G7 chưa dám khẳng định dù WHO để ngỏ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 15/06/2021
Ngoài ra, vẫn còn tồn tại những bất đồng về vấn đề này trong phiên cuối cùng các nhà lãnh đạo trong khối hảo luận về cuộc khủng hoảng Covid và sự chuẩn bị cho đại dịch trong tương lai tại hội nghị thượng đỉnh ở TP. Cornwall (Anh).
Trong phiên họp kết thúc tối 13/6, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về nguồn gốc của sự bùng phát của đại dịch khi giám đốc WHO, TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, xác nhận tất cả các giả thuyết cần tiếp tục được xem xét - bao gồm cả giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Phát biểu với các phóng viên tại một cuộc họp báo ngắn sau cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo, Tiến sĩ Tedros xác nhận chủ đề của sự bùng phát Covid-19 đã được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh Cornwall.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho các quan chức tình báo nỗ lực "gấp đôi" để điều tra nguồn gốc của đại dịch coronavirus, bao gồm cả giả thuyết rằng nó đến từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Không ảnh của khu vực phòng thí nghiệm virus Vũ Hán |
Đề cập đến hàng triệu người trên khắp thế giới chết do Covid-19, TS Tedros nói: “Hơn 174 triệu người đã được xác nhận mắc bệnh Covid, và 3,75 triệu người chết - điều này rất bi thảm. Tôi nghĩ rằng sự tôn trọng mà mọi người xứng đáng nhận được là biết nguồn gốc của loại virus này là gì, vì vậy chúng tôi có thể ngăn chặn nó tái diễn".
Ông khẳng định thêm, WHO cần sự hợp tác từ phía Trung Quốc và cần sự minh bạch để hiểu và tìm ra nguồn gốc của loại virus này. “Như tôi đã chỉ ra sau khi báo cáo ban đầu về nguồn gốc Covid-19 được đưa ra, đã có những khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu - đặc biệt là dữ liệu thô.”
G7 chưa dám quyết vì chưa đủ chứng cứ?
Thủ tướng Anh - Boris Johnson - phát biểu trong một cuộc họp báo riêng rằng, ông không tin rằng Covid-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán trong cuộc họp bế mạc tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall.
Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Hoa Kỳ - Joe Biden - ít nhấn mạnh hơn trong các tuyên bố về nguồn gốc Covid-19 khi phát biểu: "Chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận vì cộng đồng tình báo của chúng tôi vẫn chưa chắc chắn, liệu đây có phải là hậu quả của một con dơi và môi trường sống của nó gây ra hay không hoặc đây là hậu quả tồi tệ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Chúng tôi cần có quyền truy cập vào [dữ liệu của Trung Quốc] để biết chính xác điều gì đã xảy ra và nó có thể dẫn đến một đại dịch khác hay không" - Tổng thống Joe Biden nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong một cuộc họp báo riêng rằng ông không tin Covid-19 có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán |
Thông cáo chung của Hội nghị thượng đỉnh cũng cho thấy các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi “thực hiện một nghiên cứu kịp thời, minh bạch, do chuyên gia lãnh đạo và dựa trên khoa học do WHO triệu tập để tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra về nguồn gốc Covid-19 theo khuyến nghị của các chuyên gia tại Trung Quốc”.
"Tôi nghĩ rằng có một vấn đề với các bệnh lây truyền từ động vật sang người và đây rõ ràng là điều chúng ta cần tập trung" - Thủ tướng Anh nhấn mạnh.
Sáng 14/6, một lần nữa, Ngoại trưởng Anh - Dominic Raab cho biết “thông tin tốt nhất” mà Vương quốc Anh có được là Covid đã “dịch chuyển” từ động vật sang người.
Cuộc điều tra ban đầu của WHO về nguồn gốc của Covid-19 được chứng minh là không hiệu quả, và các công việc tiếp theo sẽ sớm bắt đầu. Tổ chức này cũng đã phàn nàn rằng chính phủ Trung Quốc đã không sớm cung cấp dữ liệu và thông tin có thể phát hiện ra virus đến từ đâu.
Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden mở một cuộc điều tra kỹ hơn về việc liệu virus có tình cờ thoát ra khỏi Viện virus học Vũ Hán - một niềm tin dựa trên thông tin tình báo có từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Biden nói rằng quan điểm của tình báo Mỹ về lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đang bị chia rẽ, trong khi chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, TS. Anthony Fauci, hồi đầu tháng này cũng cho biết “chúng ta cần giữ một tư tưởng cởi mở” về lý thuyết này. Ông Fauci đã kêu gọi Trung Quốc công bố hồ sơ y tế của 9 người bị bệnh có thể cung cấp manh mối quan trọng về việc liệu Covid-19 có xuất hiện do rò rỉ phòng thí nghiệm hay không.
Theo Wall Street Journal, hôm 8/6, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bày tỏ nghi ngờ về phương pháp luận của một báo cáo về nguồn gốc của Covid-19, kết luận rằng giả thuyết về một vụ rò rỉ virus từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc là chính đáng. “Tôi đã xem báo cáo, và tôi nghĩ rằng ở một số cấp độ là không chính xác, ”Blinken nói trước phiên điều trần của Ủy ban Thượng viện về yêu cầu ngân sách của Bộ Ngoại giao khi được hỏi về bài báo trên Wall Street Journal. Tờ Wall Street Journal hôm 7/6 cũng trích dẫn những người quen thuộc với một báo cáo tuyệt mật của một phòng thí nghiệm quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ cho biết họ kết luận rằng giả thuyết về một vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán là chính đáng và đáng được điều tra thêm. Báo cáo cho biết nghiên cứu được Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore chuẩn bị vào tháng 5/2020 và được giới chức của chính quyền ông Trump đề cập khi tiến hành điều tra về nguồn gốc của đại dịch trong những tháng cuối cùng của chính quyền cũ. Blinken nói theo hiểu biết của ông, báo cáo bắt nguồn từ sau khi chính quyền Trump yêu cầu xem xét nguồn gốc của corona virus gây ra Covid-19, đặc biệt tập trung vào việc liệu nó có phải là kết quả của một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm hay không. “Theo sự hiểu biết của tôi, chính quyền Trump có những lo ngại thực sự về phương pháp luận của nghiên cứu đó, chất lượng phân tích, uốn nắn bằng chứng để phù hợp với định kiến trước đó. Đó là mối quan tâm của họ, và nó đã được chia sẻ với chúng tôi. ” Ông Blinken cũng cho biết bản báo cáo là công việc của một sĩ quan và một vài cá nhân chứ không phải là “toàn bộ nỗ lực của chính phủ” mà Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo phải tìm cho ra nguồn gốc của virus. |