Khai phá thị trường hơn 600 triệu dân của AEC: Vẫn chạy vòng ngoài
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 08:22, 26/10/2018
Trong khi hàng Thái chinh phục được người tiêu dùng khu vực thì hàng Việt vẫn chưa thực sự tận dụng được cơ hội do AEC tạo ra - Ảnh: N.Bảo |
Cơ hội từ các dòng thuế
Với thị trường khoảng 630 triệu dân, GDP 2016 đạt hơn 2.550 tỷ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, AEC đang mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong khu vực. Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), so với các hiệp định thương mại khác, các cam kết giảm thuế trong AEC cao và nhanh nhất.
Không chỉ cơ hội về một thị trường chung mà AEC còn mang đến cơ hội tiếp cận nhiều thị trường khác thông qua các hiệp định thương mại tự do với những đối tác ngoại khối. Chẳng hạn như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản và vào đầu năm 2019 sẽ là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.
Chia sẻ tại Hội thảo Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt, ông Phạm Thành Kiên - Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, đến nay Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0 - 5% theo ATIGA (Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Điều này giúp doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh như nông, lâm, thủy sản, mở rộng thị trường, cạnh tranh với các nước. 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,1 tỷ USD và có thể đạt 4 tỷ USD trong năm nay.
Cơ hội là vậy và tăng trưởng xuất khẩu cũng đã diễn ra nhưng so với các nước, tỷ lệ hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường ASEAN vẫn còn thấp. Số liệu thống kê của CIEM cho thấy, kim ngach xuất khẩu hàng Việt Nam vào khu vực chỉ chiếm 9,8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016. Năm 2017, tỷ lệ xuất khẩu hàng Việt vào ASEAN tăng lên 11% trong khi mức trung bình của các nước trong khối ASEAN là 24%.
Dẫn chứng rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Thành Kiên cho biết, từ năm 2015 - 2017, lượng hàng hóa từ TP.HCM xuất vào ASEAN mỗi năm đều tăng nhưng không tăng đột biến khi AEC được thành lập. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam lại tăng liên tục. Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam nhập khẩu từ ASEAN 7,2 tỷ USD hàng hóa và tăng lên 8,15 tỷ USD trong năm 2017. Đã vậy, khả năng tận dụng thuế quan của doanh nghiệp Việt không cao.
Tận dụng các kênh bán lẻ của nước ngoài
Hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa khai phá được thị trường dù cánh cửa ASEAN đã mở toang. Nguyên nhân là vì sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa đa dạng, giá thành chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối còn kém, doanh nghiệp chưa nắm rõ các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực. Ngoài những yếu tố này, theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước top đầu trong ASEAN.
Cụ thể, Việt Nam chỉ đạt 3,39/10 điểm về trình độ nhân lực cao trong khi của Thái Lan là 4,94 điểm, Malaysia là 5,59 điểm. Không chỉ vậy, hiểu biết của doanh nghiệp về cộng đồng ASEAN, đặc biệt là những kiến thức chuyên sâu và những chích sách khuyến khích phát triển kinh doanh đi kèm vẫn còn hạn chế.
Với việc giảm thuế sâu, trong tương lai gần, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tiếp tục tràn ngập thị trường Việt Nam. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa các nước khác trên thị trường ASEAN. Bởi, khi hàng hóa các nước thành viên ASEAN có mức thuế ưu đãi như nhau thì sức cạnh tranh sẽ tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm. Do đó, nếu doanh nghiệp Việt không chú trọng vào chất lượng, mẫu mã bao bì, sản phẩm sẽ không có cơ hội cạnh tranh trên sân nhà.
Chia sẻ thực tế doanh nghiệp, ông Hà Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sơn Việt cho biết, sản phẩm của Công ty có mặt ở nhiều kênh bán lẻ trong nước. Cách nay 10 năm, May Sơn Việt đã tiếp cận thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia nhưng đến nay vẫn chưa bán được hàng. Vì thế mà kế hoạch đã dừng lại và 2 năm nay, Công ty chỉ tập trung cho thị trường Lào, Campuchia và Myanmar.
Để khai phá tốt thị trường ASEAN, doanh nghiệp Việt cần chú ý đến nhiều yếu tố. Dù AEC là thị trường chung nhưng mỗi nước trong khối có sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, thị hiếu tiêu dùng. Vì thế, trước khi muốn khai thác thị trường nào, doanh nghiệp cần tìm hiểu về đất nước, con người, tập quán kinh doanh, tiêu dùng của nước đó.
"Doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ các rào cản kỹ thuật, các quy định pháp lý, kể cả ngôn ngữ trên bao bì sản phẩm để tránh thua cuộc ngay từ bước đầu tiên", ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. HCM tư vấn.
Doanh nghiệp Việt cũng cần tận dụng các kênh phân phối, bán lẻ của các nước đã mở cơ sở kinh doanh tại Việt Nam. Chẳng hạn, muốn vào thị trường Thái Lan, ngoài kênh xuất khẩu trực tiếp, các doanh nghiệp cần khai thác kênh xuất khẩu tại chỗ thông qua hệ thống siêu thị MM Mega Market, Big C. Muốn vào Nhật Bản thì thông qua hệ thống siêu thị Aeon, muốn xuất sang Hàn Quốc không thể quên Lotte Mart. Mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu hàng sang các nước trong AEC thông qua các hệ thống siêu thị này không phải là nhỏ.
Bà Punthila Puripreecha - Giám đốc Vận hành Công ty TNHH MM Mega Maket cho biết, ngoài việc kinh doanh ở Việt Nam, MM Mega Maket còn hỗ trợ tìm các nhà cung cấp trong nước để đưa hàng vào bán tại hơn 1.400 siêu thị và cửa hàng tiện lợi của Tập đoàn.
2 năm qua, Công ty đã xuất khẩu hàng thực phẩm khô, hàng may mặc và thực phẩm tươi sống của Việt Nam sang hệ thống phân phối của tập đoàn mẹ trong khu vực ASEAN. Quý I/2018, MM Mega Market đã nhận giấy phép xuất khẩu trực tiếp và đã xuất hơn 100 tấn nông sản gồm khoai lang vàng, khoai lang tím, thanh long, trái cây sấy, bánh tráng... Việt Nam sang 700 siêu thị Big C Thái Lan.