Cước phí vận tải sẽ duy trì ở mức cao do khan hiếm container đến đầu 2022

Quốc tế - Ngày đăng : 06:00, 11/05/2021

Một cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) vừa đưa ra dự báo tình hình khan hiếm container rỗng vẫn sẽ tiếp tục. Do đó, cước phí vận chuyển từ thị trường châu Á sang Âu - Mỹ sẽ vẫn duy trì ở mức cao cho đến hết đầu 2022.

Theo đó, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development - UNCTAD) cho biết cước phí vận chuyển container sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2021 sau khi tăng vọt vào khoảng tháng 6-8/2020 do những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và mô hình mua sắm, bao gồm sự gia tăng thương mại điện tử trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội vì Covid-19, dẫn đến nhu cầu tăng đối với hàng tiêu dùng nhập khẩu, phần lớn trong số đó được vận chuyển trong các container. 

Cước phí vận chuyển các container giữa châu Á và bờ đông Bắc Mỹ hiện đã tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, UNCTAD cho biết, và nhấn mạnh rằng cước phí vận chuyển sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong suốt năm 2021. "Các chi phí này sẽ bị đẩy sang cho khách hàng hay người tiêu dùng vì nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ không thể tiếp tục chịu đựng việc cước phí tăng trong khoảng thời gian dài" - Jan Hoffmann, người đứng đầu mảng thương mại và hậu cần của UNCTAD cho biết.

Giá cước container có tác động mạnh mẽ đến thương mại toàn cầu, vì hầu hết tất cả hàng hóa sản xuất - bao gồm quần áo, thuốc men và các sản phẩm thực phẩm chế biến - đều được vận chuyển trong các container, vốn chiếm đến 80% lượng hàng hóa giao thương toàn cầu. Việc tàu vận tải container siêu trọng Ever Given bị mắc kẹt ở Kênh đào Suez trong gần một tuần vào tháng 3/2021 đã kích hoạt một đợt tăng mới.

Báo cáo của UNCTAD cho biết do giá cước vận chuyển là một thành phần chính của chi phí thương mại, do đó, mức tăng mới đặt ra thêm thách thức đối với nền kinh tế thế giới khi phải vật lộn để phục hồi sau cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1930. Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phải tập trung dài hạn vào việc cải cách, tạo thuận lợi thương mại hơn nữa tại các cảng, cải thiện và dự báo cũng như củng cố các cơ quan cạnh tranh quốc gia, UNCTAD cho biết trong một bản tóm tắt.

container2-1620637671-1866-1620638334.jp

Cước vận chuyển từ Thượng hải đi Nam Mỹ (xanh dương đậm), Tây Phi (đỏ), bờ Đông Bắc Mỹ (xanh lá), bờ Tây Bắc  Mỹ (tím), châu Âu (xanh dương nhạt) và Nam Phi (cam), đều bắt đầu tăng hồi đầu tháng 4/2020 sau khi giảm nhẹ từ mức cao hồi quý 3/2020, và có xu hướng tăng tiếp

Hiện tại, cước phí đến Nam Mỹ và Tây Phi cao hơn bất kỳ khu vực thương mại nào khác. Vào đầu năm 2021, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Nam Mỹ đã tăng 443% so với 63% trên tuyến đường giữa châu Á và bờ biển phía đông Bắc Mỹ.

Điều này một phần là do các tuyến đường hàng hải từ Trung Quốc đến các nước ở Nam Mỹ và Châu Phi thường dài hơn. Cần có thêm tàu chạy hàng tuần trên các tuyến này, đồng nghĩa với việc nhiều container cũng bị “mắc kẹt” trên các tuyến này.

“Khi khan hiếm container rỗng, một nhà nhập khẩu ở Brazil hoặc Nigeria không chỉ phải trả chi phí vận chuyển toàn bộ container nhập khẩu mà còn phải trả cho chi phí tồn kho của container rỗng,” bản tóm tắt cho biết.

Tình trạng khan hiếm container rỗng sẽ tiếp tục 

Các công ty cho thuê container cho biết họ đã và đang đặt làm container tại một vài nhà sản xuất Trung Quốc để cho các hãng tàu thuê, và các hãng tàu này cũng đặt hàng trực tiếp từ chính các nhà máy này.

Ba công ty Trung Quốc - CIMC, DFIC và CXIC - sản xuất khoảng 80% lượng container trên thế giới. Sản lượng tăng mạnh, với ước tính công suất container tăng 6% -8% trong năm nay. Nhưng ngay cả như vậy, các container vẫn chưa được đóng đủ nhanh để giảm bớt sự thiếu hụt.

John O’Callaghan, giám đốc tiếp thị và hoạt động toàn cầu của Triton, cho biết mặc dù các nhà máy đang tăng cường hoạt động sản xuất container vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, tồn kho các container mới vẫn rất thấp. Những gì có sẵn gần như chỉ đại diện cho nguồn cung từ hai đến ba tuần. 

container1-1620638327-9941-1620638334.jp

Thực trạng sản xuất và cho thuê container, các chỉ đấu đều đang ở mức thấp

Giá của các container là dấu hiệu cho thấy sự khan hiếm đang diễn ra. Một chiếc container mới có hiện có giá là 3.500 USD cho mỗi đơn vị tương đương CEU (thước đo giá trị của một container là bội số của một container hàng khô 20 feet) so với 1.800 USD vào đầu năm 2020 và 2.500 USD vào cuối năm 2020. Sự tăng giá gần đây đã diễn ra mạnh mẽ hơn trên thị trường container đã qua sử dụng. Container xChange báo cáo rằng giá container đã qua sử dụng ở Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi từ 1.299 USD / CEU vào tháng 11 lên 2.521 USD/CEU vào tháng 3.

Một lý do khác khiến số lượng container không thể dồi dào hơn, theo Page, là do các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc không mở rộng năng lực sản xuất hơn nữa. Do vậy, tình trạng thiếu hụt container vẫn sẽ tiếp tục kéo dài đến đầu năm 2022.

Ngọc Thoại