Thời hoàng kim của mô hình FO - văn phòng quản lý tài sản gia đình

Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 06:54, 25/12/2018

Các văn phòng quản lý tài sản gia đình (family offices – FO) đang bùng nổ trên khắp thế giới khi nhu cầu quản lý tiền bạc cá nhân ngày càng gia tăng.
Thời hoàng kim của mô hình FO - văn phòng quản lý tài sản gia đình

FO có nguồn gốc từ các tổ chức giám sát tài sản của những ông trùm tài phiệt thế kỷ 19 của Mỹ, như J.P. Morgan và John D. Rockefeller. Trong số 311 FO tham gia khảo sát Báo cáo Văn phòng Gia đình toàn cầu hằng năm mới nhất của UBS và Campden Wealth, hơn 2/3 được thành lập sau năm 2000 và hơn một nửa đang phục vụ thế hệ giàu có đầu tiên.

Sự bứt phá của các FO phản ánh sự gia tăng số lượng tỷ phú trên toàn thế giới và số tài sản mà họ kiểm soát, hiện ước tính lên tới gần 9.000 tỷ USD. Không ai biết số tiền này nằm trong tay các FO là bao nhiêu, nhưng nhiều nghiên cứu cho rằng con số này vào khoảng 3.000 - 4.000 tỷ USD.

Các FO hiện nay hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trung bình quản lý khoảng 500 triệu – 1 tỷ USD. Riêng mô hình SFO (single family offices) của tỷ phú George Soros quản lý tới 25 tỷ USD. Những MFO (multi-family offices) khổng lồ khác bao gồm Tập đoàn Pritzker, được điều hành bởi các gia đình đằng sau chuỗi khách sạn Hyatt và JAB.

Link bài viết

Các hoạt động mà FO cung cấp bao gồm các dịch vụ thuế và pháp lý, an ninh mạng và giám sát hóa đơn. Một số cung cấp dịch vụ trực tuyến như sắp xếp việc đi lại cho thân chủ, giúp giải quyết các vấn đề nhạy cảm của gia đình (tiền hôn nhân hoặc ly hôn) hoặc thủ tục thừa kế, quản lý quỹ từ thiện…

Vai trò của các FO gia tăng trong bối cảnh xảy ra nhiều bê bối từ giới ngân hàng khiến những văn phòng quản lý tài sản theo mô hình gia đình được những người giàu có ưa chuộng hơn. Không chỉ ở Trung Quốc, bức tranh quản lý tài sản cho người giàu tại nhiều nước cũng đang thay đổi mà ưu thế không thuộc về các định chế tài chính.

Mỹ và châu Âu đã thẳng tay với nạn trốn thuế, buộc khách hàng phải rút hàng chục tỷ USD ra khỏi Thụy Sĩ, đồng thời cũng buộc các ngân hàng nước này phải tìm các nguồn hầu bao rủng rỉnh khác. Những vụ bê bối rửa tiền cũng đã đưa đến các mức phạt răn đe và nhiều quy định nghiêm ngặt hơn. Chi phí tuân thủ pháp luật cũng đã tăng mạnh và khách hàng bắt đầu chú ý hơn đến mức phí và yêu cầu các dịch vụ mà họ nhận được phải xứng đáng với mức phí đó.

Lợi thế khác của các FO là khi họ tham gia hiệu quả vào các hoạt động đầu tư sinh lời. Vốn chủ sở hữu tư nhân chia sẻ của các danh mục đầu tư của FO cũng đã tăng đều đặn. Theo Công ty nghiên cứu PitchBook, có 100 tỷ USD giao dịch được thực hiện trong năm 2016, gấp 4 lần số tiền đầu tư vào năm 2011. Một báo cáo gần đây của Campden đã kết luận rằng phân bổ của FO vào vốn cổ phần tư nhân bao gồm cả đầu tư trực tiếp và các khoản đầu tư thông qua quỹ có thể tăng 3/4 trong năm 2017 - 2019.

Đáng chú ý là hiện tượng FO đổ xô đến châu Á, đón các cơ hội đầu tư tại những thị trường mới nổi và nhóm khách hàng giàu có mới tiềm năng. Chỉ riêng Trung Quốc đã tạo ra 2 tỷ phú mới mỗi tuần trong năm 2017. Người châu Á giàu có thích giữ tiền trong các doanh nghiệp của họ, tái đầu tư để xây dựng các tập đoàn.

Trong 10 năm qua, số lượng FO có trụ sở tại châu Á đã tăng từ khoảng 50 đến gần 1.000 văn phòng. Hong Kong và Singapore trở thành điểm đến của nhiều dòng tiền FO nhờ đóng vai trò là các trung tâm nước ngoài chăm sóc tận răng cho giới triệu phú, tỷ phú đang bùng nổ của Trung Quốc.

Sự gia tăng này đặt trong bối cảnh rủi ro đang gia tăng: thuế quan Mỹ áp lên hàng tỷ USD giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đang đe dọa làm hao hụt tài sản của nhiều tỷ phú, đồng thời đưa thị trường chứng khoán nước này rơi vào hoảng loạn. Xu hướng này cho thấy số lượng FO sẽ tiếp tục tăng tại châu Á. Đặc biệt, với số tiền lên tới 2.000 tỷ USD thừa kế trong 15 năm tới, mô hình FO được dự báo là đang bước vào “Thời đại hoàng kim”.

(Theo DoanhnhanPlus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

LAM HỒNG