Vì sao xu hướng ly khai ngày càng tăng?

Quốc tế - Ngày đăng : 06:29, 14/12/2018

Việc chủ nghĩa dân túy đang nổi lên khiến nhiều quốc gia không còn quá quan tâm đến xu hướng toàn cầu hóa hay đa phương hóa.
Vì sao xu hướng ly khai ngày càng tăng?

Từ Qatar...

Đầu tháng 12, thế giới bất ngờ khi Qatar thông báo sẽ rút khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) từ tháng 1/2019, sau gần nửa thế kỷ là thành viên. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày trước khi OPEC và các thành viên không thuộc OPEC có cuộc họp tại Vienna (Áo) nhằm đạt được thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô.

Theo Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi, việc rời bỏ OPEC là do sự thay đổi về kỹ thuật và chiến lược để giúp Qatar cải thiện vị thế, không phải do "nguyên nhân về chính trị” liên quan đến việc Arab Saudi cùng 3 quốc gia Ả rập khác đã cắt quan hệ thương mại và vận tải với Qatar từ tháng 6/2017.

Link bài viết

Qatar tuy là quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh, cung cấp lượng dầu mỏ ít nhất trong OPEC, nhưng lại là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới. Hiện tại, Qatar sản xuất 77 triệu tấn LNG/năm và có kế hoạch mở rộng công suất lên 100 triệu tấn nhờ nắm giữ mỏ khí đốt lớn nhất thế giới, nhằm tận dụng nhu cầu khí đốt hiện nay trước khi thị trường bị thu hẹp trong đầu thập kỷ tới.

Trong khi đó, Iran cho rằng việc Qatar quyết định rời khỏi OPEC cho thấy sự thất vọng của các nhà sản xuất nhỏ đối với vai trò chi phối của Arab Saudi và Nga trong việc cắt giảm sản lượng dầu thô. Chẳng những vậy, nhiều thành viên OPEC khác cũng bày tỏ thất vọng rằng Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC (JMMC), vốn do Arab Saudi và Nga dẫn dắt, đã có các quyết định về sản lượng dầu một cách đơn phương và không có được sự đồng thuận trước của OPEC. Điều ấy gây ảnh hưởng đến quyền lợi của những nước này, nhất là trong bối cảnh giá dầu liên tiếp giảm mạnh khi nguồn cung ngày càng thừa trong thời gian gần đây.

... Đến những quốc gia phát triển

Thật ra việc một quốc gia rút khỏi những liên minh lâu đời khi nhận thấy quyền lợi bị ảnh hưởng không phải là điều hiếm hoi trong thời gian gần đây.

Giữa tháng 10 vừa qua, Mỹ đã quyết định rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) - hiệp ước đã tồn tại 144 năm, để ngăn Trung Quốc hưởng lợi từ việc lợi dụng lỗ hổng của liên minh này để vận chuyển hàng hóa với chi phí thấp hơn. Cụ thể, theo quy định của cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc này. chính sách áp phí vận chuyển thấp dành cho các nước đang phát triển đã bị một số thành viên UPU như Trung Quốc tận dụng suốt thời gian dài để đưa số lượng rất lớn hàng hóa vào thị trường Mỹ, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nước này.

Trước đó, giữa năm 2017, Tổng thống Donald Trump tuyên bố nước Mỹ rút khỏi Thỏa thuận chung Paris (thỏa thuận tại Hội nghị Về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Paris, Pháp), chấm dứt sự tham gia liên quan đến việc giảm thiểu khí thải.

Ông Trump cho rằng, Mỹ là nước bị thua thiệt nhất trong thỏa thuận này vì các quốc gia khác không chịu gánh vác trách nhiệm, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Trump còn nói, nếu Mỹ không rút khỏi Thỏa thuận chung Paris thì đến trước năm 2025 sẽ bị mất tới 2,7 triệu cơ hội việc làm.

Link bài viết

Chẳng những vậy, dưới thời của Tổng thống Trump, Mỹ đã ra thông báo hoặc đơn phương rút khỏi nhiều tổ chức, hiệp ước và thỏa thuận, như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, từ bỏ hiệp định hạt nhân với Iran, từ bỏ hiệp ước về tên lửa tầm trung với Nga và không tham gia Hiệp định TPP dù đã mất một thời gian dài đàm phán dưới thời Tổng thống Obama.

Gần đây nhất, Mỹ đe dọa sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tổ chức này không có những cải cách để giảm những điều kiện gây bất lợi cho phía Mỹ. Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại tự do khác giữa Mỹ và các nước như NAFTA, thỏa thuận với Hàn Quốc, Nhật hay EU đã và sẽ phải ký lại để gia tăng lợi ích cho nước Mỹ.

Xu hướng ly khai và rời khỏi các thỏa thuận, hiệp ước ngày càng tăng kể từ sau khi Anh quyết định rút khỏi Liên minh Châu Âu (EU) vào tháng 6/2016 - kết quả vốn đến từ một cuộc trưng cầu dân ý tưởng như vô hại, nhưng sau đó đã tác động mạnh đến thị trường tài chính toàn cầu, buộc nhiều quốc gia phải nhìn nhận lại các hiệp định đã ký.

Sau nhiều năm tham gia các tổ chức, hiệp định hay thỏa thuận, giờ đây không ít quốc gia nhận thấy dường như đang bị thiệt hại, lợi ích bị san sẻ sang những thành viên khác, hoặc phải chịu sự hạn chế, ràng buộc từ những chính sách chung không theo kịp sự thay đổi của thời cuộc. Mới đây, những mâu thuẫn về kế hoạch ngân sách của Italia không phù hợp với quy định của EU cũng đưa đến mối lo ngại nước này có thể sẽ là quốc gia tiếp theo rời khỏi EU.

Trong khi đó, việc chủ nghĩa dân túy đang nổi lên khiến nhiều quốc gia không còn quá quan tâm đến xu hướng toàn cầu hóa hay đa phương hóa. Thử nhìn vào nước Mỹ - quốc gia từng ủng hộ mạnh mẽ và đi đầu trong các phong trào toàn cầu hóa và các hiệp định đa phương, thì dưới thời Tổng thống Trump, khẩu hiệu thường xuyên được nghe thấy là "Nước Mỹ trên hết".

LÊ PHAN