Khai phá thị trường Trung Đông

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:26, 06/10/2018

Muốn xuất khẩu vào UAE, Kuwait hay thị trường Trung Đông, các DN cần chú ý yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal.
Khai phá thị trường Trung Đông

Cá da trơn Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường UAE

Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Kuwait - 2 trong 6 quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC) có nhiều tiềm năng cho thương mại, đầu tư của Việt Nam. Hiện tại, một số mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại đây và sẽ còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường.

UAE là nền kinh tế lớn thứ hai ở Trung Đông, là trung tâm thương mại và tài chính của khu vực, đồng thời là nơi trung chuyển hàng hóa và trung tâm tái xuất hàng hóa lớn thứ 3 thế giới. Nền kinh tế này có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch năm 2017 khoảng 265 tỷ USD.

Link bài viết

Cũng như UAE, Kuwait là quốc gia giàu có tại khu vực Trung Đông, phải nhập khẩu hầu hết các loại hàng hóa với kim ngạch hằng năm vào khoảng 30 tỷ USD.

Hiện tại, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường này, tuy nhiên vẫn còn rất nhỏ so với nhu cầu. Theo thống kê của UAE, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần hàng nhập khẩu của nước này.

Trong đó, gạo jasmine rất được ưa chuộng với sản lượng xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn. Thủy sản, đặc biệt là cá da trơn đã có chỗ đứng tại thị trường UAE. Đây là mặt hàng được đánh giá rất tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ cá ở UAE rất lớn. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như hạt tiêu đen, cà phê cũng đã có mặt tại UAE.

Cũng như UAE, thị trường Kuwait có nhu cầu nhập khẩu lớn và đa dạng các mặt hàng, từ điện tử, nông sản, thực phẩm đến vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, hàng may mặc. Mỗi năm, nước này nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD hàng hóa nhưng hàng Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,25% thị phần, với kim ngạch khoảng 70 - 75 triệu USD.

Từ ngày 22 - 30/10, một phái đoàn của TP.HCM sẽ đi thăm, làm việc tại UAE và Kuwait. Tháp tùng phái đoàn là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, du lịch, ngân hàng, công nghệ thông tin, thực phẩm chế biến, nông sản, thủy sản, các sản phẩm công nghiệp.

Nhu cầu tiêu dùng của Kuwait đang tăng nên tiềm năng mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang Kuwait còn rất lớn. Các mặt hàng có khả năng tăng lượng nhập khẩu vào Kuwait gồm chè, cà phê, hoa quả sấy khô, đóng hộp, nước uống lon, nước ép hoa quả, điều, tiêu, gia vị, quần áo, đồ gỗ, trầm hương, hương liệu, lụa cao cấp, ngọc trai cao cấp, than củi, đá marble, granite trắng...

Ông Jasem Abomarzouq - Phó tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP.HCM cho biết, kim ngạch thương mại song phương giữa Kuwait và Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 350 triệu USD, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2018 đã tăng gấp 4 lần, khoảng 1,43 tỷ USD.

Từ nhiều năm nay, các loại trái cây, hải sản đông lạnh, gạo, giày dép, vật liệu xây dựng, than củi, mỹ phẩm, nước giải khát, kẹo bánh của Việt Nam đã có mặt tại đây. Do điều kiện không thuận lợi về đất đai và nguồn lao động nên Kuwait và các nước GCC có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc.

Theo ông Jasem Abomarzouq, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng được các nhu cầu của Kuwait. Trong đó, các mặt hàng dệt may, giày dép, hải sản, cà phê, rau củ, hạt tiêu, gỗ và đồ gỗ, cao su, linh kiện điện tử, điện thoại di động, gốm sứ của Việt Nam là một lợi thế.

Chia sẻ tại Hội thảo "Hành trình đến với thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và Kuwait" do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Văn phòng chứng nhận Halal cho rằng, thị trường các nước Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu cao đối với các sản phẩm Việt Nam.

Thị trường này không có nhiều rào cản kỹ thuật và thuế quan nhưng yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Halal. Vì thế, muốn xuất khẩu vào UAE, Kuwait hay thị trường Trung Đông, các doanh nghiệp cần chú ý yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn Halal.

Từ năm 2017, tất cả sản phẩm Halal xuất khẩu sang các nước GCC (UAE, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, Bahrain) phải được chứng nhận từ các tổ chức được công nhận bởi GAC/ESMA (Cơ quan Tiêu chuẩn đo lường và Đo lường của UAE). Nếu có chứng nhận này, sản phẩm Việt Nam sẽ tăng cơ hội cạnh tranh với sản phẩm khác, tăng đối tượng sử dụng, tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal trên thế giới.

MINH HÀO