Quản lý chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc: Nối mạng bán lẻ thuốc
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:33, 01/10/2018
Đây là bước đầu trong lộ trình kết nối liên thông 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc trên cả nước đến năm 2021.
Quản lý dược phẩm và xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân được chính phủ xác định là 2 hạng mục quan trọng hàng đầu của ngành y tế. Hệ thống IT do Viettel phát triển sẽ kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc, giúp ngành dược có dữ liệu quản lý, từng bước giải quyết những khó khăn hiện nay khi hệ thống phân phối thuốc qua nhiều khâu trung gian, không truy xuất được nguồn gốc và không kiểm soát được chất lượng.
Tại hội nghị trực tuyến ngành y tế hôm 24/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế sớm hoàn tất hệ thống trên toàn quốc. Hiện nay, việc quản lý thuốc còn lỏng lẻo khiến tỷ lệ sử dụng kháng sinh rất cao so với thế giới, tình trạng này phải được khắc phục sớm bằng việc quản lý chất lượng, nguồn gốc, hạn sử dụng và so sánh giá thuốc. Vì vậy, việc kết nối không chỉ để quản lý mà còn nhằm tối ưu hóa kinh doanh và đem lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân.
Hệ thống IT kết nối do Viettel xây dựng bao gồm các hạng mục: hệ thống quản lý nhà thuốc, cơ sở dữ liệu dược quốc gia, cổng tra cứu web và ứng dụng tra cứu thuốc trên thiết bị di động. Giải pháp được Cục Quản lý dược phối hợp với Viettel xây dựng đã triển khai thí điểm từ năm 2017 tại 4 tỉnh, thành, hiện nay đã kết nối liên thông đến 25 tỉnh, thành phố, cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và gần 2.000 cơ sở đã kết nối mạng quản lý hơn 22.000 đơn thuốc.
Đối với nhà thuốc, hệ thống giúp tin học hóa hoạt động quản lý bán hàng, kho thuốc, hóa đơn điện tử, đảm bảo liên thông dữ liệu được yêu cầu lên hệ thống quản lý dược quốc gia. Các nhà thuốc quản lý được cửa hàng hoặc chuỗi nhà thuốc, hoạt động của nhân viên để tránh thất thoát hàng hóa và tối ưu chi phí.
Đối với cơ quan quản lý, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối cho đến bán buôn, bán lẻ thuốc, kiểm soát thuốc giả, hết hạn hoặc kém chất lượng cũng như kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc kê thêm thuốc không phù hợp. Giải pháp tích hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như tình trạng thuốc tại các cơ sở và trên thị trường nhằm phục vụ công tác thu hồi thuốc theo quy định.
Đối với người dân, hệ thống giúp tra cứu và truy xuất nguồn gốc thuốc, tránh sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc hết hạn sử dụng, hoặc có thể so sánh giá cả của các loại thuốc. Người dân cũng sẽ nhận được cảnh báo của cơ quan chức năng khi nghi ngờ thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Cục Quản lý dược hiện nay đã ban hành chuẩn dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng IT kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0 với 23 tiêu chí. Phần mềm tổng hợp các thông tin chung trên các địa bàn tỉnh, thành theo chuẩn yêu cầu đầu ra đối với đơn thuốc nhằm đảm bảo kiểm soát việc kê đơn, mua, bán thuốc theo đơn, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc mua vào và bán ra ở các nhà thuốc.
Theo ông Hoàng Sơn - Phó tổng giám đốc Viettel, giai đoạn chuyển đổi ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng các tiện ích như hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, phân tích dữ liệu lớn... sẽ giúp hệ thống nhanh chóng đi vào cuộc sống. Các chủ nhà thuốc giảm được hơn 50% thời gian kiểm kho, quản lý hóa đơn, doanh thu hay giao dịch hằng ngày.
Trong khi cơ quan quản lý xóa bỏ báo cáo các cấp, có thể tính toán kế hoạch điều phối thuốc và quản lý theo thời gian thực, tiến tới quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc quốc gia minh bạch và không giấy tờ. "Bộ giải pháp chuyên ngành này là mục tiêu của Viettel nhằm từng bước hoàn thiện hệ sinh thái y tế thông minh hướng đến người dân sử dụng dịch vụ y tế”, ông Sơn nói.
Theo Cục Quản lý dược, cả nước có 41.394 cơ sở bán lẻ thuốc (gồm nhà thuốc tư nhân và nhà thuốc thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh), 12.425 quầy thuốc và 7.300 đại lý.
Theo quy định, đến 1/1/2019, các cơ sở bán lẻ thuốc phải có thiết bị và triển khai IT kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra; có cơ chế chuyển thông tin mua, bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu. Thời hạn này đối với các quầy thuốc là 1/1/2020 và với các tủ thuốc tuyến xã là 1/1/2021.