Xuất khẩu đồ gỗ: Phải thích ứng với những thay đổi từ thị trường Mỹ
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:31, 16/07/2018
Đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục là một trong 4 thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,5% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ trong 5 tháng đầu năm 2018. Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) - ông Nguyễn Quốc Khanh cho đây là "con số khiêm tốn". Ông tin rằng, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ trong tương lai gần sẽ rất khác nếu doanh nghiệp trong nước chịu đầu tư.
Thị trường khởi sắc cùng giá trị đồng đô la Mỹ đang trong xu hướng tăng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản xuất và xuất khẩu. Số liệu từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang Mỹ 5 tháng đầu năm 2018 đã đạt 1,36 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Thế nhưng, xuất khẩu tăng cao cũng làm gia tăng nhu cầu các loại gỗ nguyên liệu có giá trị cao và gỗ có nguồn gốc hợp pháp (gỗ được xác nhận nguồn gốc). Trong khi đó, áp lực về nguồn cung gỗ đang gia tăng do một số công ty gỗ nội thất lớn dành được các hợp đồng thiết kế, lắp đặt một số công trình quan trọng trên thế giới.
Thương mại gỗ trên thị trường thế giới ngày một sôi động, do nguồn cung khan hiếm, chính sách bảo hộ của Mỹ và biện pháp đáp trả từ các nước đối tác của Mỹ. Giá gỗ nhiệt đới mà EU nhập khẩu tăng liên tục trong 6 tháng gần đây xuất phát từ sự cạnh tranh thu mua bởi các nhà nhập khẩu gỗ dán của Mỹ. Canada đã đáp trả chính sách thuế của Mỹ lên gỗ dán và ghế gỗ có hiệu lực từ ngày 1/7.
Chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump đang đi theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Trong khi đó, chính phủ liên bang ngày càng siết chặt hơn việc thực thi đạo luật Lacey, báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng và xu hướng phát triền bền vững" do HAWA công bố hồi tháng 3/2018 cảnh báo.
Thặng dư trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 32 tỷ USD mỗi năm nghiêng về phía Việt Nam, đã đẩy Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia có mức thâm hụt lớn nhất đối với Mỹ. Riêng đối với đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã trên 2 tỷ USD. Với mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam có thể sẽ tạo ra những mối quan tâm đặc biệt hơn từ các cơ quan quản lý của Mỹ.
Ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam đang tăng cả lượng lẫn chất, nhưng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn do sự thay đổi từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là 4 thị trường quan trọng nhất, trong đó có Mỹ. Những thách thức này đôi khi sẽ bất chấp việc Việt Nam - một trung tâm chế biến gỗ của châu Á nhưng mỗi năm đều phải nhập khẩu một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn để chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Năm 2017, các doanh nghiệp Việt Nam chi ra khoảng 2,1 tỷ USD để nhập khẩu gỗ từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. 6 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu gỗ từ Mỹ tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn cung từ Mỹ cho Việt Nam chủ yếu là các loại gỗ nguyên liệu tròn và xẻ. Năm 2017, Mỹ là một trong 8 quốc gia cung cấp cho Việt Nam trên 100.000m3 gỗ tròn, lượng gỗ xẻ Việt Nam nhập từ Mỹ là gần 500.000m3, tăng gần 8% so với năm 2016.
Năm 2018 xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đặt mục tiêu 9 tỷ USD trong bối cảnh thế giới dự báo nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ sẽ tăng 4%. Những yếu tố này sẽ tạo thêm động lực cho doanh nghiệp gỗ sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngành nông nghiệp cảnh báo, ngành gỗ Việt Nam trong ngắn hạn cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Đặc biệt, trong tháng tới, doanh nghiệp cần lưu ý phát triển mạnh đồ gỗ có chứng nhận, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro và có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.