Cảm hứng mùa xuân trong hội họa
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 13/02/2019
"Đêm trừ tịch" – Võ Nam (tranh sơn mài) |
Trong sự chuyển dịch không ngừng của thời gian, mùa nào trong năm cũng có thể trở thành đối tượng sáng tác của người họa sĩ. Tuy nhiên, vượt lên trên 3 mùa khác, mùa xuân dường như tạo được cảm hứng đặc biệt, khơi được nguồn sáng tạo mạnh mẽ hơn đối với các họa sĩ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.
Họ vẽ phong cảnh của mùa đẹp nhất trong năm, vẽ ngàn hoa đang đua nở trên cành, vẽ lộc non chồi biếc vừa nhú ra trên những thân cây sau những ngày đông giá rét, vẽ con người và cả muông thú đang rạo rực với tiết xuân…
Có thể thấy rõ điều đó ở các tác giả thuộc trào lưu ấn tượng, mà một trong những điều tạo hứng khởi cho họ sáng tác là không gian, bởi các họa sĩ theo trào lưu này chủ yếu vẽ ngoài trời. Không khí ấm áp của mùa xuân sau một mùa đông dai dẳng ngập tràn tuyết trắng, những hoa cỏ tưng bừng khoe sắc trong nắng đóng vai trò chủ đạo trong tranh ấn tượng và luôn khuyến khích người nghệ sĩ dấn thân vào cuộc phiêu lưu sắc màu.
Họ rời ngôi nhà, xưởng vẽ và lên đường với dụng cụ vẽ và những hộp màu. Cả trần gian tươi đẹp đang chờ họ ngoài kia: những cánh đồng hoa dại đang tưng bừng nở, những vườn đào rộ bông, những đôi nam thanh nữ tú đang tay trong tay dạo bước…
Trong số các họa sĩ ấn tượng Pháp thì Alfred Sisley, Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Camille Pissarro, Frederic Bazille là những người rất ưa thích vẽ phong cảnh mùa xuân. Bức Cánh đồng nhỏ vào xuân của Sisley với một bảng màu nhẹ nhàng và đáng yêu thể hiện phong cách tạo hình của tác giả – người đã có ảnh hưởng đối với cả Monet về cách vẽ phong cảnh ngoài trời.
Cánh đồng nhỏ vào xuân – Alfred Sisley |
Nhưng không ai vẽ nhiều tranh mùa xuân như Monet. Ông miệt mài với cảnh sắc mùa xuân đến độ bất kỳ góc nhỏ nào của ngôi nhà và khu vườn đáng yêu của gia đình ông tại Giverny cũng đi vào tranh. Rồi cả cuộc sống rộng lớn, mênh mông xung quanh đều được ông dùng cọ và màu để thể hiện.
Mùa xuân ở Giverny – Claude Monet |
Camille Pissarro lại hứng thú với không gian mùa xuân của đại lộ Montmartre ở Paris. Ở đó, ông đã tạo nên những Montmartre bất tử với những hàng cây đã xanh lá và đám đông dạo chơi trong tiết trời ấm áp…
Ngay với Vincent van Gogh, dù cuộc đời với ông bi thương là vậy nhưng ông không thể cầm lòng trước cảnh sắc mùa xuân. Không chỉ có bức Mùa xuân bên sông, những bức vẽ hoa của ông cũng tràn ngập tình yêu và hy vọng vào sự cứu rỗi khi mùa xuân đến.
Mùa xuân – Sandro Botticelli |
Mùa xuân cũng đồng nghĩa với niềm vui, hạnh phúc, hy vọng và nhất là tình yêu, nên vẽ mùa xuân cũng chính là vẽ tình yêu, vẽ lứa đôi đang yêu. Trong tác phẩm Mùa xuân của Sandro Botticelli – nhà danh họa thời Phục hưng, thần Ái tình đang giương cung ngắm bắn mũi tên tình yêu vào một chàng trai trong khi cô gái đang được thần Gió đẩy tới với nàng xuân để ngả vào vòng tay tình yêu… Mùa xuân của Botticelli cũng chính là địa đàng tình yêu, khi lứa đôi không còn sợ ăn trái cấm vì đã có Adam và Eva chịu tội ngàn đời.
Cũng vậy, Mùa xuân – tranh của Pierre Auguste Cot (họa sĩ Pháp thế kỷ XIX, theo khuynh hướng cổ điển) là một khúc ca lộng lẫy của tình yêu với đôi lứa trong cảnh sắc của thiên thai.
Mùa xuân – Pierre Auguste Cot |
Mùa xuân – Giuceppe Arcimboldo |
Còn với Giuceppe Arcimboldo – họa sĩ Ý thế kỷ XVI chuyên vẽ những chân dung kết bằng hoa trái thì bức Mùa xuân của ông quả là một biểu tượng của cái đẹp vĩnh cửu.
Trong số các bức tranh vẽ mùa xuân của các tác giả Việt Nam, có lẽ tác phẩm Vườn xuân Trung – Nam – Bắc của Nguyễn Gia Trí là hoành tráng và tiêu biểu nhất, đặc biệt nhất vì là một bức tranh với chất liệu sơn mài truyền thống.
Múa cổ – Nguyễn Tư Nghiêm |
Đào tết Nhật Tân – Phạm Luận |
Loạt tranh Múa cổ của Nguyễn Tư Nghiêm cũng tràn ngập không khí lễ hội mùa xuân đất Bắc.
Cũng phải kể đến Lê Phổ với hàng trăm bức vẽ hoa xuân. Rồi hoa xuân của Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân…
Riêng với Phạm Luận thì không thể thiếu cảnh sắc Hà Nội vào xuân.