"Bếp đám mây tại gia" phát triển tại Indonesia nhờ Covid-19

Start up - Ngày đăng : 06:00, 07/06/2021

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn căng thẳng, dịch vụ "bếp đám mây" DishServe có trụ sở tại Jakarta, bằng cách hợp tác với các bếp gia đình tạo ra phiên bản "bếp đám mây tại gia" không quá lệ thuộc vào hạ tầng - cơ sở vật chất, vốn là gánh nặng chi phí cho loại hình dịch vụ này, nở rộ.

"Bếp đám mây" ra đời nhằm giảm gánh nặng cơ sở hạ tầng đối với các thương hiệu thực phẩm và đồ uống bằng cách cung cấp các cơ sở tập trung để chuẩn bị bữa ăn cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa, các nhà điều hành "bếp đám mây" cần đảm bảo đủ địa điểm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng F&B (ngành dịch vụ ẩm thực - Food and Beverage Service), và giao hàng nhanh chóng.

Mạng lưới DishServe (tạm dịch: phục vụ món ăn) của Indonesia đã tìm ra cách giúp các mạng lưới "bếp đám mây" trở nên ít tốn kém chi phí hơn. Được thành lập bởi công ty khởi nghiệp dịch vụ lưu trú bình dân, cựu giám đốc điều hành của RedDoorz, DishServe hợp tác với các bếp gia đình thay vì thuê hoặc mua thiết bị riêng.

Hiện DishServe đang hợp tác với gần 100 nhà bếp tại Jakarta và tập trung vào các thương hiệu F&B vừa và nhỏ, đóng vai trò là mạng lưới giao hàng tận nơi. Ra mắt vào mùa thu năm 2020, DishServe đã huy động được một khoản tiền chưa được tiết lộ từ Quỹ đầu tư Insignia Ventures Partners.

DishServe được Rishabh Singhi thành lập vào tháng 9/2020. Sau khi rời RedDoorz vào cuối năm 2019, Singhi chuyển đến New York với kế hoạch thành lập một công ty khởi nghiệp lưu trú có thể chuyển đổi bất kỳ không gian thương mại nào thành các câu lạc bộ dành cho các nhóm thành viên như Soho House. 

Công ty mới đã tạo ra các phòng mẫu và bắt đầu hoạt đồng thì Covid-19 bắt đầu tấn công New York . Singhi cho biết anh đã lưỡng lự xem cần phải làm gì tiếp theo trong vài tháng, và liệu có nên quay trở lại Đông Nam Á hay không.

Anh nhận ra nhiều nhà hàng phải chuyển sang hình thức trực tuyến để tồn tại. Đây chính là cơ hội để các thương hiệu F&B nhỏ cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn như McDonald’s. Phong tỏa hay giãn cách xã hội còn có nghĩa là rất nhiều người phải chọn một số quán ăn gần nơi họ sống. Singhi cũng nhận thấy rằng có rất nhiều người muốn kiếm tiền nhưng không thể làm việc bên ngoài nhà của họ vì dịch, như những bà nội trợ chẳng hạn.

dich-vu-bep-dam-may-jakarta-16-5119-6198

Một "nhà bếp đám mây tại gia" trong mạng lưới DishServe

Đồng sáng lập của DishServe còn có Stefanie Irma, người phụ trách RedDoorz tại Philippines, Vinav Bhanawat và Fathhi Mohamed - đồng sáng lập dịch vụ taxi theo yêu cầu PickMe của Sri Lanka.

DishServe được tạo ra để kết nối cả ba bên: các thương hiệu F&B muốn mở rộng mà không cần tốn nhiều tiền, các doanh nghiệp gia đình và những thực khách muốn có nhiều lựa chọn ẩm thực hơn. Khách hàng của DishServe cũng bao gồm các công ty "bếp đám mây" sử dụng mạng lưới bếp gia đình để phân phối nhằm mở rộng phạm vi giao hàng và dịch vụ ăn uống.

