Hướng đến đô thị thông minh, TP.HCM khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2018
Chính sách mới - Ngày đăng : 07:00, 01/02/2019
![]() |
Hòa cùng với thời đại công nghệ số, TP.HCM đã khẩn trương triển khai Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2025. Trong đó đã hoàn thành đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin, hoàn thành dự thảo đề án thành lập Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội...
Xu hướng phát triển đô thị sáng tạo trên thế giới và hiện trạng của TP.HCM
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018 với chủ đề Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp, theo các chuyên gia, bản chất của đô thị sáng tạo là nơi có hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Việc xây dựng đô thị sáng tạo là cả lộ trình dài với những kế hoạch, sáng kiến cụ thể chứ không thể hoàn chỉnh trong thời gian cụ thể.
Thực tiễn từ các nước chỉ ra, đô thị sáng tạo luôn gắn với trường đại học, viện nghiên cứu hay trung tâm đổi mới sáng tạo do các trường đại học tham gia xây dựng và vận hành dựa trên các cụm, ngành sản xuất chuyên sâu nào đó. Trường đại học chính là nguồn cung cấp các nhà cách tân, còn doanh nhân là chủ thể của hoạt động sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp là tiềm năng.
Kinh nghiệm từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... cho thấy, nhà nước không chỉ khuyến khích mà còn tham gia trực tiếp, là cầu nối và "bà đỡ" cho hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đồng thời nhà nước cũng hưởng lợi từ sự phát triển của những chủ thể này, và quan trọng nhất là từ đó góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Thực tiễn phát triển của TP.HCM cho thấy hợp tác 4 "nhà" (nhà trường - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - người sử dụng) là mô hình hiệu quả để thúc đẩy quá trình ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các trung tâm đổi mới sáng tạo, các công viên khoa học hay khu công nghệ cao hình thành các điều kiện để tăng cường sự hợp tác của 4 chủ thể này.
Thời gian qua, TP.HCM đã đẩy mạnh sự hợp tác của 4 "nhà", trong đó có cả các nguồn lực từ xã hội và nguồn lực từ bên ngoài. Mục tiêu của hợp tác này hướng tới tạo dựng sự kết nối giữa "phần cứng" chính là cấu trúc đô thị và "phần mềm" là sự tương tác giữa các bên liên quan trong đô thị thông qua các chương trình hợp tác công tư (PPP). Trong đó "phần mềm" có vai trò chủ yếu, quyết định.
Khả năng tiệm cận đô thị sáng tạo của TP.HCM
Hiện nay, vốn và lao động đã không còn là lợi thế cạnh tranh đủ lớn của nền kinh tế TP.HCM. Sự bùng nổ về nhân khẩu, công nghệ, toàn cầu hóa, cùng các mối đe dọa về môi trường và tăng trưởng bền vững đang là những thách thức ngày càng lớn đối với các thành phố trên thế giới, trong đó có TP.HCM.
Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (Hochiminh City Economic Forum 2018 - HEF-2018) do UBND phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức giữa tháng 11/2018 với sự tham gia của hơn 800 học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và quốc tế. Đây sẽ là hoạt động thường niên mang tính phản biện và phối hợp thực hiện chính sách của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và chính quyền Thành phố.
Các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2018 đánh giá, mức độ phát triển hiện tại hướng đến định hướng đô thị thông minh là vấn đề còn khá mới và nhiều thách thức ở TP.HCM.
Để đánh giá một đô thị được cho là đô thị thông minh, các nghiên cứu đưa ra 6 nhóm trụ cột, gồm (1) Quản trị thông minh. (2) Nền kinh tế thông minh, (3) Giao thông thông minh, (4) Môi trường thông minh, (5) Con người thông minh, (6) Cuộc sống thông minh.
Trong vùng Đông Nam bộ, TP.HCM là đô thị trung tâm, chiếm ưu thế lớn nhất trong hầu hết các yếu tố đánh giá chỉ số của 6 trụ cột tiệm cận đô thị thông minh trên, tuy nhiên so với các đô thị thông minh khác ở châu Á, lộ trình phát triển đô thị thông minh của TP.HCM còn nhiều mặt hạn chế, như quá trình triển khai chính sách hay dự án chậm hơn, tính hiệu quả của các chính sách hay công trình xây dựng chưa tương xứng như kỳ vọng, và nguồn đầu tư về tài chính và nhân lực còn hạn hẹp.
Gần đây, theo Tổng điều tra kinh tế TP.HCM 2017, mặc dù số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 97,8%). Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ thường phải đối mặt với những điểm yếu, như thiếu kỹ năng quản lý, thiếu nhân lực chuyên môn và kỹ thuật, thiếu công nghệ hiện đại, cách thức hoạt động lỗi thời và khả năng có hạn trong việc tận dụng lợi thế của kinh tế vĩ mô.
Những điểm yếu này khiến hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp không thể diễn ra với cường độ và mật độ cao theo bản chất của một đô thị sáng tạo. Nếu không sớm khắc phục những điểm yếu này thì doanh nghiệp TP.HCM sẽ mất khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thế giới nhiều biến động phức tạp.
Vai trò của doanh nghiệp mạnh
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM, các chuyên gia cho rằng, lãnh đạo TP.HCM cần có tầm nhìn chung để tạo ra những doanh nghiệp mạnh, không chỉ thành công trên thương trường mà còn nâng cao được khả năng cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế của Thành phố.
Các doanh nghiệp có thể cung cấp nguồn doanh nhân sáng tạo thông qua quan hệ đối tác chiến lược với các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ngoài, sản xuất và chuyển giao các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và dịch vụ chuyên nghiệp cho khu vực và trên thế giới.
Chính quyền TP.HCM cần tạo ra môi trường kinh doanh khuyến khích, tôn vinh và phát huy được tinh thần doanh nhân sáng tạo, những chính sách, cách hành xử của công chức làm cản trở tăng trưởng của doanh nghiệp được loại bỏ. Các doanh nghiệp trong môi trường đó sẽ sản xuất sản phẩm và dịch vụ sáng tạo bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến và kỹ thuật số, phát triển và sử dụng thương hiệu để tăng thành phần tri thức trong sản phẩm và có kênh tiếp thị và phân phối cao cấp.
Các chuyên gia còn khuyến nghị 6 cách tiếp cận có tính chiến lược mà chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM cần hợp tác thực hiện.
- Thứ nhất là phát triển doanh nhân và nhân viên có tay nghề cao (phát triển tài năng, tinh thần doanh nhân và trung tâm ươm tạo).
- Hai là quản lý một cách có hệ thống, chặt chẽ, áp dụng các sáng kiến, đổi mới sáng tạo nhằm hướng đến việc nâng cao năng suất lao động.
- Ba là sử dụng và khai thác công nghệ cao.
- Bốn là thiết kế mô hình kinh doanh mới và mô hình kinh doanh sáng tạo vì sự bền vững.
- Năm là tạo môi trường doanh nghiệp chuyên nghiệp.
- Sáu là tạo điều kiện cho các đối tác hợp tác và liên minh chiến lược.