CPTPP - cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đột phá tư duy kinh doanh

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:32, 18/01/2019

CPTPP là cơ hội giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đột phá thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
CPTPP - cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đột phá tư duy kinh doanh

Ảnh minh họa. Nguồn: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do Báo DNSG tổ chức

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP) bắt đầu có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

CPTPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, không chỉ đề cập đến các lĩnh vực truyền thống mà còn bao gồm cả những cam kết về những vấn đề mới, phi truyền thống, như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước với các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Doanh nghiệp là chủ thể thực hiện CPTPP. Chính vì vậy, hiệu lực CPTPP sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp Việt Nam. Đó vừa là cơ hội và cũng vừa là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các cam kết CPTPP liên quan tới mình để đánh giá các cơ hội cũng như thách thức để xây dựng kế hoạch ứng phó và tận dụng thời cơ.

Thách thức nguồn nhân lực và năng suất lao động

Nguồn nhân lực Việt Nam chưa được đào tạo đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu, trong khi năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trong CPTPP và cả ASEAN. Đây là một thách thức lớn khi Việt Nam tham gia CPTPP.

Để nắm bắt cơ hội khi tham gia Hiệp định CPTPP, theo giới chuyên gia, các chủ thể kinh doanh cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, "sống chung với cạnh tranh", lấy sức ép về cạnh tranh làm động lực, tìm và thực hiện các giải pháp, biện pháp hữu hiệu để đổi mới và phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu những lĩnh vực hoạt động mới để đầu tư và khởi nghiệp, nhất là trong bối cảnh khởi nghiệp đang là xu thế phát triển mạnh trên toàn cầu.

Link bài viết

Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững, hiểu và tuân theo các quy định về quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa nguồn gốc, nguồn nguyên liệu, liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt lưu ý bảo đảm hàng xuất khẩu của mình an toàn thâm nhập thị trường các nước thành viên hiệp định thương mại tự do, không để xảy ra tình trạng hàng đến nước nhập khẩu bị trả lại hoặc bị tiêu hủy.

Hiện nay, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và năng lực đào tạo nguồn của các cơ sở đào tạo vẫn còn nhiều bất cập.

Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt đối với các nhãn và thương hiệu nổi tiếng.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Các đơn vị cần cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, đảm bảo quyền bình đẳng của doanh nghiệp trước pháp luật.

Công bằng và minh bạch hơn trong mua sắm công

Công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử trong mua sắm công là một trong những nội dung cam kết mạnh mẽ trong CPTPP.

Tham gia CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam về một thị trường kinh doanh rộng lớn.

Theo quy định tại Chương 15 mua sắm chính phủ, các quy tắc, quy trình lựa chọn nhà thầu ở mức độ, yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. CPTPP đưa ra các nguyên tắc cơ bản nhất của mua sắm chính phủ là không phân biệt đối xử, không được sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa, nhà thầu trong nước cũng như bất kỳ biện pháp nào để gia tăng hàm lượng nội địa hoặc đưa ra các yêu cầu về chuyển giao công nghệ.

Theo đó, các nhà thầu Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia lựa chọn nhà thầu tại các quốc gia nội khối. Thị trường sẽ rộng mở với quy mô 10 quốc gia khác tại 3 châu lục, thay vì chỉ bó hẹp ở Việt Nam. Danh sách 11 thành viên CPTPP có nhiều quốc gia có trình độ phát triển cao như: Nhật Bản, Canada... Đây là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam học hỏi, nâng cao sức cạnh tranh.

Hơn nữa, với những nguyên tắc đưa ra, CPTPP sẽ có một luật chơi công bằng. Ngược lại, với các cơ quan mua sắm chính phủ sẽ có thêm cơ hội lựa chọn nhà cung cấp để mua được hàng hóa với chất lượng tốt hơn và giá cả hợp lý. Khi tham gia CPTPP thì với những gói thầu trong quy định mở cửa với các nước tham gia ký kết Hiệp định thì thông tin về đấu thầu sẽ được công khai rộng hơn trong phạm vi quốc tế.

Do vậy, trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, CPTPP tạo ra thách thức lớn nhất nằm ở sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, thiết bị, cạnh tranh giữa các nhà thầu tham gia đấu thầu của mọi quốc gia thành viên. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh từ quốc tế.

Tác động từ CPTPP cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng nâng cao tinh minh bạch, làm cho hoạt động của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, hoạt động quản trị nhà nước sẽ được minh bạch hơn. Đây là sức ép nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện việc xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch, kiến tạo phát triển.

Trong thỏa thuận của Việt Nam vẫn còn có lộ trình thực hiện, mở cửa từ từ thị trường mua sắm chính phủ. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cũng như các nhà thầu có thời gian để chuẩn bị nâng cao năng lực tốt hơn trong cung cấp các sản phẩm hàng hóa, cũng như cạnh tranh trong quá trình đấu thầu.

Vì vậy, để tận dụng các cơ hội này, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh trung và dài hạn, chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của Nhà nước.

NGUYÊN PHONG