Vì sao thương hiệu Việt hấp dẫn nhà đầu tư Nhật?

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:26, 14/07/2018

Thay vì đầu tư trực tiếp, gần đây nhiều doanh nghiệp Nhật Bản từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua mua cổ phần, khẳng định sự hiện diện ở một số lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng ổn định.
Vì sao thương hiệu Việt hấp dẫn nhà đầu tư Nhật?

Tập đoàn Sojitz đã mua lại 95,24% cổ phần của Công ty CP Giấy Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Dũng

Chậm mà chắc

Trung tuần tháng 6 vừa rồi, Tập đoàn Sojitz đã mua 95,24% cổ phần của Công ty CP Giấy Sài Gòn với giá 91,2 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng). Con số này vẫn rẻ hơn số tiền 128 triệu USD mà "người đồng hương" - Tập đoàn Unicharm đã bỏ ra để mua 95% vốn điều lệ của Công ty CP Diana cách đây vài năm. Giấy Sài Gòn hiện là doanh nghiệp sản xuất khăn giấy lớn nhất Việt Nam, với doanh thu hằng năm đến 100 triệu USD.

Với Diana, Unicharm vẫn giữ nguyên những giá trị cốt lõi mà các nhà sáng lập Diana đã xây dựng, chỉ tăng thêm tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn của Unicharm, đồng thời đẩy mạnh đầu tư cho quy trình sản xuất, nghiên cứu và phát triển. Do đó, Diana vẫn tăng trưởng đều đặn, sản phẩm đa dạng hơn, phân phối tốt hơn, xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới và luôn duy trì vị thế 2 thương hiệu băng vệ sinh dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Việc mua lại Giấy Sài Gòn là thương vụ M&A mới nhất của nhà đầu tư Nhật nối tiếp hàng loạt vụ mua bán công ty Việt mà người Nhật đã thực hiện trong thời gian qua. Các công ty Việt Nam có thương hiệu, giữ vị thế hàng đầu trên thị trường liên tục nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư Nhật.

Sau khi đã nắm giữ 24,94% vốn điều lệ tại Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG), Tập đoàn Dược phẩm Taisho mới đây tiếp tục chào mua thêm 7,06% cổ phần DHG, mà nếu thành công sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 32%.

Sự có mặt của Taisho - tập đoàn hàng đầu về dược phẩm trên thế giới tại Dược Hậu Giang sẽ đem lại lợi thế kinh doanh rất lớn cho doanh nghiệp này vì Taisho đang chuyển giao công nghệ cũng như gia tăng xuất khẩu và cải thiện quản trị chuỗi cung ứng.

Link bài viết

cTương tự, Tập đoàn Sojitz nhìn thấy nền tảng kinh doanh rất tốt từ công nghệ, thị trường cho đến nhà máy sản xuất của Giấy Sài Gòn, nên không lạ khi Sojitz, đã có hàng chục năm kinh doanh kinh nghiệm tại Việt Nam tuyên bố sẽ bổ sung nguồn lực đầu tư xây dựng Giấy Sài Gòn cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường.

Sau khi bán lại cổ phần, không ít công ty Việt hưởng lợi ngay từ các ông chủ mới người Nhật. Vào đầu tháng 3/2018, Tập đoàn Takara Belmont công bố sáp nhập Công ty CP Ngữ Á Châu (NAC) - doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực mỹ phẩm hóa chất ngành tóc Việt Nam.

Ông Hidetaka Yoshikawa - Tổng giám đốc Tập đoàn Takara Belmont cho biết sẽ giữ lại thương hiệu Ngữ Á Châu và ứng dụng công nghệ Nhật Bản để tăng chất lượng sản phẩm cũng như vạch ra chiến lược biến Công ty thành thương hiệu hóa chất số 1 về làm tóc không chỉ Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á.

Hay Tập đoàn Sojitz Planet sau khi mua lại 20% cổ phần Công ty CP Nhựa Rạng Đông đã công bố xây dựng nhà máy trị giá 32 triệu USD để giúp Rạng Đông tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị trường nhựa Việt Nam.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Công ty Pan Saladbowl, chuyên trồng hoa xuất khẩu - hợp tác giữa Tập đoàn Pan (Việt Nam) và Công ty Saladbowl International (Nhật Bản) cho biết, phía Nhật đã cử chuyên gia sang Việt Nam hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật canh tác, nguồn lực tài chính để hoa đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật, Mỹ và một số nước châu Âu. Hiện nay Pan Saladbowl sản xuất một năm 7 triệu cành hoa cúc và cẩm chướng, xuất khẩu hết sang thị trường Nhật.

Muốn vươn xa, phải đi cùng nhau

Để bổ sung thêm vốn, kinh nghiệm quản trị, công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh khi hội nhập, không ít doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng "đứng trên vai người khổng lồ". Nhà sáng lập thương hiệu Diana - ông Đỗ Anh Tú nhấn mạnh, bán 95% cổ phần cho Unicharm để họ toàn tâm đưa Diana trở thành thương hiệu toàn cầu.

Tương tự, với thương vụ M&A của Giấy Sài Gòn, ông Cao Tiến Vị - nhà sáng lập đơn vị này cho rằng, về tay người Nhật, Công ty sẽ lớn mạnh hơn, với nguồn lực và mạng lưới bạn hàng quốc tế, không khó để Sojitz đưa Giấy Sài Gòn lên tầm cao mới.

Dù kinh doanh có lãi nhưng Giấy Sài Gòn vẫn cần thêm vốn để mở rộng quy mô và đầu tư công nghệ nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường giấy vốn rất nhiều đối thủ cả trong lẫn ngoài nước, cũng như cải thiện biên lợi nhuận của Công ty.

Với Công ty Ngữ Á Châu, tuy chiếm 10% thị phần về hóa chất làm tóc, có hơn 200 đại lý và sản phẩm bán mạnh ở 35.000 salon tóc, nhưng ông Nguyễn Văn Ngữ - nhà sáng lập Ngữ Á Châu cho rằng việc bán lại doanh nghiệp là cách để giữ thương hiệu, nếu không có thể bị xóa sổ cả công ty đã gầy dựng hàng chục năm, vì không đủ nguồn lực tài chính để phát triển nên không đủ sức cạnh tranh.

Đánh giá các thương vụ M&A của các công ty Nhật gần đây, ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) TP.HCM cho biết, do các nhà đầu tư Nhật nhìn thấy giá trị từ các công ty Việt cũng như tiềm năng kiếm lợi nhuận cao nên đã tích cực góp vốn, thậm chí "mua đứt".

Trong một khảo sát gần đây của Jetro cho thấy, khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động, là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác. Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Lý do chính để doanh nghiệp Nhật mở rộng hoạt động tại Việt Nam là doanh thu tăng khoảng 88%, tỷ lệ doanh nghiệp có lãi chiếm 65,1%.

MINH PHƯƠNG