Đại gia công nghệ thế giới đang đổ dồn về Singapore, vì sao?
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 26/09/2018
Theo Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore (EDB), khoảng 80 trong số 100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới có hoạt động tại Singapore, và họ ngày càng tăng cường đầu tư nhiều hơn. Trong bảng xếp hạng về Chỉ số đổi mới Bloomberg năm 2017 (2017 Bloomberg Innovation Index), Singapore đứng hàng thứ sáu thế giới, trên cả Hoa Kỳ và Nhật Bản và bỏ xa Trung Quốc (hạng 21).
Bên cạnh đó, một nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL) cũng đánh giá Singapore là điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu đối với các đại gia công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Baidu và Tencent. Tương tự, cả Google, Amazon và Facebook đều đặt các trụ sở khu vực tại Singapore.
Sau đây là 5 lý do chính khiến Singapore trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các đại gia công nghệ toàn cầu:
1. Quốc gia rộng mở và kết nối
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra lại càng làm tăng mức độ hấp dẫn của Singapore. Cụ thể, lệnh áp thuế mới nhất của chính phủ Mỹ lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/9. Sau đó, Bắc Kinh lập tức trả đũa với lệnh áp thuế tương tự lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Các công ty có liên quan đến dòng chảy thương mại khổng lồ giữa 2 quốc gia này đang phải tìm cách tránh các hàng rào thuế quan "từ trên trời rơi xuống". Và giải pháp hiệu quả nhất là chuyển các hoạt động sản xuất và lắp ráp vốn dễ tổn thương ra khỏi Trung Quốc và Mỹ, rồi hướng đến các khu vực và các hệ sinh thái an toàn hơn. Trong khi đó, là một trung tâm đổi mới và là nơi quy tụ nhiều hoạt động nổi bật trong khu vực, Singapore đang chờ đón họ với vòng tay rộng mở, Forbes nhận định.
Nằm ở vị trí trung tâm châu Á, cơ sở hạ tầng của Singapore kết nối với thế giới cả ở phía Đông lẫn phía Tây. Chẳng hạn, nghiên cứu của JLL cho thấy, các thành phố ở Trung Quốc có sự gắn kết mật thiết nhất với Singapore, tiếp đó là New York (Mỹ) và Sydney (Úc). Các nhà làm chính sách Singapore cũng đã thành công trong việc xây dựng lòng tin nơi các doanh nghiệp quốc tế, chính phủ các nước bạn và cả các tổ chức phi chính phủ (NGO).
2. Tham gia nhiều thỏa thuận thương mại tự do (FTA)
Bất chấp quy mô thị trường nhỏ với dân số chỉ khoảng hơn 5 triệu người, Singapore đã ký kết 22 thỏa thuận thương mại song phương và khu vực. Mới đây, đảo quốc sư tử còn ký 2 hiệp định thương mại tự do lớn, là Hiệp định thương mại tự do Singapore – EU (EUSFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cả EUSFTA và CPTPP đều là những hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, nhằm thúc đẩy giao dịch số và kinh tế nền tảng. Điều này giúp mở ra cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Singapore cơ hội tấn công vào các thị trường quan trọng trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng lại.
3. Sự thân thiện trong giao dịch số và dữ liệu
Có hiệu lực năm 2017, Luật An ninh mạng của Trung Quốc yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ ở Trung Quốc. Trong khi đó, Singapore lại không tạo ra những sự hạn chế như vậy.
Ở khu vực ASEAN, trong khi nhiều nước đang dựng lên các rào cản đối với những dòng dữ liệu xuyên biên giới, thì Singapore lại trở thành nhân tố mang tính định hướng phía sau Sáng kiến khung giao dịch số ASEAN – Australia (ASEAN-Australia Digital Trade Frameworks Initiative), hướng đến việc đề ra các khuôn khổ pháp lý và tiêu chuẩn cho thương mại điện tử, tiền tệ kỹ thuật số, bảo vệ IP và quản lý dữ liệu.
Nền tảng thương mại quốc gia Singapore (Singapore's National Trade Platform) cũng đã cung cấp một giải pháp thử nghiệm trên quy mô toàn cầu để kết nối các nhà xuất nhập khẩu, các ngân hàng, công ty hậu cần, hải quan và các bên liên quan khác trong một môi trường minh bạch với nguồn mở.
4. Dồi dào nguồn nhân lực chất lượng
Singapore đang dần trở thành một trong những nơi cung cấp nguồn nhân lực công nghệ tốt nhất. Chính phủ nước này đã dành 19 tỷ USD để đầu tư cho Kế hoạch Nghiên cứu, Đổi mới và Doanh nghiệp 2020 (RIE), tập trung vào việc phát triển kỹ thuật và sản xuất, các dịch vụ và kinh tế kỹ thuật số, khoa học y sinh và chăm sóc sức khỏe cũng như các giải pháp đô thị bền vững khác.
Những nỗ lực này luôn có sự hỗ trợ, hợp tác mạnh mẽ của mạng lưới bao gồm các trường đại học tầm cỡ thế giới tại Singapore, các doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu, một hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển mạnh, các vườn ươm doanh nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm. Cũng tham gia vào mạng lưới này là các nhà tư vấn hàng đầu thế giới, các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kiểm toán…
5. Nơi ẩn náu an toàn khỏi những rủi ro địa chính trị
Bên cạnh những rủi ro về hàng rào thuế quan khi chiến tranh thương mại nổ ra, có một nỗi lo khác thậm chí còn lớn hơn, đó là sự tăng cường căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Khi Washington cố gắng hạn chế những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng các lĩnh vực công nghệ chủ chốt, các công ty công nghệ Mỹ và các công ty công nghệ nước ngoài lại đối mặt với những hạn chế mới. Chẳng hạn, nếu hợp tác với những đối tác thuộc “danh sách đen”, họ sẽ gặp những trục trặc không đáng có, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động hằng ngày của chuỗi cung ứng.
Do đó, các công ty công nghệ đa quốc gia phải tăng cường tìm kiếm các nơi ẩn náu an toàn và có hệ sinh thái công nghệ phát triển mạnh, nhằm tránh “tai bay vạ gió” từ những đòn trừng phạt qua lại trong các vụ căng thẳng địa chính trị. Và Singapore – quốc gia đã có các khuôn khổ pháp lý về kiểm soát xuất khẩu dựa trên những nền tảng của phương Tây – sẽ là “nơi trú ẩn an toàn” cho các công ty nước ngoài muốn tìm kiếm các giải pháp kiểm soát xuất khẩu.