Doanh nghiệp ngành in loay hoay tìm đường xuất khẩu

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 04:43, 26/09/2019

Thị trường in ấn phẩm, sách báo những năm gần đây tụt giảm nhanh, các doanh nghiệp (DN) ngành in đang tìm hướng  thay đổi phân khúc thị trường, nâng cao năng lực, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng xuất khẩu. Tuy nhiên, để đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng quốc tế và  giải quyết bài toán khó, các DN không chỉ thay đổi thay đổi máy móc, thiết bị mà phải thay đổi cả cách quản lý, kỹ năng ...
Doanh nghiệp ngành in loay hoay tìm đường xuất khẩu

Tại tọa đàm “Giải pháp kết nối, mở rộng thị trường hoạt động in gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Minh Trung - Giám đốc Công ty CP In số 7 khẳng định: “Trước làn sóng công nghệ, thói quen người dùng thay đổi, kéo theo ngành in ấn cũng gặp khó khăn và tụt giảm nhanh, vì vậy, việc  DN đầu tư thiết bi, chuyển hướng sang chuỗi cung ứng xuất khẩu là hướng đi đúng".

batomychaubenphaitonggiamoccon-2729-3187

Các doanh nghiệp ngành in tham gia Tọa đàm tìm giải pháp cho ngành in phát triển

Tuy nhiên, theo ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in TP. HCM: “Để đáp ứng yêu cầu của xuất khẩu, ngoài chất lượng sản phẩm, các DN còn phải  đáp ứng các chứng chỉ như GMI và các nguyên tắc đang áp dụng tại các nước. Đây chính là những trở lực mà nhiều DN Việt đang gặp phải trong tiến trình hội nhập”.

Ông Nguyễn Xuân Tùng - CEO Công ty Bao bì Inbox cho biết, hiện các DN trong nước vẫn còn khá lúng túng trước các thủ tục cũng như gặp nhiều khó khăn trong các kế hoạch đổi mới để đạt được các chứng chỉ, cam kết về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Do đó, vẫn còn khá ít các DN có thể đáp ứng tiêu chí môi trường theo đúng chuẩn quốc tế hiện nay. Bên cạnh đó, phần lớn các trang thiết bị hiện nay của DN ngành in phải nhập khẩu nên chi phí không nhỏ.

Về nguyên liệu, các DN ngành in trong nước hiện phải sử dụng nguyên liệu nhập (từ các công ty nhập liệu hoặc tự nhập khẩu) nhưng dùng để sản xuất những sản phẩm chất lượng thấp - trung bình như thùng carton... do đó tính cạnh tranh quốc tế là còn kém. Vì vậy,  rất cần ngành công nghiệp phụ trợ (như sản xuất giấy) có nhiều sản phẩm hơn nữa để nắm bắt nhu cầu sản xuất của ngành in, hạn chế việc nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có các đối thủ trực tiếp của ngành in Việt Nam trong khu vực như trung Quốc.

Link bài viết

Để tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước nới lỏng niên hạn cho máy móc, thiết bị ngành in, nhất các trang thiết bị đến từ các nước thành viên G7 (gồm Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Ý, Canada) bởi giá thành tuy đắt nhưng chất lượng rất tốt, bền. Ngoài ra, còn có ý kiến nên chăng Nhà nước có chế độ trợ giá cho các sản phẩm ngành in.

Đứng trước khó khăn, nhiều DN cũng đã chia sẻ cách thay đổi và hội nhập hiệu quả. Kể câu chuyện thất bại, ông Trung chia sẻ: Không phải cứ đầu tư thiết bị, ứng dụng công nghệ mới  là có thể  đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu. Hơn 10 năm trước, khi  một công ty từ Singapore đã tìm đến Công ty In 7  đặt hàng in xuất khẩu, lúc đó, công ty rất tự tin với  máy móc, thiết bị  tốt sẽ giải quyết được yêu cầu cho đối tác. Thế nhưng, công ty đã thất bại bởi  không tìm hiểu kỹ  các yêu cầu của khách hàng”.

Đồng quan điểm, bà Tô Mỹ Châu - Giám đốc điều hành Công ty CP Paper (Phùng Vĩnh Hưng cũ) cũng cho rằng: “Trước khi bắt tay với đối tác, việc đầu tiên DN cần làm là phải hiểu khách hàng, phải đánh giá được mục tiêu, tầm nhìn của đối tác và biến mục tiêu đó thành mục tiêu chính công ty và đội ngũ của mình.Ví dụ, CP Paper là đối tác chiến lược của Tập đoàn Avery Dennison - một tập đoàn Mỹ và đối tác lớn của Avery Dennison là Adidas và Nike. Vì vậy, Avery Dennison mặc định họ phải là đơn vị hiểu và đáp ứng được yêu cầu của Adidas và Nike là làm sao để giảm được thời gian từ lúc bắt đầu và hoàn thành một quá trình sản xuất mới, từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về, mọi quy trình phải được thực hiện ít thời gian nhất trong khi vẫn đảm bảo chất lượng công việc.

Nhận thấy tầm nhìn của đối tác, dù Avery Dennison chưa yêu cầu nhưng CP Paper đã “tự giác” học hỏi, chủ động đưa ra các giải pháp, chỉnh lại năng lực sản xuất và lên kế hoạch sản xuất rút ngắn được thời gian sản xuất tốt nhất nhằm đáp ứng sự kỳ vọng “ngầm” này từ Avery Dennison. Do đó, CP Paper đã giảm thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về là từ 60 xuống 45 ngày.

Bên cạnh việc hiểu khách hàng hiện tại, DN cũng cần  dự đoán các yêu cầu đặt ra của  khách hàng tiềm năng để hoạch định tầm nhìn dài hạn. Đơn cử việc  đáp ứng các chứng chỉ, nhiều DN hiện nay vẫn đang trong tình trạng “nước tới chân mới nhảy" , khi thấy khách hàng hay thị trường yêu cầu  chứng chỉ nào đó thì  mới chạy đi làm. Thay vì nên nhìn rộng và xa hơn vào xu hướng thị trường để đón đầu sẽ có những bước chuẩn bị tốt hơn và sự cạnh tranh tốt hơn về lâu dài.  Đơn cử cách đây năm, khi  thị trường chưa có nhu cầu về giấy có chứng nhận FSC thì CP Paper là DN giấy đầu tiên có chứng nhận FSC - CoC. Hiện tại, đây chính là chứng chỉ cần thiết để sản phẩm được xuất đi nước ngoài hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đây chính là lợi thế của CP Paper.

Cũng tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng, việc đồng hành liên ngành (ngành in, ngành giấy) và nội bộ từng ngành (giữa các DN cùng ngành với nhau) cũng là yếu tố quan trọng để các DN ra biển lớn thành công. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Lữ Ý Nhi