Doanh nghiệp FDI mong sớm khôi phục sản xuất kinh doanh

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 22/09/2021

Với nguy cơ Việt Nam có thể bị mất nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp FDI vừa đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Doanh-nghiep-FDI-ho-tro-vat-tu-2442-1368

Doanh nghiệp FDI hỗ trợ vật tư y tế cho Việt Nam

Vào tuần trước, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài bao gồm AmCham, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, EuroCham và KoCham đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất chiến lược Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực.

Trong thư kiến nghị, các hiệp hội nêu mong muốn Chính phủ nới lỏng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của TP.HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đà Nẵng có thể giúp phục hồi kinh tế Việt Nam. Chính xác, các DN FDI mong muốn sớm được khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

"20% DN thành viên đã chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang quốc gia khác"

Đáng chú ý, trong thư kiến nghị có đoạn “các cuộc khảo sát mà các hiệp hội của chúng tôi đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất của chúng tôi đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác” và đó là một trong những lý do “DN cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ”.

Trên thực tế, một DN FDI ở Long An đã phải dời đơn hàng sang Trung Quốc.

Link bài viết

Ông Steve Powell - nhà sáng lập Công ty AirSpeed Việt Nam tại Long An cho biết dù đã nhiều lần liên hệ chính quyền tỉnh Long An để biết kế hoạch cho phép mở cửa hoạt động lại nhưng không có câu trả lời. Airspeed đang phải chi trả 100% lương căn bản và 70% chi phí để công nhân sản xuất theo quy định an toàn. 

70 công nhân của công ty sản xuất linh kiện điện tử này đã cố gắng thực hiện mô hình "3 tại chỗ" và việc chi phí đội lên khiến công ty có thể lỗ khoảng 500.000 USD trong năm nay. Vì không đủ sức theo đuổi các quy định gắt gao của phương án 3T nên công ty phải tạm đóng cửa hồi tháng 7.

Hiện nhà máy của công ty tại Long An có 25 công nhân ở TP.HCM bị mắc kẹt vì lệnh giãn cách giữa các địa phương. Số công nhân này đang sản xuất 10% đơn hàng cho khách hàng nội địa.

90% đơn hàng xuất khẩu còn lại của AirSpeed phải chuyển sang nhà máy liên kết tại Trung Quốc. Điều này có nghĩa là công ty phải mua lại đủ nguyên vật liệu để sản xuất tại Trung Quốc vì không thể xuất khẩu nguyên liệu thô. Chính vì vậy, nguyên vật liệu tại Việt Nam vẫn nằm trong kho.

Chi phí phát sinh khi dịch chuyển đơn hàng sang Trung Quốc lên tới 1 triệu USD gồm nguyên vật liệu, nhân công, máy móc vì giá cả đắt đỏ, dù vậy, công ty buộc phải chi để giữ khách hàng.

161398566-498249991190342-5343-2007-3523

Ông Steve Powell - nhà sáng lập Công ty AirSpeed Việt Nam

Tương tự, Công ty TNHH GIVI Việt Nam cũng đang chờ thông tin rõ ràng từ chính quyền tỉnh Long An để có kế hoạch sản xuất. Hiện nay, việc nhập nguyên liệu sản xuất vẫn khó khăn vì các địa phương vẫn chưa thông vận chuyển, ngay cả các quận trong TP.HCM cũng áp dụng quy định khác nhau, ông Joseph Perucca - Tổng Giám đốc GIVI Việt Nam cho hay. Nhiều đơn hàng sản xuất đã phải đình lại. 

“Mặt khác, các địa phương lại không làm việc với nhau. Long An và các tỉnh, thành lân cận không cùng điều phối sắp xếp nên các tỉnh, thành dường như bị cách biệt, chưa kể việc người lao động di chuyển từ nơi ở - TP.HCM đến nơi làm việc - Long An, như thế nào cũng khó”, ông Joseph phàn nàn. 

Với tình hình đó, GIVI khó hồi phục việc sản xuất cho 50% đơn hàng 6 tháng cuối năm và nửa đầu năm sau. Mất đơn hàng không chỉ mất doanh thu mà mối nguy lớn hơn là vùng sản xuất tại Việt Nam không nằm đầu danh sách chọn lựa của tập đoàn. Danh tiếng mà GIVI Việt Nam phải tạo dựng nhiều năm có nguy cơ bị mất đi.

