Gỡ rối “ma trận” ứng dụng phòng chống Covid-19

Trong nước - Ngày đăng : 07:30, 17/09/2021

Việc có quá nhiều ứng dụng khai báo y tế và quản lý phòng chống Covid-19 đang khiến người dân lúng túng và gặp khó khăn trong việc sử dụng. Theo tôi, chỉ nên có một ứng dụng chính và một cơ sở dữ liệu gốc để người dân có thể đồng hành cùng Chính phủ chống dịch.
Gỡ rối “ma trận” ứng dụng phòng chống Covid-19

Theo thống kê sơ bộ, hiện tại có hơn 10 ứng dụng và phần mềm theo dõi sức khỏe liên quan đến Covid-19. Bộ Y tế hiện có 3 ứng dụng riêng và 3 ứng dụng kết hợp với Bộ TT-TT. Bộ Công an có 1, Sở Y tế TP. HCM kết hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) hiện có 3, và VNPT có 1 ứng dụng. Chưa kể một số tỉnh thành khác cũng có ứng dụng riêng liên quan đến quản lý sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh.

Có thể nói, “làng” ứng dụng phòng chống Covid-19 đang ở tình trạng “6 thừa - 6 thiếu - 6 cần”.

17-9-bai-tien-si-9424-1631867578.jpg

6 thừa - 6 thiếu - 6 cần của các app ứng dụng phòng chống Covid-19 ở Việt Nam hiện nay

Rõ ràng, việc có quá nhiều ứng dụng cho cùng mục đích khá giống nhau giữa các bộ, ngành và địa phương đang làm khó người dân, buộc họ phải kê khai thông tin nhiều lần tùy theo yêu cầu của đơn vị quản lý. Họ khó theo dõi được thông tin đã kê khai và khi có nhu cầu chỉnh sửa thông tin thì mất nhiều thời gian.

Một điểm quan trọng nữa là mặc dù có rất nhiều ứng dụng nhưng không ứng dụng nào được dùng xuyên suốt từ khâu đăng ký khám chữa bệnh đến tiêm chủng và lưu trữ kết quả.

Về mặt hiệu quả xã hội và kinh tế, việc phát triển nhiều ứng dụng trùng lặp dẫn đến lãng phí ngân sách, chưa xử lý hiệu quả thông tin lưu trữ trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm soát nhu cầu và sử dụng vaccine, phân bổ tài nguyên y tế trên quy mô cả nước. 

Hầu hết các ứng dụng chưa có cơ chế rõ ràng về bảo mật thông tin, việc sử dụng dữ liệu như thế nào, ai được phép thay đổi khi có sai sót, và cũng chưa có quy định của nhà nước về đơn vị nào được phép phát hành ứng dụng liên quan đến việc theo dõi y tế người dân.

Cần giải pháp đồng bộ

Tình trạng “loạn ứng dụng” theo dõi sức khỏe hiện nay một phần xuất phát từ nhu cầu của đơn vị chủ quản. Chẳng hạn, Bộ Y tế yêu cầu dùng Sổ sức khỏe điện tử để theo dõi lịch sử tiêm vaccine, Bộ Công an dùng VNEID để khai báo di chuyển nội địa, Bộ GTVT yêu cầu dùng tờ khai trên tokhaiyte.vn để đi máy bay, Bộ TT-TT thông yêu cầu dùng Bluezone để theo dõi nguy cơ lây bệnh..v.v.

So sánh về ứng dụng quản lý Covid-19 ở một số nước láng giềng, có thể thấy Malaysia chỉ có 1 ứng dụng cho quản lý trong nước và 1 ứng dụng cho người về từ nước ngoài. Indonesia có 2 ứng dụng: 1 quản lý tất cả thông tin liên quan đến Covid-19, 1 có khả năng theo dõi di chuyển kết nối với cơ sở dữ liệu chính. Thái Lan cũng sử dụng 2 ứng dụng chính, đều kết nối vào 1 cơ sở dữ liệu chính.

17-9-bai-tien-si-2-4534-1631867578.jpg

Giao thông ách tắc do khai báo phần mềm di chuyển nội địa tại TP.HCM sáng 15/8 khiến nhiều chốt kiểm soát phải "xả trạm"

Theo tôi, Việt Nam cũng chỉ nên có 1 ứng dụng chính và 1 cơ sở dữ liệu gốc giúp giảm phiền toái cho người dân. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể thực hiện được dựa trên 1 cơ sở dữ liệu như hiện giờ đang làm với quản lý căn cước công dân. Các chức năng phát sinh sau này có thể dựa trên nền tảng của ứng dụng chính và dữ liệu sẵn có. Công nghệ dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể hỗ trợ các hoạt động quản lý phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Thậm chí Việt Nam có thể phát triển ứng dụng trên nền tảng quản lý dân cư hiện có như chứng minh nhân dân/căn cước công dân nếu thông tin sức khỏe liên quan đến dịch bệnh cần thiết trong việc quản lý xã hội.

