Đến lượt Trung Quốc “bầm dập” vì các biến chủng vi-rút
Quốc tế - Ngày đăng : 05:43, 03/06/2021
“Do đợt bùng phát gần đây, một số nhà triển lãm dự kiến từ các khu vực có nguy cơ cao và trung bình sẽ không thể đến Thượng Hải để tham gia triển lãm” - các nhà tổ chức Triển lãm Thiết bị và Công nghệ Hàng không Quốc tế Thượng Hải (Shanghai Air Expo) cho biết trong một tuyên bố hôm 2/6.
“Do đó, chúng tôi buộc phải hoãn Hội chợ Hàng không Thượng Hải, ban đầu được lên kế hoạch từ ngày 16/6 đến ngày 18/6.” Gần 500 công ty trong lĩnh vực hàng không dân dụng và thương mại từ 40 quốc gia và khu vực đã tham gia triển lãm cuối cùng vào năm 2019.
Là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc và là tỉnh lớn nhất về sản lượng kinh tế, Quảng Châu đã tăng cường các nỗ lực ngăn ngừa và kiểm soát Covid-19 kể từ khi làn sóng ca bệnh mới nhất xảy ra vào cuối tháng 5/2021. Hiện đã có 41 ca được xác nhận tại địa phương từ ngày 21/5 đến ngày 1/6, và 6 ca ở thành phố Phật Sơn.
Trung Quốc cũng vừa ra lệnh phong tỏa một phần TP. Quảng Châu (thuộc tỉnh Quảng Đông) và hàng trăm chuyến bay đã bị hủy trong bối cảnh bùng phát sự lây nhiễm do biến thể vi-rút Ấn Độ lẫn Anh gây ra, đồng thời nhiều hoạt động kinh tế của các địa phương lân cận cũng bị ảnh hưởng.
Ổ dịch gồm 50 ca nhiễm tại TP. Quảng Châu với 18,7 triệu dân đã dẫn tới việc hủy một nửa số chuyến bay ra khỏi sân bay Bạch Vân - phi trường đông đúc nhất thế giới. Các biện pháp này được triển khai dù tỷ lệ tiêm chủng đã đạt 36% dân số Quảng Châu. Các nhà chức trách ở Quảng Đông đã hủy nhiều chuyến bay và phong tỏa một số tuyến đường ở quận ngoại thành Lệ Loan. Mỗi hộ gia đình ở đây chỉ được phép một người ra ngoài mua nhu yếu phẩm hàng ngày.
Người dân xếp hàng chờ tiêm ngừa Covid-19 ở TP. Quảng Châu vào ngày 29/5 |
Tỉnh Quảng Đông đã báo cáo số liệu đơn lẻ hàng ngày về các ca lây nhiễm ở địa phương, bao gồm cả các ca nhiễm không có triệu chứng, trong hơn một tuần cho đến khi số ca nhiễm đột ngột tăng lên 23 vào 1/6, bao gồm 3 ca nhiễm không có triệu chứng và 11 ca nhiễm vào 2/6. Hầu hết các ca nhiễm tỉnh Quảng Đông đều ở TP. Quảng Châu, với một số ca nhiễm ở Phật Sơn gần đó, nơi có dân số 7,2 triệu người.
Vào ngày 31/5, 15,3 triệu cư dân Quảng Châu đã bị cấm rời khỏi nơi này bằng xe buýt, đường hàng không hoặc tàu hỏa mà không có mã xanh trên ứng dụng quản lý sức khỏe và xét nghiệm Covid-19 âm tính được thực hiện trong 72 giờ trước đó. Các nhà hàng đã chuyển sang bán mang đi, các địa điểm giải trí đóng cửa, trong khi các lớp học được chuyển sang hình thức trực tuyến và tạm hoãn việc tiêm chủng. Các nhà chức trách cũng đặt ra giới hạn đối với các địa điểm công cộng, cũng như việc đến thăm khám tại các cơ sở chăm sóc y tế.
Các nhà chức trách cho biết tất cả các ca nhiễm mới được phát hiện là chủng vi-rút biến thể Ấn Độ (B1.167.2), hiện vừa được WHO đổi tên thành biến thể "Delta".
“Trong cuộc chạy đua chống lại vi-rút này, chúng ta phải chạy trước một chút và chạy nhanh hơn trước để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút và cắt đứt chuỗi lây nhiễm kịp thời,” Huang Guanglie, Giám đốc Uy ban y tế TP. Quảng Châu cho biết. Phó thị trưởng Quảng Châu, Li Ming, cho biết chủng vi-rút này có thời gian ủ bệnh ngắn, lượng vi-rút cao và lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, bà cho rằng quỹ đạo là "trong tầm kiểm soát".
Vệt dầu loang
Trung tâm Công nghệ Thâm Quyến, cũng ở Quảng Đông, đã chứng kiến 2 ca nhiễm không triệu chứng mới vào 1/6. Như vậy, tổng cộng đã có 15 ca nhiễm không có triệu chứng kể từ ngày 21/5.
Hôm 2/6, người dân được yêu cầu không tụ tập quanh trung tâm bán buôn quần áo vốn dĩ nhộn nhịp ở khu thương mại Đông Môn. Nhân viên của toàn bộ khu thương mại này được yêu cầu xét nghiệm sau khi phát hiện 1 ca dương tính với Covid-19 không có triệu chứng.
Đồ thị cho thấy số ca nhiễm ở tỉnh Quảng Đông, sau thời gian ổn định, bắt đầu có chiều hướng tăng |
Một đợt bùng phát cũng khiến hàng hóa nhập khẩu tại cảng Nhan Điền ở Thâm Quyến bị đình trệ vào tuần trước. Đây là một trong những trung tâm xuất khẩu nhộn nhịp nhất thế giới. Hôm 28/5, các nhà chức trách đã tiến hành xét nghiệm Covid bắt buộc đối với tất cả cư dân Nhan Điền sau khi các ca nhiễm được phát hiện trong cộng đồng.
Theo chuyên gia dịch tễ Trung Quốc, vụ bùng phát ở Thâm Quyến không liên quan đến vụ bùng phát ở Quảng Châu, nơi các quan chức nghi ngờ vi-rút do công nhân cảng mang đến, với 11 ca nhiễm liên quan đến biến thể Anh.
Sau khi Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán hồi đầu năm 2020 dẫn đến một đợt phong tỏa lâu dài và nghiêm ngặt (mà sau này nhiều nước trên khắp thế giới đã áp dụng tương tự để ngăn chặn vi-rút lây lan), các nhà chức trách Trung Quốc tìm mọi cách khống chế vi-rút. Những đợt bùng phát lẻ tẻ với quy mô khác nhau khiến các khu vực địa phương phải đóng cửa và tạm dừng mọi hoạt động vận tải, gần đây nhất là ở An Huy. Điều này càng thôi thúc số người tìm cách tiêm phòng tăng lên rất nhiều.
Theo truyền thông Trung Quốc, một chiến dịch tiêm chủng đầy tham vọng đang được đặt ra. Theo đó, sẽ có 40% dân số tự nguyện tiêm chủng vào cuối tháng này. Đến nay, chính phủ đã cung cấp gần 640 triệu liều vaccine, trong đó có ít nhất một liều cho hơn 86% dân số trưởng thành ở thủ đô Bắc Kinh.
Tính đến ngày 1/6/2021, tổng số ca nhiễm bệnh của Trung Quốc là 91.146 người, với số người chết không đổi là 4.636 người. Tất nhiên, con số này, trong mắt truyền thông phương Tây là không đáng tin.