Ông Joseph băn khoăn: “Khó khăn của dịch bệnh chưa qua mà chúng tôi còn phải đương đầu với khó khăn sắp tới. Chúng tôi không dám nhận đơn hàng mới vì quy định của chính quyền không rõ ràng. DN không được thông báo trước và ngay cả người thực thi quy định cũng không đủ. Ví dụ, chúng tôi đã tuân thủ nghiêm ngặt phương án 3T nhưng sau 2 tuần, công nhân lại phải rời nhà máy vì chính quyền địa phương thiếu người đến kiểm tra. Dù chúng tôi mời họ đến nhiều lần, họ đã từ chối vì... không đủ người đến kiểm tra!".

Vì có nhiều vấn đề không thể lường trước như vậy nên GIVI không thể lên kế hoạch và tổ chức sản xuất. Ông Joseph dự đoán đến năm 2022 công ty cũng không thể sản xuất ổn định được vì thiếu vaccine và thiếu quy định rõ ràng. Hậu quả của việc ngừng sản xuất năm nay chắc cũng chưa giải quyết được dứt điểm vào năm sau. Ông Joseph cũng nhấn mạnh rằng các quy định để bảo đảm an toàn sản xuất và sức khỏe cho người lao động hiện nay chiếm phần lớn chi phí của DN.

Vì vậy, DN như GIVI rất cần Chính phủ ban hành quy định rõ ràng cho từng khu vực. Ngoài các quy định phòng chống Covid-19 chung, các công ty sẽ cần thông tin về việc cấp phép di chuyển cho từng địa phương và các chính sách hỗ trợ người lao động di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc.

Ong-Edwin-Setiawan-thu-3-ben-t-1214-4028

Ông Edwin-Setiawan (thứ ba từ trái sang) trao tặng gạo cho UBMTTQ Việt Nam Q. 7

Vaccine là yếu tố then chốt

DN FDI cho rằng vaccine là chìa khóa cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế. Vì thế, ông Joseph mong muốn người lao động của GIVI Việt Nam được tiêm vaccine đầy đủ. Hiện nay có 85% người lao động của GIVI Việt Nam đã được tiêm mũi đầu và đến nay vẫn chưa biết khi nào mới được tiêm mũi 2, như vậy vẫn chưa đủ an toàn. 

Điều mong ước này không chỉ của riêng các DN có tên trong kiến nghị.

Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia tại Việt Nam (ICCV), ông Edwin Setiawan cho hay 90% nhân viên tại Công ty của ông đã được tiêm phòng một mũi và họ muốn được tiêm thêm mũi hai để có thể an tâm sản xuất. Các DN thành viên của ICCV cũng nóng lòng đợi ngày người lao động được tiêm vaccine đầy đủ và sẵn sàng sản xuất trở lại. 

Cũng theo ông Edwin, việc DN phải thực hiện xét nghiệm cho người lao động 3 ngày/lần sẽ rất tốn kém, nếu có phương thức xét nghiệm khác với giá rẻ hơn sẽ giúp giảm bớt chi phí cho DN.

Mặt khác, nguồn nhân lực cũng sẽ là bài toán khó cho các DN sản xuất vì đa số công nhân đã về quê tránh dịch sợ khó quay lại ngay.

Đồng tâm trạng, ông Naveen Thamarai Selvam - Giám đốc vùng tại Việt Nam của Công ty tư vấn chuyển đổi số Intelizest Consulting cho hay nhân viên công ty mới chỉ được tiêm mũi vaccine đầu tiên. 

Những DN công nghệ có số lượng nhân viên ít và chủ yếu làm tại nhà ít gặp khó khăn hơn vì không phải xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Tuy nhiên, đội ngũ bán hàng của công ty cần được tiêm phòng đầy đủ để có thẻ xanh đi gặp khách hàng. Vì thế, ông Naveen kiến nghị nên cho nhân viên bán hàng vào danh sách ưu tiên tiêm mũi vaccine thứ hai giống như công nhân sản xuất. 

An ninh lương thực là tối quan trọng 

Gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra tình trạng mất việc làm và thiếu lương thực trong thời gian giãn cách. Đánh giá an ninh lương thực quan trọng, các hiệp hội cho rằng, các chủ hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên tiếp cận vaccine và tái mở cửa, với sự hỗ trợ cung cấp cho những người có nhu cầu. 

