Chính sách cho vay ngoại tệ và sự điều chỉnh bất ngờ
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:37, 28/11/2018
Những nội dung sửa đổi, bổ sung này đã gây không ít bất ngờ.
Tin vui cho doanh nghiệp xuất khẩu
Nếu như theo quy định cũ, nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu nằm trong đối tượng bị hạn chế cho vay ngoại tệ, và theo quy định của Thông tư 18/2017/TT-NHNN sẽ phải tất toán chậm nhất vào ngày 31/12/2018, thì dự thảo mới đã dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ của nhóm này.
Đây là thay đổi đầy bất ngờ vì không ít người trong ngành cũng như chính nhóm khách hàng này chỉ kỳ vọng vào khả năng NHNN sẽ tiếp tục gia hạn thời gian vay ngoại tệ thêm một năm nữa, sau khi đã nhiều lần được gia hạn, trì hoãn thời hạn kết thúc vay ngoại tệ kể từ khi Thông tư 24 ban hành vào năm 2015.
Chẳng những vậy, quy định mới lại bất ngờ thu hẹp đối tượng vay ngoại tệ ở nhóm khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu, khi yêu cầu các khoản cho vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019 đối với ngắn hạn và 30/9/2019 đối với trung, dài hạn.
Theo quy định của Thông tư 24 thì khách hàng vay nếu có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay thì chỉ được mua tại chính tổ chức tín dụng cho vay, còn dự thảo mới cho phép khách hàng thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính tổ chức tín dụng cho vay hoặc tổ chức tín dụng khác. Đối với tổ chức tín dụng cho vay phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay tại chính tổ chức tín dụng đó.
Quy định này tạo thêm quyền cho khách hàng khi được lựa chọn tổ chức tín dụng để mua ngoại tệ, qua đó tạo sự thông thoáng, đa dạng cho thị trường mua bán ngoại tệ. Thực tế cho thấy tỷ giá niêm yết của các ngân hàng có những thời điểm chênh lệch khá lớn, và nếu bắt buộc khách hàng chỉ được phép mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng đã cho vay thì đôi khi làm khách hàng bị thiệt hại nếu tỷ giá niêm yết cao hơn thị trường chung, trong khi nếu như tổ chức tín dụng đó không có được nguồn ngoại tệ dồi dào thì lại càng làm gia tăng căng thẳng thanh khoản ngoại tệ của tổ chức đó.
Vì sao?
Theo lý giải của NHNN, việc bổ sung thêm đối tượng hạn chế vay ngoại tệ nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp nhu cầu vay vốn, khi mà số liệu tín dụng ngoại tệ ngắn hạn liên tục tăng cao trong những tháng đầu năm nay, do tỷ giá ổn định đã kích thích doanh nghiệp vay ngoại tệ vì có lãi suất vay thấp hơn tiền đồng.
Vì vậy, tín dụng ngoại tệ ngắn hạn cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần, nhất là trong bối cảnh tỷ giá và thị trường ngoại tệ được NHNN điều hành tương đối ổn định.
Trong khi đó, quy định dỡ bỏ thời hạn vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu là nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó giúp tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng có những thời điểm chênh lệch khá lớn, và nếu bắt buộc khách hàng chỉ được phép mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng đã cho vay thì đôi khi làm khách hàng bị thiệt hại nếu tỷ giá niêm yết cao hơn thị trường chung, trong khi nếu tổ chức tín dụng đó không có được nguồn ngoại tệ dồi dào thì lại càng làm gia tăng căng thẳng thanh khoản ngoại tệ của tổ chức đó.
NHNN cũng cho rằng chính sách cho vay đối với nhu cầu này hoàn toàn không trái với chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ và NHNN do cấu trúc và cách thức cho vay đối với nhu cầu này không tạo ra bất kỳ hiện tượng đô la hóa nào đối với nền kinh tế, do ngoại tệ không được đưa vào lưu thông mà quay trở lại ngay hệ thống ngân hàng.
Những ảnh hưởng tích cực
Với quy định đảo chiều theo hướng nới lỏng cho doanh nghiệp xuất khẩu và hạn chế đối với doanh nghiệp nhập khẩu chỉ để sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước, thì kỳ vọng lớn nhất sẽ tác động tích cực lên cán cân thương mại của quốc gia, từ đó hạn chế áp lực lên tỷ giá vốn đang đối mặt với nhiều yếu tố tác động bất lợi, như chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và phá giá đồng CNY của Trung Quốc.
Rõ ràng với việc bị hạn chế vay ngoại tệ, nhóm doanh nghiệp nhập khẩu phải chuyển sang vay tiền đồng với lãi suất cao hơn, khả năng sinh lời bị ảnh hưởng, do đó có thể giảm bớt động lực nhập khẩu mà tìm kiếm các nguồn hàng trong nước sản xuất được để thay thế. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên ngoại tệ, từ đó giảm áp lực lên tỷ giá.
Thêm vào đó, với việc bị hạn chế vay ngoại tệ thì nguồn ngoại tệ của ngân hàng sẽ dồi dào hơn và do đó nhóm doanh nghiệp xuất khẩu có nhiều cơ hội để tiếp cận với chi phí vay tối ưu hơn.
Điều này là cần thiết trong bối cảnh lãi suất tiền đồng đang có xu hướng tăng gần đây, khi mà nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đang mất lợi thế cạnh tranh do tiền đồng thời gian qua chỉ mất giá tương đối so với USD, trong khi các đồng tiền khác như nhân dân tệ mất giá mạnh hơn, vô hình trung tiền đồng đã lên giá so với đồng nội tệ của đối tác thương mại cũng như đối thủ cạnh tranh về hàng xuất khẩu. Thống kê cho thấy kể từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã tăng giá gần 5% so với đồng nhân dân tệ.
Như vậy, có thể thấy quy định mới của NHNN nhắm đến nhiều mục tiêu, vừa hạn chế được tình trạng đô la hóa nền kinh tế theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 khi thu hẹp đối tượng được phép vay ngoại tệ, vừa có thể tiếp tục hỗ trợ được nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng tích cực lên cán cân thương mại khi kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, góp phần kiểm soát tỷ giá và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.