Hai nhà máy của Fast Retailing bị phóng hỏa, nhiều thương hiệu cân nhắc rút khỏi Myanmar
Quốc tế - Ngày đăng : 09:30, 18/03/2021
Đại diện Fast Retailing, công ty mẹ của nhãn hàng Uniqlo (Nhật Bản) cho biết hai nhà máy cung cấp đã bị phóng hỏa trong tình hình bất ổn đang gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp may mặc của nước này, theo Nikkei Asia Review.
Hỏa hoạn bùng phát tại 2 trong số 5 nhà máy hợp đồng của Fast Retailing ở Yangon vào đêm Chủ nhật (14/3). Một phát ngôn viên của công ty cho rằng các nhà máy là mục tiêu của những kẻ đốt phá. Công ty vẫn đang đánh giá thiệt hại và chưa có bất kỳ báo cáo nào về số người chết hoặc bị thương.
Myanmar chiếm khoảng 2% trong số các nhà máy theo hợp đồng của Fast Retailing. Tuy nhiên, công ty Nhật Bản ngày càng có khuynh hướng sử dụng thị trường Myanmar làm cơ sở sản xuất chính. Tính đến tháng 3/2020, Fast Retailing có 6 nhà máy tại Myanmar, trong đó 5 nhà máy đặt tại Yangon, thủ đô thương mại của đất nước.
Công nhân ủi và sắp xếp quần áo tại một nhà máy làm hàng cho Fast Retailing ở Yangon. |
Sau khi Myanmar chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 2011, các công ty may mặc quốc tế đã gấp rút thiết lập sản xuất tại nước này, thu hút nhân công rẻ và lực lượng lao động lớn. Dữ liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy xuất khẩu quần áo từ Myanmar đạt 5 tỷ USD vào năm 2019, gấp 5 lần so với năm 2014.
Trong khi đó, xuất khẩu quần áo của Trung Quốc (quốc gia đứng đầu thế giới) giảm 18% trong cùng thời kỳ. Mức tăng trưởng 400% của Myanmar vượt bậc so với mức tăng 35% của Bangladesh (nước xuất khẩu quần áo lớn thứ hai thế giới) và mức tăng 53% của Việt Nam (hiện đứng thứ ba) trong cùng thời kỳ.
Các công ty may mặc của Nhật Bản đã cùng các công ty nước ngoài đến Myanmar. Theo Hiệp hội các nhà nhập khẩu dệt may Nhật Bản, Nhật đã nhập khẩu quần áo trị giá 113,4 tỷ yên từ Myanmar trong năm 2019, tăng 12% so với một năm trước đó và tăng gấp 4 lần so với năm 2011, năm chuyển đổi sang chế độ dân sự. Myanmar là nhà xuất khẩu quần áo lớn thứ 7 vào Nhật Bản vào năm 2019.
Các công ty may mặc khác của Nhật Bản cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng từ biến động của Myanmar. Shimamura, một chuỗi bán lẻ hàng may mặc, đã bị chậm trễ trong việc giao hàng từ Myanmar và đang xem xét sản xuất thay thế ở Trung Quốc hoặc các nước Đông Nam Á khác. Wacoal, một nhà sản xuất đồ lót hàng đầu, đã đình chỉ hoạt động tại một nhà máy ở Myanmar. Adastria bị gián đoạn sản xuất và hậu cần đang có kế hoạch tạm ngừng sản xuất trong nước vào tháng tới và xem xét chuyển sản xuất sang Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc.
Các công ty may mặc của Nhật Bản không phải là những công ty duy nhất bị ảnh hưởng. Hãng Hennes & Mauritz (H&M) của Thụy Điển, có hơn 40 nhà máy theo hợp đồng ở Myanmar, đã ngừng sản xuất ở đó, theo Reuters. OVS của Ý hôm thứ Hai cho biết họ đã tạm dừng các hợp đồng với các nhà sản xuất phân biệt đối xử với những người biểu tình.