Việc giao hàng phải được cho phép ngay và nên sớm cho phép các cửa hàng bán thức ăn mang đi và các cửa hàng bán thức ăn trong nhà cũng như ngoài trời tuân thủ giãn cách, phục vụ với số lượng bất kỳ dựa trên diện tích mét vuông và sức chứa. 

Một số DN FDI cam kết đóng góp, giúp những người thiếu thốn ở Việt Nam và tài trợ chương trình phòng, chống Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, nhưng một số DN FDI khác cho hay họ đã kiệt quệ sau thời gian giãn cách kéo dài. Ông Joseph Perucca cho rằng Việt Nam cần đầu tư vào việc giúp người dân và người lao động vượt qua khó khăn, vì DN lúc này không còn sức để giúp đỡ.

eec1cc998e3a7864212b-6718-1632385633.jpg

Ông Joseph Perucca - Tổng Giám đốc GIVI Việt Nam

Cần thiết lập trạng thái "bình thường mới” ngay bây giờ 

Các DN FDI cũng có nhiều câu hỏi về thẻ vàng, thẻ xanh và cách thức quản lý. Nhấn mạnh hệ thống “Thẻ xanh và Thẻ vàng” có thể là một phần hữu ích của chiến lược tái mở cửa, nhưng các DN FDI cho rằng còn "rất nhiều câu hỏi" về ứng dụng hoặc hệ thống theo dõi, điều phối giữa các bộ ngành và các tỉnh để việc nhận dạng, tiếp cận và đi lại một cách nhất quán. 

Ông Edwin cho rằng việc bảo đảm DN vận chuyển - mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng - hoạt động hiệu quả lúc này rất quan trọng. Hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Mỹ Tho và Vĩnh Long mất rất nhiều thời gian, vì các DN Indonesia phải làm việc với từng địa phương để thông hàng. Vì ách tắc trong vận chuyển, DN Indonesia đã mất đi một số lượng khách hàng lớn ở các tỉnh miền Tây trong thời gian giãn cách. 

Ngoài ra, ông góp thêm ý kiến: “Đã đến lúc TP.HCM nên mở cửa, càng chậm trễ càng ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Tất nhiên, vẫn phải kèm theo các quy định phòng, chống dịch. Ví dụ tại siêu thị, người dân phải tuân thủ 5K và được ra vào với số người giới hạn trong một thời điểm.

Tại các điểm đón nhà ga công cộng nên có điểm kiểm tra RT-PCR. Đặc biệt nên tạo điều kiện để dịch vụ ăn uống mang đi hoạt động trở lại. Chúng tôi mong DN FDI có thể đóng góp vào kế hoạch giúp thành phố mở cửa hoạt động sớm. Những công ty đã có nhân viên được tiêm phòng nên được hoạt động với công suất 50%. Đây là những quy định đã được Indonesia áp dụng tại những vùng chống dịch tốt và có số lượng người dân tiêm vaccine cao”.

Tại Q. 7, chương trình thử nghiệm nới lỏng giãn cách xã hội đang được thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa có hướng dẫn đầy đủ và chi tiết để DN thực hiện, nên mỗi hoạt động đều phải được cơ quan công an phê duyệt. Ông Edwin cho hay nếu DN không hiểu rõ các quyết định ban hành thì họ cũng do dự nhập hàng hay nhận đơn sản xuất.

Ông Steve bình luận: “Tôi mong rằng Nhà nước vẫn nên thực hiện giãn cách xã hội nhưng thực hiện kiểm tra di động.  Chúng ta đang cần những phương án mới để xã hội và kinh tế được hoạt động trở lại, vì chúng ta thấy rõ là Việt Nam và thế giới không thể quay trở lại số ca nhiễm bằng 0”. 

Ngoài các kiến nghị trên, DN FDI còn nhận định đã đến lúc hồi sinh ngành du lịch trong nước và quốc tế. Hơn nữa, hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân ở Việt Nam cần được trao quyền đầy đủ như một đối tác trong cuộc chiến chống lại Covid, không chỉ dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 mà còn bao gồm cả dịch vụ tiêm vaccine và chăm sóc y tế tại nhà.

Trước đó, các DN FDI cũng kiến nghị nên nới lỏng các quy định cấp giấy phép cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Nghị định 152/2020/ NĐ-CP ra đời tháng 12/2020, vì một trong các yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là các quy định thân thiện với nhà đầu tư.

Mỹ Huyền