Doanh nghiệp Việt chuyển đổi số theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0
Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 09:31, 15/08/2018
Mô hình tự động hóa cho sản xuất được các sinh viên trình diễn tại một hội nghị công nghệ ở TP.HCM - Ảnh: Tuyết Ân |
Giảm chi phí, tăng giá trị
Năm 2017, Công ty Phần mềm MISA đạt tổng doanh thu gần 680 tỷ đồng, tăng đến 60% so với năm 2016. Đó là nhờ sự đóng góp của hơn 155.000 khách hàng từ cơ quan nhà nước, DN cho đến hộ kinh doanh và hơn 1 triệu khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ phần mềm MISA. Động lực giúp MISA phát triển là những công nghệ mới sớm được tích hợp vào phần mềm, chẳng hạn từ năm 2016 đã bắt đầu tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào phần mềm quản lý bán hàng.
Cuối tháng rồi, MISA cũng trình làng giải pháp hóa đơn điện tử MeInvoice.vn lần đầu tiên ứng dụng thành công công nghệ chuỗi khối (blockchain) tại Việt Nam. MeInvoice.vn được triển khai năm 2011, đến nay có hơn 3.000 DN sử dụng.
MISA đang thực hiện mục tiêu thúc đẩy thay thế hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử để giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí giấy mực, vận chuyển và đặc biệt là chi phí lưu trữ hóa đơn cho DN. Hóa đơn điện tử cũng là công cụ giúp ngành thuế xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn, hỗ trợ ngăn chặn hóa đơn từ các DN bỏ trốn, khắc phục tình trạng hóa đơn giả.
Cũng như MISA, các DN trong nước hiện đã chú trọng đầu tư vào các nền tảng, giải pháp và ứng dụng chuyển đổi số. Những công nghệ mang tính xu thế như máy học và AI cũng được DN tận dụng để phát triển sản phẩm mới, như Lạc Việt phát triển ứng dụng hỏi đáp tự động về pháp luật và sức khỏe, Infinity Blockchain Labs phát triển ứng dụng công nghệ blockchain cho truy xuất nguồn gốc thực phẩm...
Hoặc như Công ty Sao Bắc Đẩu tận dụng thế mạnh về tích hợp hệ thống, đã cung cấp các nền tảng quản trị nguồn lực DN tích hợp với những nền tảng về thương mại điện tử, mang đến giải pháp tổng thể từ nguồn lực nội bộ DN đến những nền tảng tiếp cận khách hàng.
Tại thị trường Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về sự sẵn sàng chuyển đổi số trong DN. Nhưng theo ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM (HCA), ghi nhận của HCA qua những cuộc làm việc với các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt những ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt, may, gỗ, hay các ngành liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng như bán lẻ, dược phẩm... cho thấy hầu hết DN có nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của công nghệ quá nhanh, các giải pháp, dịch vụ mới liên tục ra đời khiến DN lúng túng.
Sáng tạo từ cái nhỏ nhất
Ông Phí Anh Tuấn - Phó chủ tịch HCA bày tỏ quan điểm đừng nghĩ cách mạng công nghiệp 4.0 là những điều to tát, DN nên bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhưng có tầm nhìn lớn. Chẳng hạn, bắt đầu từ việc số hóa tài liệu để hạn chế giấy tờ, số hóa quy trình, kiểm soát công việc bằng giải pháp trên nền tảng đám mây. Trên cơ sở đó, tư duy về đổi mới sáng tạo sẽ dần trở thành quán tính, sáng tạo từ những việc rất nhỏ mới có thể tiến xa hơn với những ứng dụng công nghệ mới như ERP, phân tích dữ liệu, AI, blockchain...
"Muốn tăng năng lực đổi mới sáng tạo, DN có thể thiết lập bộ phận khởi nghiệp ngay trong công ty, hoặc đầu tư vào các startup để tiến vào những công nghệ mới. Cách làm sử dụng vốn đầu tư ít, theo sát nhu cầu của DN, sự linh động của các startup sẽ hỗ trợ DN cập nhật và nghiên cứu tốt các công nghệ mới để hình thành hệ sinh thái, đưa sáng tạo công nghệ vào DN mình", ông Tuấn gợi ý.
Tương tự, theo ông Từ Quang Huy - Phó giám đốc FSI, để đổi mới DN trước tiên cần số hóa toàn bộ dữ liệu và quy trình quản lý, đồng thời tổ chức nền tảng hạ tầng và cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, nhiều DN không biết bắt đầu từ đâu, trang bị những gì để đầu tư cho đúng, tiết kiệm chi phí mà không bị lạc hậu về công nghệ.
"DN cần ứng dụng công nghệ từ việc nhỏ nhưng phải có tính chính xác cao, sau đó nâng dần độ khó. Việc đầu tư cho công nghệ hiện nay cũng có thể giao cho các nhà cung cấp có kinh nghiệm thực hiện những gì DN không thể làm tốt", ông Huy nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Minh - Phó tổng giám đốc Công ty Sao Bắc Đẩu, hiện nay nhóm DN thương mại dễ dàng thực hiện chuyển đổi số bằng cách xác định con đường ngắn nhất là đi từ DN đến khách hàng hoặc người dùng. Trong khi nhóm ngành sản xuất sẽ khó khăn hơn, nhưng lại cần thay đổi nhất để tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến khách hàng.
Ông khuyến cáo: "Để bước vào lộ trình chuyển đổi số, trước tiên lãnh đạo DN phải đặt vấn đề làm sao xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ mới, khi những đối thủ cùng ngành ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thì mình phải làm gì để thu hẹp khoảng cách. Từ tư duy này DN mới có các định hướng phù hợp với nguồn lực của mình".
Ông Long đưa ra số liệu doanh thu chuyển đổi số năm 2017 đã chiếm khoảng 6% GDP của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu đến từ các sản phẩm và dịch vụ số. IDC dự báo con số này sẽ tăng 60% vào năm 2021 do những công nghệ mới như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, mạng xã hội, di động, phân tích dữ liệu, AI, blockchain... đang tạo ra một cuộc cách mạng trong việc xử lý và khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ đang tăng theo cấp số nhân mỗi ngày. Điều này cho thấy lợi ích từ việc chuyển đổi số là rất lớn với sự phát triển nền kinh tế nói chung và DN nói riêng.
Ông Long nhấn mạnh, trong cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu số chính là tài sản của DN, là mấu chốt cho hành trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để DN thành công. Hiện nay công nghệ và giải pháp phục vụ chuyển đổi số trên thị trường cũng sẵn sàng với rất nhiều lựa chọn, nhiều nhà cung cấp trong nước và quốc tế tham gia.
Tuy nhiên, làm sao để kết nối được sự hiểu biết về công nghệ và chuyển hóa thành ứng dụng trong điều hành DN hiệu quả và bền vững mới chính là vấn đề lớn mà việc chuyển đổi số trong DN cần phải giải quyết được.