Bất ngờ thanh khoản và lãi suất ngân hàng
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 00:00, 22/10/2019
Trước tình hình nguồn vốn tại các NH dồi dào, diễn biến lãi suất trên các thị trường gần đây đã có những phản ứng nhất định. |
Bất ngờ thanh khoản
Trái với diễn biến mọi năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) trong những ngày đầu quý IV - thời điểm chuẩn bị bước vào mùa cao điểm kinh doanh, bất ngờ dồi dào hơn mong đợi. Thật ra, hiện tượng thanh khoản dư thừa đã bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối tháng 9, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tiếp hút ròng tiền trên thị trường.
Tính chung trong hai tuần cuối tháng 9 và tuần đầu tiên của tháng 10, NHNN đã hút ròng gần 88.000 tỷ đồng, thông qua việc liên tiếp tăng lượng tín phiếu phát hành. Đáng lưu ý là các phiên phát hành tín phiếu trong những ngày đầu tháng 10 tiếp tục gia tăng liều lượng nhằm hút tiền về nhanh hơn, với giá trị tín phiếu phát hành đã tăng lên 18.000 tỷ đồng/phiên, tăng 20-50% so với các phiên phát hành vào cuối tháng 9. Tính đến hết tuần đầu tháng 10, lượng tín phiếu đang lưu hành ở mức 86.997 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng giúp thanh khoản được cải thiện trong thời gian qua là việc tăng trưởng huy động vốn quý III của các NH đã vượt tăng trưởng tín dụng. Các hoạt động thương mại, đầu tư đều chứng kiến dòng vốn ngoại tệ tăng ròng, nên huy động vốn của các NH cũng được hưởng lợi.
Nhiều NH thời gian qua liên tiếp phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá cũng giúp tăng cường nguồn vốn kinh doanh bên cạnh nâng cao hệ số an toàn vốn. Trong 9 tháng đầu năm nay, các NH thương mại vẫn là tổ chức phát hành lượng trái phiếu lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 75.936 tỷ đồng. Không chỉ phát hành trái phiếu trong nước, một số NH đã tìm kiếm vốn qua phát hành trái phiếu ngoại tệ.
Thống kê cho thấy, VPBank đứng đầu các NH về khối lượng phát hành trái phiếu với 13.860 tỷ đồng từ đầu năm đến nay, trong đó có 300 triệu USD trái phiếu quốc tế với lãi suất danh nghĩa 6,25% kỳ hạn ba năm. Đây mới chỉ là một phần trong kế hoạch phát hành tối đa 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong hai năm 2019-2020 của NH này.
Kế tiếp là ACB trong tháng 9 đã phát hành thêm 2.600 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 2-3 năm với lãi suất 6,7-6,8%/năm, nâng tổng khối lượng phát hành của ACB từ đầu năm đến nay lên 10.450 tỷ đồng. VietinBank đã được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và đã phát hành thành công 4.000 tỷ và đang tiếp tục phát hành tiếp 1.000 tỷ trong tháng 10. Techcombank cũng có kế hoạch phát hành tối đa 10.000 tỷ đồng trái phiếu và đã hoàn tất phát hành 5.000 tỷ trái phiếu từ ngày 23-26/9/2019.
Lãi suất có hưởng ứng
Trước tình hình nguồn vốn tại các NH dồi dào, diễn biến lãi suất trên các thị trường gần đây đã có những phản ứng nhất định. Cụ thể, lãi suất trên thị trường 2 liên tiếp giảm sâu với lãi suất qua đêm tính đến ngày 10/10/2019 đã rớt về dưới mốc 2% khi chỉ còn 1,89%, tức giảm hơn 3% so với thời cao điểm cuối tháng 8. Các kỳ hạn 1-2 tuần cũng giảm hơn 2,5% so với cùng thời điểm.
Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên thị trường trái phiếu, khi các số liệu thống kê cho thấy lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 9 tiếp tục giảm so với tháng 8, trong bối cảnh hệ thống thừa tiền nên rót mạnh vào trái phiếu. Tỷ lệ khối lượng đặt thầu, gọi thầu trong tháng 9 lên đến 441% và tỷ lệ trúng thầu, gọi thầu cũng đạt mức cao ở 95%.
Xu hướng này được đánh giá là tích cực theo sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN vào giữa tháng 9 vừa qua. Việc lãi suất cho vay trên thị trường liên NH giảm theo lãi suất điều hành cũng giúp các NH có thể tiết giảm chi phí vốn đầu vào khi tìm kiếm vốn ở hai kênh này, trong khi lợi suất giảm trên thị trường trái phiếu giúp việc phát hành trái phiếu chính phủ thuận lợi hơn.
Dù vậy, lãi suất trên thị trường huy động từ dân cư chỉ chứng kiến mức giảm khiêm tốn ở một số NH như Techcombank, Sacombank, BIDV, trong khi vẫn có thêm NH khác tăng lãi suất. Điều này phản ánh sự phân hóa rõ rệt, khi tình trạng vốn dồi dào không phải xảy ra ở tất cả nhà băng. Dù thanh khoản nhìn chung có sự cải thiện nhưng hiện tượng thiếu vốn trung dài hạn tại một số NH vẫn chưa giải quyết được, khiến tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở các NH này vẫn ngấp nghé ở ngưỡng quy định.
Trong khi đó, lãi suất cho vay thậm chí còn không “động đậy” giảm như kỳ vọng của NHNN. Do đang vào mùa cao điểm tín dụng cuối năm, nhu cầu vay cao nên các NH không có động lực giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại, một số NH có tỷ lệ nợ xấu vẫn còn cao thì càng khó giảm lãi suất cho vay, do phải neo lãi suất cho vay ở mức bình quân đủ cao để bù đắp những thiệt hại gây ra từ nợ xấu.
Một điểm đáng chú ý nữa là đợt kết thúc cho vay ngoại tệ đối với khách hàng nhập khẩu vào cuối tháng 9 vừa qua đã thúc đẩy các doanh nghiệp này chuyển sang vay tiền đồng, do đó cầu tiền đồng vẫn ở mức cao nên càng khó có thể giảm lãi suất cho vay.