Khi trái cây Việt Nam được "phủ sóng" công nghệ blockchain
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:38, 19/11/2018
Sử dụng công nghệ blockchain để truy xuất nguồn gốc trái thanh long |
Tăng lợi thế nhờ blockchain
Trong khi nhiều nơi thanh long bị đổ bỏ vì không bán được và "giá rẻ như cho" thì Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka vẫn đều đặn xuất khẩu thanh long với giá tốt vào các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Nhật, châu Âu. Lợi thế này có được là nhờ bên cạnh việc áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP, 2 doanh nghiệp này đã ứng dụng công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản, giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
"Từ khi trồng cho đến lúc trưởng thành, thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và phân phối, trái thanh long được giám sát chi tiết. Người tiêu dùng có thể biết toàn bộ con "đường đi" của trái thanh long cho đến lúc nằm trên bàn ăn của họ. Tất cả nhờ vào công nghệ blockchain", ông Phạm Hoài Tâm - đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit giải thích.
Công ty An Thái - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây đã đưa công nghệ blockchain vào giám sát quy trình chuỗi cung ứng, bắt đầu từ nhà sản xuất, cung ứng, vận chuyển cho đến phân phối đến nhà bán lẻ. Đại diện An Thái cho biết lợi ích của việc ứng dụng blockchain: "Từ khi đưa vào ứng dụng công nghệ blockchain, đơn hàng của Công ty đã tăng từ 10 - 15%, do người mua nhìn thấy sự minh bạch thông tin và dễ dàng truy xuất nguồn gốc, trong khi chi phí quản lý giảm vì cắt giảm được các khâu thừa trong chuỗi cung ứng".
Ông Robin Bednall - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết, hiện nay người tiêu dùng Úc rất quan tâm đến các nông sản mang tính khác biệt, như trồng hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc... Công nghệ blockchain đáp ứng được các yếu tố này, và một khi ứng dụng, Việt Nam sẽ dễ dàng đưa nông sản vào thị trường Úc - thị trường luôn đòi hỏi tính minh bạch cao nhưng lại đem đến giá trị gia tăng cao.
"Người tiêu dùng Úc chỉ biết thanh long "made in Vietnam" nhưng sản xuất như thế nào, trồng vùng nào, theo tiêu chuẩn gì hay thu hoạch, vận chuyển ra sao thì hoàn toàn không biết. Nhưng khi doanh nghiệp Việt Nam áp dụng blockchain vào sản xuất, kinh doanh thì họ sẽ biết được quá trình trái thanh long từ thu hoạch đến khi vận chuyển đến nước Úc mất bao lâu thời gian để biết độ tươi của sản phẩm. Điều này sẽ quyết định hành vi mua sắm của họ”, ông Robin Bednall nói.
Ông Đào Đức Huấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, trong bối cảnh hội nhập với các yêu cầu quốc tế về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, áp dụng blockchain là cách giúp minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc nông sản để tiếp cận thị trường thế giới một cách tốt nhất.
Đây là giải pháp đưa sản phẩm Việt Nam đến gần với người tiêu dùng thế giới, giúp họ hiểu và biết rõ hơn sản phẩm Việt. Một khi người tiêu dùng quốc tế đặt niềm tin vào sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Vũ Trường Ca - Chủ tịch HĐQT Công ty Lina Network (đơn vị bán ứng dụng blockchain cho An Thái) chia sẻ, công nghệ blockchain có thể áp dụng chuỗi cung ứng hải sản, cà phê và dược phẩm. Đây là những ngành được người tiêu dùng quan tâm vì liên quan đến sức khỏe, và blockchain cho phép họ nắm bắt thông tin chi tiết, theo dõi nguồn gốc trước khi quyết định mua hàng.
Nâng tầm thương hiệu quốc gia
Theo TS. Chris Berg thuộc Trung tâm Đổi mới sáng tạo blockchain thuộc Đại học RMIT, blockchain đang giữ vai trò như hạ tầng kinh tế nền tảng, đặc biệt là chuỗi cung ứng thông tin. Blockchain giúp giải thích rõ các thông tin về quản lý chất lượng, thành phần hữu cơ, không biến đổi gen... cho người dùng cuối chuỗi cung ứng. Nhờ đó có thể trả lại giá trị cho người tạo ra hàng hóa, cho nông dân. Và nếu làm hiệu quả, công nghệ này sẽ là công cụ giúp nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Ông Filip Graovac - Phó trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam khẳng định, công nghệ blockchain đã ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ tài chính cho đến giáo dục, thậm chí là các cuộc bầu cử nhằm gia tăng tính minh bạch. Công nghệ này cũng dễ dàng áp dụng trong lĩnh vực nông sản.
Mỗi loại nông sản đều hình thành từ một chuỗi hoạt động, từ cung cấp dịch vụ đầu vào cho đến sản xuất, thu hái, chế biến, phân phối và tiêu dùng. Mỗi số liệu từ chuỗi cung ứng đó đều được blockchain ghi nhận lại, giúp tăng tính minh bạch, độ tin cậy vì thông tin này không thể thay đổi.
Chia sẻ sự hữu ích của blockchain cho kinh doanh của doanh nghiệp, bà Zoe Piper - chuyên gia của Ethitrade International (Úc) cho rằng, do mỗi mắt xích của chuỗi cung ứng nông sản đều được blockchain ghi nhận lại nên doanh nghiệp có thể sử dụng các dữ liệu này để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, từ đó hiệu chỉnh việc kinh doanh và phát hiện ngay vấn đề ở đâu nếu xảy ra sự cố. Trong tương lai, công nghệ blockchain là yếu tố để giúp chứng minh chứng nhận xuất xứ (C/O) sản phẩm một cách đơn giản.