Dấu ấn từ những con số

Trong nước - Ngày đăng : 00:00, 18/10/2019

Những con số được công bố trong tuần qua cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn phức tạp, các cơ chế chính sách phát triển kinh tế trong nước vẫn tiếp tục hoàn thiện, dòng tiền vẫn tiếp tục thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Dấu ấn từ những con số

1.000 doanh nghiệp (DN) nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam vừa được Tổng cục Thuế công khai tuần qua (V1.000 năm 2018). Theo Tổng cục Thuế, mức nộp thuế TNDN là tổng số tiền thuế TNDN mà DN đã nộp ngân sách nhà nước trong năm 2018, không đưa vào danh sách các DN thực hiện nộp chủ yếu cho số nợ thuế TNDN của các năm trước. Tiêu chí trên được Tổng cục Thuế xác định thống nhất kể từ năm 2016 đến nay, và đây là năm thứ ba liên tiếp Tổng cục Thuế công khai danh sách 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất trong năm. Danh sách xếp hạng V1.000 được Tổng cục Thuế xác định trên cơ sở mức nộp thuế TNDN vào ngân sách nhà nước của DN hằng năm, không xem xét đến tính tuân thủ pháp luật thuế.

Link bài viết

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thuế TNDN đã nộp của các DN trong danh sách V1.000 năm 2018 chiếm 60,3% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN; tăng 8,3% so với tổng số thuế TNDN đã nộp của các DN thuộc danh sách V1.000 năm 2017. Sự tăng trưởng này rất đáng mừng trong nỗ lực của Chính phủ, các DN đang vượt qua nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu so sánh con số 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất (chiếm đến 60,3% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN) với con số hơn 700.000 DN đang hoạt động cho thấy, chiều ngược lại, hoạt động của các DN (hầu hết DN vừa và nhỏ) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, phải giảm quy mô hoặc chật vật để duy trì hoạt động, do không thích ứng được với những biến động của thị trường hoặc do cạnh tranh trở nên gay gắt hơn.

Theo Tổng cục Thuế, 1.000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất trong năm 2018 có trụ sở chính tập trung chủ yếu tại các tỉnh/thành phố lớn như TP.HCM (số nộp thuế TNDN chiếm 34,1% so với tổng số nộp của V1.000 năm 2018); TP. Hà Nội (số nộp thuế TNDN chiếm 34,7% so với tổng số nộp của V1.000 năm 2018); Bình Dương (số nộp thuế TNDN chiếm 3,9% so với tổng số nộp của V1.000 năm 2018); Đồng Nai (số nộp thuế TNDN chiếm 4,9% so với tổng số nộp của V1.000 năm 2018).

Đặc biệt, các DN thuộc danh sách V1.000 năm 2018 chủ yếu là DN thuộc khu vực ngoài quốc doanh với tổng số nộp thuế TNDN năm 2018 chiếm 66,4% so với tổng số nộp của V1.000 năm 2018; các DN thuộc khu vực nhà nước với tổng số nộp thuế TNDN năm 2018 chiếm 24,6% so với tổng số nộp của V1.000 năm 2018. Điều này cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh, trở thành một động lực quan trọng, giúp cho Đảng và Nhà nước có cái nhìn phù hợp, đúng đắn hơn để có chủ trương chính sách, tạo cơ hội cho các DN tư nhân tiếp tục phát triển,

Anh-trang-6-Viettel-5099-1571355896.jpg

Đứng đầu danh sách V1.000 năm 2018 là Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel. Xếp thứ hai là Công ty Honda Việt Nam. Tổng công ty Khí Việt Nam, Ngân hàng Vietcombank, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam giữ vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm. Xếp lần lượt tiếp theo trong Top 10 là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (thứ sáu), Ngân hàng Techcombank (thứ bảy), Công ty CP Sữa Việt Nam (thứ tám), Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken (thứ chín), Ngân hàng BIDV (thứ mười). Đáng chú ý, 4 cái tên dẫn đầu trong danh sách V1.000 năm 2018 được giữ nguyên so với năm 2017, lần lượt là Viettel, Honda Việt Nam, PVGas và Vietcombank.

Một điểm đặc biệt là các ngân hàng “phủ sóng” những vị trí cao nhất trong danh sách V1.000. Trong Top 10 có sự xuất hiện của ba ngân hàng là Vietcombank, Techcombank và BIDV lần lượt giữ ba vị trí 4, 7, 10. Còn thống kê ở Top 100, có tới 20 ngân hàng được ghi nhận, trong đó có 16 ngân hàng trong nước, 4 ngân hàng nước ngoài.

Qua ba năm thực hiện công khai V1.000 (2016-2018), căn cứ kết quả rà soát, tổng hợp của Tổng cục Thuế, có 555 doanh nghiệp có ba năm liên tiếp thuộc danh sách V1.000 của năm 2018, 2017 và 2016. Trong đó, chủ yếu là các DN có trụ sở chính tại các tỉnh/thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.

3,8 tỷ USD là lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ước đạt trong 9 tháng đầu năm của năm 2019, thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận, chi trả ngoại tệ... tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, cả năm kiều hối đạt khoảng 5 tỷ USD. Thông tin tại hội nghị “Doanh nhân kiều bào đồng hành với doanh nghiệp TP.HCM” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức tuần qua, cho biết cộng đồng DN kiều bào và DN TP.HCM đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển của TP.HCM. Nguồn lực của các doanh nhân, DN kiều bào không chỉ là lượng kiều hối, mà còn là mạng lưới thông tin hỗ trợ các DN trong nước đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, những năm gần đây, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng bình quân 8-10% mỗi năm. Qua đó cho thấy, nguồn kiều hối đầu tư của kiều bào tiếp tục là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế ở TP.HCM. Lượng kiều hối về TP.HCM chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh, thay vì để đầu tư bất động sản, chứng khoán và gửi tiết kiệm. Nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào đã có những đóng góp quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, là cầu nối cho các nhà đầu tư nước ngoài cho du lịch và đặc biệt, trong việc quảng bá, giới thiệu văn hóa, hình ảnh, vị thế TP.HCM đến với bạn bè, du khách quốc tế.

Số lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP.HCM trong năm 2019 dự báo có sự gia tăng so với năm 2018 chủ yếu do số lượng người Việt Nam ở nước ngoài đang tăng lên, đặc biệt là lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Kinh tế Việt Nam phát triển, cơ hội đầu tư vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, thu hút kiều bào chuyển tiền về nước đầu tư, mở rộng sản xuất. Chính sách của Nhà nước theo hướng thông thoáng hơn, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước.

Quốc Minh