Cơn mưa lành xứ Huế

Du lịch - Ngày đăng : 00:00, 08/12/2018

Năm nay, mùa mưa xứ Huế đến muộn. Tháng 10 âm lịch mới có những cơn mưa dài ở mảnh đất được mệnh danh là xứ mưa này. Nửa đêm không ngủ được, tôi nằm nghe mưa lao xao trên mái nhà. Những cơn mưa ở phố cũng làm tôi nhớ những cơn mưa dài cuối năm ở quê nhà.
Cơn mưa lành xứ Huế

Đêm xuống, sau mấy câu chuyện vặt vãnh của một ngày là tắt đèn đi ngủ. Mùa nông nhàn, tiết kiệm dầu đèn nên nhà nào cũng đi ngủ sớm. Mưa rào rạt trên mái, ngoài hiên. Bà nội nói trong bóng đêm: "Mưa ni là mưa lành, không sợ lụt to bởi vì không có gió mạnh, cũng không nghe tiếng biển động vọng vô...".

Làng tôi cách biển không xa, nên mỗi khi trời nổi gió chướng đều có thể nghe thấy tiếng sóng biển ầm ào vọng về báo hiệu sẽ có mưa to gió lớn, lụt bão bất chừng. Còn những đêm chỉ có tiếng mưa rơi đều mà không nghe thấy tiếng biển động và tiếng gió rít từng cơn ngoài đường thì nằm ở nhà cũng có thể nghe được tiếng gõ mạn thuyền "lòng còng, lòng còng - cá nhảy vô tròng" của những chiếc đò ngư dân xóm vạn đi thả lưới đánh cá vào ban đêm.

Link bài viết

Mưa xuống, nước từ nguồn đổ về và theo dòng nước là những loài cá từ nhỏ đến lớn. Sớm mai, vườn nhà đã lấp xấp nước, một bầy cá rô ngược dòng nước cằn lên trước sân nhà. Anh em tôi ùa ra sân thích thú túm từng con một ném lên hiên. Bà nội lại nói "chim sa cá nhảy", không nên bắt. Nhưng một lần bác hàng xóm đã giải thích với bà rằng khi mô mà chim, cá chỉ sa hoặc nhảy một con thì nên thả chúng về với bầy, còn chuyện cá tức nước lên cạn cả bầy thì cứ bắt, không sợ điềm xấu.

Quê tôi là xứ của cá đồng. Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, từng đàn cá từ sông Ô Lâu theo các con hói ào ào bơi vô các thửa ruộng đã gặt xong. Nước trong ruộng đã quá đầu gối người lớn. Đang mùa nông nhàn, nhà nào có chơm thì vác chơm ra đồng bắt cá.

Cảnh hàng chục người hào hứng, sảng khoái đua nhau chơm cá trên cánh đồng nhìn vui chi lạ! Thỉnh thoảng một con cá gáy bị ép lao lên khỏi mặt nước và hàng chục cái chơm tranh nhau bắt, nước tung trắng xóa nhìn thật đã con mắt. Mà chơm cá cũng phải có tay, có người chơm mô trúng nấy, gọi là tay "sát ngư”.

Mưa đầu mùa, cá gáy con mô con nấy to bằng bàn chân người lớn, có con to bằng tấm thớt. Có người chơm trúng con cá gáy to, bắt ra khỏi chơm không cẩn thận, nó vùng mạnh, hất ngã người và tất nhiên là mất luôn con cá. Cá gáy lọt vô chơm nghe tiếng "đóng" roạt roạt thiệt đã tai, người chơm được phải luồn mấy ngón tay vào mang con cá rồi dùng hết sức mới kéo được nó ra khỏi miệng chơm.

Có người kể vào những đêm mưa dài đi soi cá bằng ngọn đuốc dầu, thấy cả bầy cá gáy ùn ùn kéo vô ruộng, chỉ việc bưng từng con một quăng lên bờ, đến khi mỏi tay cũng được trên chục con. Có đứa trẻ con theo người lớn đi đặt nò ở những khe ruộng nước chảy xiết cũng chỉ nửa buổi đã đầy nò cá.

Mấy anh em tôi thì thích nhất là đi mót khoai. Những vồng khoai đã thu hoạch, khi mưa xuống, đất trôi, những củ khoai còn sót lại trồi lên. Thực ra đó chỉ là một trò vui để được đi lội nước, còn khoai thì nhà mô cũng đổ đầy dưới gầm giường, chẳng ai muốn ăn. Đôi khi cả buổi lượm được có mấy củ khoai mà áo quần đã ướt tèm nhem.

Mưa mát mẻ, hiền lành. Chạy đi chơi cả buổi, đến trưa về nhà thấy mâm cơm với món canh cá rô nấu măng vòi muối chua còn nóng bốc khói, cá rớ kho với ớt cùng riềng và cả món nấm rơm xào ngọt được bà nội hái từ cây rơm ngoài vườn. Vừa ăn vừa nghe nội nói với mạ: "Cứ mưa như ri là ngày mai có lệch huyết trôi về, bây coi ngày mai đi chợ sớm để kịp mua được con lệch nấu cháo cho mấy đứa nhỏ bồi dưỡng". Ôi, nhớ cơn mưa lành ngày xưa!

PHI TÂN