KTS. Nguyễn Ngọc Dũng: "Thành phố thông minh" cần văn minh và tiện ích
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 07:00, 09/01/2019
Ảnh minh họa. Nguồn: Shutterstock |
Trò chuyện với Doanh Nhân Sài Gòn, KTS. Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty V. Arichi, luôn tâm huyết về "Sài Gòn - TP.HCM xưa và nay", đã chia sẻ "những khúc quanh" quy hoạch mà TP.HCM đang trăn trở.
* TP.HCM hiện đang dần trở thành một thành phố cao ốc. Là kiến trúc sư tha thiết gắn bó với "hồn xưa" của đô thị, anh nghĩ gì về "tốc độ cao ốc" này?
- Trung tâm Sài Gòn - TP.HCM thời Pháp thuộc, 320 năm trước, được quy hoạch ô bàn cờ với những trục cảnh quan, công viên, sở thú. Những điểm nhấn công cộng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP, Nhà hát lớn, chợ Bến Thành, trụ sở UBNDTP... với tỷ lệ vàng về chiều cao, mật độ cây xanh và đường sá. Theo thống kê, hiện có khoảng 181 cao ốc đang mọc lên ở khu này và hàng loạt dự án đang, sẽ tiếp tục triển khai.
Như dự án SJC Tower, cao 58 tầng với diện tích khu đất 4.000 m2, chiếm 4 mặt đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực; dự án Sài Gòn Center (gần chợ Bến Thành) giai đoạn 2 vừa được chủ đầu tư Tập đoàn Keppel Land - Singapore làm lễ khởi công, cao 45 tầng với 200 căn hộ...
Với diện tích khiêm tốn vài trăm hecta, có từ thời Pháp thuộc, trung tâm Sài Gòn xưa được quy hoạch thành khu trung tâm hành chính và công cộng; nay nó đang được nén chặt thành căn hộ cao cấp, khách sạn, văn phòng, khu phức hợp, siêu thị với những mảng bê tông khô khốc, vô hồn. Xây dựng cao ốc gắn với kinh doanh, phục vụ phát triển là điều tất yếu của các thành phố trong tương lai. Nhưng phải được quy hoạch với hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh.
* Sài Gòn - TP.HCM đang tiến tới "thành phố thông minh" với những cảm biến điện tử thay thế giác quan con người từ việc quản lý hệ thống đèn đường đến giám sát ô nhiễm không khí. Theo anh, cái hồn "Sài Gòn xưa" sẽ nằm ở đâu?
- TP.HCM đi theo hướng nào cho thế kỷ 21, xây dựng "thành phố thông minh" ra sao trong bối cảnh thay đổi từ kỹ thuật, vật liệu, cho đến môi trường, sinh thái? Đó là một câu hỏi lớn, bởi trào lưu, thị hiếu sẽ thay đổi theo các chuẩn mực của kỹ thuật mới.
Washington, Denver, Los Angerles của Mỹ đang đối mặt trước nạn khan hiếm nhiên liệu với nhà cửa trải rộng ra hàng trăm cây số, mọi sinh hoạt đều phải có dầu mỏ. Hay các cao ốc ở Thượng Hải, Hong Kong, Singapore đang khủng hoảng với nhiên liệu, khủng bố và "lập trình con kiến". Con kiến bò ra khỏi hang, bò vào tàu điện ngầm, bò lên cao ốc làm việc cả đêm lẫn ngày?
Thế kỷ XX xây dựng quá mức và cũng tàn phá môi trường quá mức, dẫn đến cách mạng tin học và sinh thái. Thế kỷ XXI đang trở về khuynh hướng sửa sai cho thế kỷ trước với các kiến trúc; thành phố thân thiện hơn nhờ những phát minh mới, những vật liệu mới: chất dẻo tổng hợp thay thế cho gỗ, kim loại, thậm chí thay cho gạch đá; kỹ thuật laser, phóng xạ, cáp quang thay thế những trụ điện, dây dẫn đan xen trong thành phố...
Mạng vi tính và công nghệ thông tin phát triển làm thay đổi cơ bản về quản lý đô thị; người ta có thể ngồi một nơi điều khiển được cả hệ thống giao thông, hệ thống năng lượng, hệ thống tài chính, hệ thống an ninh xã hội...
TP.HCM đang hướng đến mục tiêu "thành phố thông minh" với nhiều ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý xã hội. Tôi chỉ mong trước mắt chính quyền TP nên quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân hơn nữa để mọi người được hưởng sự "thông minh" đó trong cuộc sống.
Bởi hiện giờ, người dân TP đang đối mặt với những khó khăn về công ăn việc làm, học tập, ngập nước, không khí ô nhiễm, thiếu mảng xanh, bờ sông bị rào giậu bởi các dự án bất động sản chiếm làm của riêng.... Tôi mong TP điều chỉnh quy hoạch vùng đô thị TP. HCM, khoanh vùng bảo vệ Sài Gòn xưa, xây dựng mới các thành phố vệ tinh để đón nhận các công nghệ mới, để đô thị tiếp nối đô thị cả không gian và thời gian...
Minh họa: KTS. Nguyễn Ngọc Dũng |
* Có ý kiến cho rằng, TP.HCM đang dần trở thành một Hong Kong với hằng hà chung cư và những tòa nhà chọc trời. Liệu TP.HCM với gần 13 triệu dân có thể "thay da đổi thịt" một cách êm ái qua "ca phẫu thuật" này không?
