Đầu tư công: "Nút thắt" của nền kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 15/06/2021
Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch đường bộ giai đoạn 2021-2030 với 64 công trình giao thông khu vực Tây Nam Bộ. Riêng giai đoạn 2021-2025, khu vực Tây Nam Bộ cần khoảng 108.000 tỷ đồng và Đông Nam Bộ cần khoảng 175.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông ở miền Nam sẽ tạo ra tác động lan tỏa kinh tế lớn hơn nhiều so với các vùng khác, nhưng nguồn vốn từ ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu phát triển hạ tầng.
Dữ liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, tổng nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2016-2020 gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ xã hội hóa chiếm từ 10-22%, còn lại là vốn vay ODA, vốn nhà nước.
Để thúc đẩy đầu tư công hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, địa phương phải hài hòa giữa các vùng miền nhưng tập trung cho những vùng động lực, không trông chờ, ỷ lại vào nguồn ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội là chính, kể cả nguồn lực trong và ngoài nước.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công trình giao thông đi qua nơi nào, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi đó phải lo ngân sách, chịu trách nhiệm về khâu giải phóng mặt bằng. Căn cứ vào tình hình cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí (tối đa 50%) cho phần xây lắp tại công trình. Nguồn vốn nhà nước sẽ đóng vai trò "vốn mồi" dẫn dắt các nguồn vốn khác. Với ngân sách được phân bổ, các địa phương, các bộ phải tính toán tiết kiệm chi thường xuyên để dành cho đầu tư phát triển, đồng thời điều chỉnh lại các dự án đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, đầu tư công đang trong bối cảnh hoàn toàn khác năm 2020, bởi ngân sách không nhỏ phải dành cho phòng chống đại dịch Covid-19 và chống đỡ doanh nghiệp suy yếu. Do đó, có ít nhất hai việc phải làm ngay là chặn đà suy giảm giải ngân đầu tư công trong ngắn hạn và thúc đẩy kinh tế vùng phát triển như kỳ vọng. Đầu tiên là thị trường vật liệu xây dựng thiết lập mặt bằng giá mới, tăng từ 20-40% so với cùng kỳ năm trước, tác động lên tổng vốn đầu tư, dẫn tới khả năng các chủ đầu tư phải xin lại chủ trương đầu tư, mà theo pháp luật hiện hành, một thủ tục tiêu tốn nhiều thời gian, từ một vài tháng đến hàng năm. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như metro ở Hà Nội và TP.HCM, gây tốn kém và lãng phí rất lớn. Kế đến, muốn phát triển kinh tế vùng thì phải có chính sách và cơ chế thật phù hợp. Chẳng hạn, các vùng động lực phải tập trung vào khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với trọng tâm là Hải Phòng và đồng bằng sông Cửu Long với trọng tâm là Cần Thơ. Thực tế này đòi hỏi thay đổi tư duy để mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân bởi họ là một nhân tố quan trọng thúc đẩy vùng phát triển.
Kết quả các dự án đầu tư công vẫn phụ thuộc vào cách thức thực hiện của Chính phủ.