Khủng hoảng chip toàn cầu: Lực cản cho hồi phục kinh tế?

Quốc tế - Ngày đăng : 00:00, 28/05/2021

Số lượng chip cung ứng đang thiếu hụt và không có dấu hiệu giảm bớt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung và có thể tạo thêm rào cản lên đà hồi phục kinh tế.

Sự thiếu hụt khó đoán trước

Có lẽ ít ai ngờ rằng việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa một loạt công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại cách đây hai năm, gồm cả những tên tuổi lớn như Huawei, ZTE và công ty quốc tế sản xuất bán dẫn Thượng Hải (SMIC), đã khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng chip hiện nay, khi buộc các công ty này “điên cuồng” tích trữ chip trên thị trường kể từ đó đến nay. Đơn cử như Huawei đã tung tiền mua đến 5 tỷ con chip để tích trữ ngay từ khi có thông báo đến khi lệnh cấm có hiệu lực. 

Trong khi nguồn cung chip từ SMIC bị kiểm soát, để tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường điện thoại thông minh, các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc khác như Xiaomi và Oppo càng tăng cường tích trữ chip do TSMC sản xuất - hãng sản xuất bán dẫn Đài Loan lớn nhất thế giới, khi mà nhà máy sản xuất chip SMIC cũng chưa thể sản xuất chip tiên tiến 5 nanomet như TSMC.

Mọi việc càng trầm trọng hơn khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát từ đầu năm ngoái, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ và đứt gãy đã buộc các doanh nghiệp càng tăng cường tích trữ vật liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất như chip bán dẫn. Trong khi đó, ngành công nghiệp này từ trước đến nay xây dựng chuỗi cung ứng chỉ để đáp ứng sản lượng định kỳ, do đó việc tích trữ hàng loạt càng dẫn đến sự thiếu hụt toàn cầu về sản phẩm này.

Bai1-2-9267-1622084847.jpg

Ở phía nguồn cung, dịch bệnh bùng phát ban đầu đã khiến không ít nhà máy tạm thời ngừng hoạt động, khiến nguồn cung sản xuất chip bị sụt giảm. Ngoài ra, trong khi sản xuất chất bán dẫn cần sự tham gia của rất nhiều nguồn nước, thì tình hình hạn hán chưa từng có tại Đài Loan kể từ tháng 1 đầu năm nay cộng thêm những bất ổn tại đây đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip ở nước này. Tại Mỹ, cơn bão mùa Đông hiếm khi xảy ra xuất hiện ở bang Texas khiến dây chuyền sản xuất gặp gián đoạn nghiêm trọng, trong khi vụ hỏa hoạn tại một nhà máy trọng yếu của Nhật Bản cũng buộc cơ sở này phải đóng cửa trong một tháng. 

Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng không lường trước được hành vi của người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong đại dịch, khi thói quen làm việc và học tập trực tuyến trở nên phổ biến, thúc đẩy nhu cầu tăng cao ở các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính, cùng với hoạt động giải trí tại nhà cũng làm tăng doanh số bán TV, máy chơi game và các thiết bị điện tử khác, khiến nhu cầu về chip bất ngờ tăng cao ở những ngành này.

Ở ngành sản xuất ô tô, trong thời kỳ giãn cách xã hội nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa nên yêu cầu các nhà cung cấp ngừng vận chuyển linh kiện, trong đó có chip - bộ phận ngày càng thiết yếu đối với ô tô. Khi dịch bệnh được kiểm soát, người tiêu dùng muốn đi ra ngoài nhưng không sử dụng phương tiện công cộng, khiến nguồn cung chip để sản xuất ô tô không theo kịp nhu cầu. 

Ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế?

Hiện Đài Loan là nơi đặt các nhà máy sản xuất chip của Công ty TSMC và United Microelectronic Corp (UMC) - nơi sản xuất hơn 40% bộ vi xử lý trên thế giới. Trong bối cảnh này, các chuyên gia dự đoán tình hình sẽ tiếp tục xấu đi cho đến ít nhất tháng 6 năm nay và sẽ chỉ quay lại mức bình thường vào quý II/2022, thậm chí một số nhà phân tích đánh giá cơn khát nguồn cung chip bán dẫn có thể kéo dài tới năm 2023.

Không chỉ là linh kiện cần thiết cho điện thoại thông minh, máy tính hay xe ô tô, chip bán dẫn còn là thành phần thiết yếu trong mọi sản phẩm điện tử, từ máy chơi game, bàn chải đánh răng, đến máy giặt, đồng hồ báo thức. Nhưng số lượng chip cung ứng hiện không đủ cho thị trường và sự thiếu hụt này không có dấu hiệu giảm bớt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung của những mặt hàng này.

Link bài viết

Đơn cử như hãng công nghệ Apple, hiện là nhà mua chất bán dẫn lớn nhất thế giới khoảng 58 tỷ USD mỗi năm, cũng đã buộc phải trì hoãn việc ra mắt iPhone 12 vào năm ngoái do tình trạng khan hiếm chip. Ở ngành ô tô, nhà máy sản xuất ô tô lớn buộc phải giảm quy mô sản xuất hoặc thậm chí đóng cửa, khiến doanh thu ngành này có thể mất hơn 60 tỷ USD trong năm nay. Ngoài ra, vấn đề còn ảnh hưởng đến những lĩnh vực khác, đặc biệt là các hệ thống máy chủ và PC được sử dụng để cung cấp, sử dụng các dịch vụ Internet vốn rất quan trọng trong thời kỳ đại dịch.

Đáng lưu ý, những ngành này có vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, do đó khi sản lượng bị sụt giảm sẽ ảnh hưởng lên khả năng phục hồi của các nền kinh tế lớn. Chẳng những vậy, việc thiếu hụt chip đã đẩy giá linh kiện này lên cao và kế tiếp là các thiết bị điện tử cũng tăng giá theo, ảnh hưởng lên sức cầu tiêu dùng vốn đang rất mong manh trong bối cảnh hiện nay và gia tăng áp lực lạm phát, khiến bất ổn trong nền kinh tế có thể gia tăng càng cản trở tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Mới đây, các dữ liệu chính thức về kinh tế Trung Quốc trong tháng 4 công bố không đạt như mức kỳ vọng, lý do được đưa đến từ một phần do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu đã khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp lớn hơn của Trung Quốc bị kìm hãm. Sự thiếu hụt này đã tác động đến nhiều ngành sản xuất, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử và ô tô đã bị tác động nặng nề nhất, vốn phụ thuộc phần lớn vào các linh kiện nhập khẩu. Diễn biến này cho thấy sau một năm phục hồi mạnh mẽ từ cú sốc do đại dịch Covid-19, đà phục hồi kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu chậm lại.

Khả Hân