- Sau Thế chiến II, một số nước đối mặt với làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị, tìm kiếm công ăn việc làm như Paris, London, Tokyo, Seoul - có nơi dân số tăng từ 30 triệu đến 40 triệu người. Các nước khác quanh ta cũng vậy, như Manila, Bangkok, Jakarta... dân số tăng lên một cách chóng mặt. Hong Kong, Singapore đất hẹp người đông, họ xây chung cư - cao ốc được nghiên cứu kỹ để kết nối giao thông công cộng, giao thoa với cộng đồng, các tiện ích xã hội...
TP.HCM tương lai cũng nên như vậy, đó là xu hướng tất yếu, nhưng cần học hỏi các nước đi trước để không va vấp. Cách đây 30 năm, khi Nhà nước chủ trương mở cửa, tôi đã đề xuất chuyện làm như các nước lân cận để tránh cho TP.HCM phải đối mặt với nguy cơ kẹt xe, ngập nước, hạ tầng quá tải và di sản bị chèn ép. Chỉ tiếc rằng TP lúc đó chưa quan tâm. Bây giờ mỗi khu đất trống, nhà xưởng trống đều được "hô biến" thành cao ốc - những cao ốc chung cư bao vây sân bay, bến cảng."Ca phẫu thuật" này quả quá khó khăn khi được thực hiện trong tình thế "lực bất tòng tâm".
* Với tốc độ phát triển hiện nay của TP.HCM về xây dựng lẫn dân số, theo anh, giải pháp quy hoạch nào là tốt nhất cho các vùng được gọi là "đô thị vệ tinh"?
- Chỉ 20 năm sau này, TP đã phát triển gấp 3 lần so với 300 năm trước. Đất lành chim đậu, người dân mọi miền đến Sài Gòn sinh sống, định cư, dân số tăng nhanh... đặt TP trước sự lựa chọn quy hoạch như thế nào để đáp ứng nhu cầu thực tại. Đó là thách thức không nhỏ cho chiến lược phát triển thành phố trong tương lai, những tiêu chí phát triển bền vững.
Vì sức hút của TP đối với người dân cả nước, dân số sẽ tăng nhanh tronxg vài thập kỷ tới, TP có thể lập kịch bản xây dựng thêm khoảng 16 đô thị vệ tinh mới với quy mô 300.000 dân cho một đô thị. Những đô thị này có thể là đô thị của đại học, nghiên cứu; đô thị của công nghiệp nặng, cảng biển; đô thị của những người sản xuất phần mềm; đô thị của trung tâm tài chính quốc tế; đô thị của ngành sản xuất may mặc, da giày..
Các đô thị chuyên đề này với các chính sách thu hút đi kèm sẽ tạo ra sự năng động và thu hút dân cư các ngành nghề. Những đô thị này với trung tâm là TP.HCM, với các tỉnh bao quanh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu... sẽ chia sẻ công việc và dân cư, phân công ngành nghề và nhất là không để TP.HCM phát triển lan tỏa khó kiểm soát, gây ra các hệ lụy đi kèm.
Minh họa: KTS. Nguyễn Ngọc Dũng |
* Được biết, bộ sách "Lang thang phố thị" (3 tập) của anh bàn về vấn đề quy hoạch kiến trúc TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long được nhiều người yêu thích, đã đạt giải kiến trúc TP.HCM lẫn quốc gia. Anh có nghĩ những tác phẩm của mình sẽ đồng hành cùng mọi người trong mong muốn quy hoạch TP.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng văn minh, hiện đại, tiện ích hơn không?
- Sách của tôi là những nghiên cứu, lập luận, phân tích về đô thị, xã hội, con người và cả kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tôi chỉ nêu ý kiến của người làm chuyên môn, được đi nhiều, tiếp cận nhiều vấn đề đô thị.
Tôi hy vọng mọi người đọc sách của tôi, đồng hành cùng tôi để cùng nhau hướng đến việc gìn giữ, xây dựng các đô thị Việt Nam ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn và có bản sắc hơn.
* Việc duy trì hoạt động một công ty với người nghệ sĩ "lang thang phố thị” như anh ắt gặp nhiều khó khăn. Và trong những khó khăn đó, có "rào cản" nào không, thưa anh?
- Kiến trúc sư, nhà văn, họa sĩ gần giống nhau về cách hành nghề, sao cho hàng ngàn chi tiết, chất liệu, màu sắc hòa quyện vào một tác phẩm đơn giản, nhẹ nhàng, súc tích. Bởi thế, tôi cố gắng gắn kết các nghề này lại trong những cuốn sách mình viết. "Công ty V.Archi" nói cho vui thôi, tôi nghĩ cơ sở của tôi là một văn phòng kiến trúc thì đúng hơn.
Bởi Bộ Xây dựng ra hàng loạt các giấy phép con, thông tư, nghị định ràng buộc nên bất đắc dĩ phải gọi là công ty. Trước đây, tôi nhận thiết kế đủ thứ liên quan đến nghề vẽ như quy hoạch, cao ốc, đô thị... và hằng ngày ra vô không biết bao nhiêu cửa để xin cấp phép. Bây giờ chỉ thiết kế ý tưởng concept, idea cho khách hàng và thời gian còn lại dành cho các nghề khác tôi thích, đó là viết và vẽ.
* Ước nguyện về công việc của anh trong năm mới 2019?
- Chỉ mong bình an và ra mắt sách mới Sài Gòn trăm bước- cuốn sách tôi viết về quy hoạch TP.HCM với tất cả tâm huyết. Tôi mong mọi người chấp nhận Sài Gòn trăm bước với tinh thần vì một Sài Gòn - TP.HCM đầy ắp hồn xưa, mà văn minh hiện đại. Và hy vọng sẽ có thêm cuốn sách viết về Huế.
* Xin cảm ơn anh về cuộc chuyện trò lý thú.