ra và không phù hợp với giá trị của công ty mình, điều quan trọng là phải lên tiếng. “Nếu không, bạn sẽ thuộc nhóm… người tốt và chỉ biết im lặng. Đó là điều mà tôi không bao giờ muốn trở thành”, ông khẳng định.