Covid-19 đã định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu như thế nào?

Quốc tế - Ngày đăng : 07:30, 13/05/2020

Tờ Jakarta Post số ra mới đây nhận định, sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn thế giới đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu, đồng thời định hình lại hệ thống thương mại và thị trường.
Covid-19 đã định hình lại hệ thống thương mại toàn cầu như thế nào?

Nhiều người lo ngại, dịch Covid-19 có thể phá vỡ tự do thương mại và toàn cầu hóa. Ảnh: Foreign Policy

Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nền tảng thương mại toàn cầu đã bị tấn công bởi các biện pháp bảo hộ của một số quốc gia trong 2 năm qua và các chính phủ đang bận rộn đưa ra các chiến lược để đối phó với sự không chắc chắn. Đầu tháng 1, Ngân hàng Thế giới (WB) lưu ý, hệ thống thương mại toàn cầu trị giá hơn 1.000 tỷ USD đã bị ảnh hưởng và đang tiếp tục giảm tốc, đáng chú ý là ở châu Âu và châu Á.

"Cơn co thắt" của các chuỗi liên kết

Theo tờ Jakarta Post, trong thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất phải làm là giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe. Để đón đầu cuộc chiến, các chính phủ trên khắp thế giới đã áp đặt nhiều chính sách giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong hầu hết các lĩnh vực. Những chính sách này đã trở thành chuẩn mực mới của sự tương tác xã hội và định hình lại cuộc sống.

Bối cảnh mới đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây ra tình trạng thất nghiệp, tiêu dùng giảm, dòng chảy hàng hóa và hoạt động sản xuất, phân phối bị gián đoạn. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự kiến thương mại toàn cầu sẽ giảm mạnh từ 13-32% trong năm 2020.

Link bài viết

Các ngành có chuỗi liên kết giá trị phức tạp sẽ phải đối mặt với các "cơn co thắt" lớn hơn trước. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành công nghiệp ô tô và các sản phẩm công nghệ do dựa trên hệ thống phức tạp nhất của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhóm các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết duy trì một môi trường đầu tư và thương mại tự do, công bằng, không phân biệt, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định. Tuy nhiên, các biện pháp thương mại đáp ứng trong tình hình dịch Covid-19 có xu hướng bị chia rẽ.

Khoảng 50 thành viên của WTO đã ban hành khoảng 130 biện pháp thương mại liên quan đến dịch Covid-19. 55% trong số đó là nhằm tạo thuận lợi để giảm hoặc loại bỏ thuế nhập khẩu. Ngược lại, 45% số biện pháp có xu hướng hạn chế thương mại, áp đặt các hạn chế định lượng (QR) như hạn ngạch, thủ tục cấp phép xuất khẩu hoặc cấm xuất khẩu, đối với các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến y tế.

Cần sự điều chỉnh nhiều hơn

Vì không có thẩm quyền tối cao để xác định chính sách thương mại cho mục đích tập thể, mỗi chính phủ đương nhiên đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên các quốc gia khác. Do đó, trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, hoạt động thương mại toàn cầu cần được cơ cấu lại và định hình lại cả về mặt hệ thống giao dịch dựa trên quy tắc và sự năng động của thị trường.

Thứ nhất, các biện pháp hạn chế có thể tiếp tục sau khi dịch Covid-19 kết thúc và phạm vi sẽ lan rộng ra các sản phẩm khác. Các yêu cầu như cấp phép, tiêu chuẩn, ghi nhãn… có thể tăng lên, đặc biệt đối với một loạt các mặt hàng tiêu dùng và sản phẩm thực phẩm trên cơ sở an toàn và sức khỏe của con người.

Link bài viết

Hơn nữa, các nhà bảo hộ có thể coi cuộc khủng hoảng là cơ hội hiếm có và sử dụng điều này như một cái cớ để áp đặt yêu cầu kỹ thuật đối với các sản phẩm nhập khẩu nhằm giải quyết thâm hụt thương mại.

Thứ hai, trong khi các rào cản chiếm ưu thế, chính phủ và doanh nghiệp có thể suy nghĩ lại và cơ cấu lại sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng. Những người theo chủ nghĩa bảo hộ sẽ muốn đưa chuỗi cung ứng trở về nước trong khi những người theo chủ nghĩa tự do thương mại sẽ thúc đẩy việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nhập khẩu hơn nữa, song sẽ đưa ra một kỷ luật thương mại nhất định để quản lý và bảo đảm chuỗi cung ứng. Dù bằng cách nào, kỷ luật thương mại sẽ khác so với trước đây và nhiều hơn về phía phòng thủ.

Thứ ba, thị trường sẽ thay đổi theo nhiều cách. Các công ty sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Lĩnh vực bán lẻ sẽ chứng kiến sự gia tăng trong thương mại điện tử. Các ngành công nghiệp sẽ nhanh chóng chuyển sang tự động hóa và ít lao động hơn để đảm bảo các hoạt động có thể dự đoán được ngay cả trong thời điểm khủng hoảng.

Quan trọng hơn, hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi và đòi hỏi tiêu chuẩn hóa sản phẩm cao hơn do lo ngại về sức khỏe và an toàn. Theo đó, cách thức hoạt động của ngành công nghiệp sẽ được thay đổi và buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn. Thị trường sẽ thiết lập chế độ riêng của mình.

Cuối cùng, thế giới không thể chiến đấu một cách thiếu chặt chẽ. Các quốc gia phải có khả năng phối hợp các biện pháp thương mại và đảm bảo bổ sung cho các chính sách quốc gia.

(Theo Thế giới & Việt Nam)

Đỗ Nga