Singhi nói: “Các thương hiệu không phải chịu bất kỳ chi phí trả trước nào. Đó chính là cách phân phối rẻ hơn vì họ không phải trả tiền điện nước và những thứ tương tự. Đối với các bà nội trợ, mô hình này mang lại cho họ cơ hội kiếm tiền ngay từ ngôi nhà của mình."

Cách thức mạng lưới hoạt động

Trước khi thêm bếp tại gia vào mạng lưới, DishServe sàng lọc những người đăng ký bằng cách yêu cầu họ gửi một loạt ảnh, sau đó thực hiện kiểm tra trực tiếp. Nếu được chấp nhận, DishServe sẽ nâng cấp để nhà bếp có cùng thiết bị và chức năng như các bếp gia đình khác trong mạng lưới. Công ty sẽ hỗ trợ hoàn toàn chi phí nâng cấp này, thường mất khoảng ba giờ và tốn khoảng 500 USD. Họ được quyền sở hữu hoặc lấy lại thiết bị nếu một nhà bếp quyết định ngừng hoạt động với DishServe

Singhi cho biết DishServe thường có thể thu hồi lợi nhuận sau 4 tháng kể từ khi nhà bếp bắt đầu đi vào hoạt động.

Dịch vụ “bếp đám mây tại gia” bắt đầu bằng việc phục vụ thương hiệu của riêng DishServe dưới dạng chạy thử trước khi mở rộng cho các thương hiệu khác. Mỗi nhãn hiệu có thể phân phối tối đa ba nhãn hiệu bổ sung cùng lúc.

Một điều quan trọng cần lưu ý là bếp tại gia của DishServe, thường do một người điều hành. Các nguyên liệu được cung cấp bởi các thương hiệu F&B, và các nhà điều hành bếp tuân theo bộ quy trình tiêu chuẩn để nấu nướng, bày biện và đóng gói các bữa ăn, chuẩn bị cho các khâu nhận và giao hàng sau đó.

dich-vu-bep-dam-may-indonesia-1283-2264-

Ảnh chụp màn hình các ứng dụng của DishServe dành cho khách hàng và người điều hành bếp gia đình

DishServe đảm bảo các quy trình vận hành tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm được duy trì thông qua các cuộc kiểm tra trực tuyến. Đại lý hoặc người điều hành nhà bếp thường xuyên gửi ảnh và video về nhà bếp dựa trên danh sách kiểm tra (tức là khu vực chuẩn bị thực phẩm, sàn nhà, tường, khu vực rửa tay và bên trong tủ đông). 

Singhi cho biết khoảng 90% người tham gia bếp đám mây tại gia là phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 55, với thu nhập trung bình khoảng 1.000 USD. Bằng cách làm việc với DishServe, họ có thể kiếm thêm khoảng 600 USD/ tháng nếu nhà bếp hoạt động hết công suất với bốn nhãn hiệu.

Sau khi gia nhập DishServe, các thương hiệu F&B chọn loại bếp gia đình mà họ muốn làm việc cùng, sau đó phân phối nguyên liệu cho các nhà bếp, sử dụng bảng điều khiển thời gian thực của DishServe để theo dõi lượng hàng. Một số nguyên liệu có thời hạn sử dụng lên đến sáu tháng, trong khi các nguyên liệu dễ hỏng, như sữa và trứng sẽ được giao hàng ngày.

“Gói khởi đầu" của DishServe cho phép các thương hiệu mới chọn 5 nhà bếp, nhưng theo Singhi hầu hết các thương hiệu thường bắt đầu từ 10 đến 20 nhà bếp để có thể giao hàng đến nhiều điểm hơn ở Jakarta và tiết kiệm tiền bằng cách chuẩn bị bữa ăn hàng loạt.

DishServe có kế hoạch tập trung phát triển mạng lưới ở Jakarta ít nhất đến cuối năm nay, trước khi mở rộng sang các thành phố khác. “Một điều chúng tôi đang cố gắng thay đổi về ngành F&B là thay vì kinh doanh thực phẩm tập trung như những gì vẫn thấy từ trước đến nay, chúng tôi đang phân cấp nó bằng cách cho phép các mô hình siêu nhỏ hoạt động như một mạng lưới phân phối,” Singhi nói.

Ngọc Thoại