Doanh nghiệp gỗ: Coi trọng thị trường trong nước
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:35, 04/11/2018
Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đây là tín hiệu vui cho ngành gỗ vì người dùng trong nước đã giảm tiêu dùng đồ gỗ nhập khẩu nên doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam không chỉ đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu mà còn chú trọng vào thị trường nội địa. Cũng theo ông Hạnh, hiện ngành bất động sản chiếm 40% lượng tiêu thụ đồ gỗ, kéo theo nhu cầu thiết bị nội thất tăng, cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành gỗ trong nước là rất lớn.
Tuy hiên, thị trường đồ gỗ nội thất nội địa mới có vài tên tuổi lớn và có thị phần và doanh thu chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng, khoảng 90% thị phần còn lại vẫn đang để ngỏ. Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp chế biến gỗ có đủ khả năng làm ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ thì không có lý do gì không phục vụ được thị trường trong nước.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân tiêu dùng đồ gỗ hiện nay ở nước ta vào khoảng 31 USD/người, tương đương khoảng 2,8 tỷ USD. Nếu tính cả mức tăng nhà ở thì nhu cầu đồ gỗ nội thất nội địa trong thời gian tới không hề nhỏ, giá trị có thể lên đến 4 tỷ USD.
KTS. Nguyễn Hoàng Mạnh của Mia Design Studio cho rằng, xu hướng người tiêu dùng Việt Nam hiện đã thay đổi, không còn xem đồ gỗ là tài sản nên đã bắt đầu chọn mua và thay đổi đồ nội thất thường xuyên. Rất nhiều người đặt hàng cho đội ngũ thiết kế nội thất những sản phẩm phù hợp với sở thích. Đây chính là cơ hội để thị trường đồ gỗ trong nước phát triển.
Bên cạnh đó, với kỹ năng sản xuất tốt, lại được trang bị máy móc hiện đại, nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang ngày được cải thiện. Đặc biệt việc đầu tư vào khâu thiết kế đã tạo được giá trị gia tăng cao cho ngành.
Ông Vũ Tiến Thập - Giám đốc điều hành, người sáng lập 3 thương hiệu Manager, DFurni và HomeFurni đưa ra con số đủ hấp dẫn nhiều doanh nghiệp muốn xác lập vị thế ở thị trường đồ gỗ nội địa với giá trị ước đạt gần 60.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ thuộc về nội thất văn phòng và 40.000 tỷ thuộc về nội thất nhà ở.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ đã quay lại thị trường nội địa. Bà Tâm Như Hạnh - Tổng giám đốc Công ty Gỗ sồi Lâm Hoàng Phát thừa nhận: "Trước đây, do rất ít người trong nước dùng nội thất gỗ sồi, trong khi đơn hàng tại các thị trường châu Âu lại lớn nên chúng tôi chỉ tập trung xuất khẩu. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, khách hàng lẻ đã chủ động tìm đến Công ty để đặt hàng, lúc đầu chỉ đặt vài sản phẩm, sau đó đơn hàng ngày càng lớn, cả cho nhà ở lẫn resort, khách sạn hạng sang.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng tạo cơ hội cho chúng tôi có thêm một lượng khách hàng từng mua đồ gỗ bằng gỗ sồi của Trung Quốc nay chuyển sang Việt Nam, vì vậy Lâm Hoàng Phát chuyển hướng vào thị trường nội địa, mở rộng nhà máy 20.000m2 tại Đồng Nai lên gấp đôi, đa dạng sản phẩm và sản xuất hàng loạt.
Từng mở văn phòng ở nước ngoài, ông Lê Đức Nghĩa - Chủ tịch Công ty Gỗ An Cường khẳng định, thị trường đồ gỗ tại Việt Nam rất lớn, nếu bỏ qua thì người Thái có thể nhảy vào chiếm thị phần. Một sản phẩm bán chạy ở Việt Nam, nhiều khả năng sẽ bán chạy ở các nước khác.
Đại diện một công ty đồ gỗ tiết lộ, doanh thu xuất khẩu của công ty khoảng 250 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, nếu khai thác tốt thị trường nội địa thì vài năm tới có thể đạt được con số tương đương".
Ông Hạnh chia sẻ, hơn 2 năm quay lại thị trường trong nước, tỷ lệ đồ gỗ của các doanh nghiệp Việt đã tăng từ 20% lên 40%. Minh chứng cho chiến lược "ngược dòng" này, ông Hạnh cho biết thêm: "Chỉ cần nhìn vào số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội chợ Đồ gỗ và Trang trí nội thất Việt Nam (VIFA Home) do Hawa tổ chức định kỳ hằng năm cũng đủ thấy năm sau khởi sắc hơn năm trước. VIFA Home 2018 vào đầu tháng 11, rất nhiều doanh nghiệp lớn, chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ, châu Âu như Scansia Pacific, Đức Lợi, Royal Funiture, Square Home, Woac, Funiture Maker... đã đăng ký tham gia để tìm cơ hội tiếp cận người dùng trong nước, trong đó có hệ thống phân phối nội thất cao cấp Nhà Xinh".
Mặc dù có nhiều cơ hội tại "sân nhà”, nhưng để doanh nghiệp đồ gỗ phát huy hết nội lực, giành lại thị trường nội địa từ các công ty nước ngoài, vẫn cần sự liên kết giữa nhiều bên để đem đến nhiều cơ hội cho đầu ra sản phẩm, trong đó có việc xây dựng các trung tâm phân phối.