Link bài viết

Theo kinh nghiệm của các nước lân cận, các ứng dụng theo dõi sức khỏe trong dịch Covid-19 đều được hoạch định thống nhất xuyên suốt từ một cơ quan chính phủ hoặc một ủy ban quốc gia về phòng chống dịch. Các bộ ngành liên quan sẽ phối hợp để quản lý và thống nhất cách phát triển cũng như mục đích sử dụng. Như vậy, không nên để mỗi bộ, địa phương tự phát triển ứng dụng riêng như hiện nay.

Tôi hy vọng sắp tới sẽ có 1 ứng dụng duy nhất đáp ứng nhu cầu quản lý dịch bệnh, sức khỏe và tiêm phòng theo như ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ngày 10/9 với các bộ ngành liên quan.

Tăng cường bảo mật thông tin

Có thể thấy, thông tin liên quan đến quản lý dịch bệnh trong dịch Covid-19 khá đa dạng, bao gồm thông tin về sức khỏe, tiêm phòng, kết quả điều trị, thông tin định danh cá nhân như số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thông tin tạm trú, di chuyển..v.v.

Rủi ro thông tin bị tiết lộ là hiển nhiên, có thể đến từ bản thân người dùng khi bị mất điện thoại, máy tính, hay bị mã độc lấy trộm thông tin. Rủi ro cũng có thể đến từ đơn vị lưu trữ thông tin không được bảo mật hiệu quả, hay nhân viên nội bộ lấy trộm thông tin chia sẻ ra bên ngoài.

Ngoài ra, rủi ro có thể đến từ quá trình truyền dữ liệu qua mạng internet. Thậm chí, khi người dùng thông báo thông tin cá nhân để quản lý dịch bệnh cho những cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cũng có thể bị rò rỉ thông tin qua nhân viên của các đơn vị này.

Do đó, việc thống nhất quản lý thông tin qua mã QR code, tập trung về một đầu mối xử lý để giảm thiểu rủi ro bảo mật thông tin là rất cần thiết. Đồng thời, đơn vị phụ trách quản lý thông tin theo dõi sức khỏe cần có chứng chỉ bảo mật chuẩn quốc gia và quốc tế để bảo đảm việc lưu trữ, chia sẻ thông tin được an toàn cao nhất có thể.

17-9-bai-tien-si-4-6945-1631867578.jpg

Dữ liệu cá nhân bị công khai, trong khi lộ trình khai báo và di chuyển lại thiếu chính xác

Tương lai của “hộ chiếu vaccine

Cách nay hơn một tháng, tôi đã tham gia một hội thảo về phát triển ứng dụng hộ chiếu vaccine điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo các ý kiến được trình bày tại hội thảo, có thể nhận thấy rõ nhu cầu xác nhận và chia sẻ thông tin về tiêm vaccine là rất cao, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, bởi việc di chuyển trong nền kinh tế hội nhập đều cần thông tin này.

Chúng ta cần một ứng dụng phù hợp để đáp ứng được nhu cầu cấp thiết này. Theo tôi, ứng dụng cần bảo đảm những tiêu chí sau:

1. Do một cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền quản lý và xác nhận, tương tự như cấp giấy căn cước công dân hay hộ chiếu.

2. Nên là hộ chiếu điện tử để có khả năng cập nhật nhanh chóng thông tin khi cần thiết, vì có thể sẽ phải tiêm các liều vaccine tăng cường trong tương lai.

3. Cần kết nối với các cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia hiện có để bảo đảm tính chính xác thông tin cá nhân, tránh giả mạo thông tin.

4. Phải có tính ổn định và bảo mật cao.

5. Thông tin tiêm phòng phải tuyệt đối chính xác và cập nhập tự động.

6. Có khả năng tương thích để chia sẻ với ứng dụng hiện tại và tương lai, kể cả với các nước khác nhằm phục vụ việc đi lại giữa các nước.

7. Phải có phương thức xử lý thông tin trong “siêu ứng dụng” này để cập nhật tình hình dịch bệnh ở bất kỳ địa phương nào, dự đoán nhu cầu tiêm vaccine và nhu cầu thuốc điều trị cho F0 chính xác. 

(*) Giảng viên, Trưởng nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics và

Trung tâm nghiên cứu và sáng tạo Bảo mật thông tin, trường Đại học RMIT

TS. Phạm Công Hiệp (*)