TP.HCM và khát vọng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Trong nước - Ngày đăng : 06:48, 18/10/2019

Ngày 18/10/2019, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2019 (HEF 2019) do UBND TP.HCM chủ trì, đơn vị thực hiện là Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm White Palace, 108 Phạm Văn Đồng, Q. Thủ Đức, TP.HCM.
TP.HCM và khát vọng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Tới dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh, thành và đông đảo đại biểu là các diễn giả, doanh nghiệp (DN), doanh nhân trong và ngoài nước. Đây là lần thứ hai TP.HCM tổ chức diễn đàn và là lần đầu tiên tập trung vào chủ đề: “Phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”.

5 yếu tố cốt lõi

Diễn đàn thảo luận các chủ đề nhằm mục tiêu cung cấp những yếu tố đầu vào giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Trên tinh thần xác định thị trường tài chính có vai trò quan trọng, huy động các nguồn lực xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (là yếu tố cốt lõi để tăng trưởng kinh tế ở hầu hết đô thị trên thế giới). Ví dụ, tại New York dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46%, London 42%, Thượng Hải 27%, Singapore 29%... trong tổng giá trị gia tăng nền kinh tế; TP.HCM với tinh thần cầu thị, tiếp nhận ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhằm triển khai các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của Thành phố một cách thông minh bền vững… 

Hinh-2-5414-1571403695.jpg

Các chuyên gia phân tích, 5 yếu tố cốt lõi của một trung tâm tài chính nhất định TP.HCM phải thực hiện đó là: môi trường kinh doanh; nguồn vốn con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính và danh tiếng của địa phương. Bên cạnh đó, TP.HCM rất cần được Chính phủ tạo cơ chế vượt trội, đưa Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đồng thời là một. 

Nỗ lực ủng hộ quyết tâm của TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới là mong muốn của Chính phủ, của các bộ ngành và người dân. Đây cũng là cơ hội "có một không hai” để hình thành một trung tâm tài chính ngang tầm khu vực, là xu hướng tất yếu, là biểu hiện của một quốc gia năng động nhằm thu hút các các tổ chức tài chính đầu tư vào Việt Nam”.

Cơ hội và thách thức 

Thực tế, TP.HCM đang đứng trước những thử thách rất lớn, đặc biệt xu thế giảm dần về quy mô thị trường tài chính (tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng của TP.HCM giảm khoảng từ 40% những năm đầu thập niên 2000 xuống khoảng 24% vào năm 2018). Nguyên nhân một phần do định chế pháp lý chưa hoàn thiện trong khi tỷ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm kéo theo động lực phát triển của TP.HCM bị giảm sút. 

Hinh-3-9316-1571403695.jpg

Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nguồn lực trầm trọng cũng khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp. Những yếu tố này cùng làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM. 

Các chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng, trở thành trung tâm tài chính là chìa khóa thúc đẩy kinh tế TP.HCM bứt phá trong thời gian tới. Với vị trí đầu tàu nền kinh tế, là trung tâm nhiều mặt của cả nước; cùng với ý chí quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền, các DN và người dân; TP.HCM có được những tiêu chí cần và đủ để thực hiện cam kết, nỗ lực xây dựng thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế với môi trường chính trị - xã hội ổn định, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các DN trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM: Quyết tâm biến khát vọng thành hiện thực

TS. Trần Du Lịch - Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ: Ý tưởng cần thiết

Ông Urs. Buchamannrs -  Phó giám đốc Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse AG (chi nhánh Hồng Kông): Năm nhân tố thành công đối với trung tâm tài chính

Nguyễn Loan