Mở cửa để cứu người lao động
Trong nước - Ngày đăng : 00:23, 23/09/2021
Trên 80% người lao động trả lời họ chỉ có dự trữ tài chính dưới 3 tháng |
Đó là một phần nội dung trong khảo sát tình hình doanh nghiệp (DN) và người lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) khảo sát cách nay tròn một tháng.
Trong buổi tọa đàm trực tuyến về "Nguồn lao động cho khôi phục sản xuất kinh doanh" tối 22/9 do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, CLB các nhà kinh tế tổ chức, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho biết cuộc khảo sát đợt 1 được thực hiện với 69.000 lao động, đợt 2 với hơn 21.000 DN, cơ sở kinh doanh trên cả nước, tương đồng với quy mô lao động, quy mô ngành nghề. Trong đó, số người lao động, DN, cơ sở kinh doanh ở TP.HCM chiếm 50%. Thời điểm khảo sát trùng với lúc TP.HCM đang là tâm dịch Covid-19.
Kết quả khảo sát có một số điểm nhấn. Trong đó, với bài toán người lao động, tỷ lệ còn duy trì việc làm khoảng 38%, trong khi 62% đang mất việc - có thể tạm thời. Điều đáng nói nhất là dự trữ tài chính của xấp xỉ 50% số người lao động chỉ có khả năng duy trì được khoảng 1 tháng.
“Từ thời điểm khảo sát đến nay là cuối tháng 9, chúng tôi cho rằng có thể đa số người lao động đã hết tiền dự trữ”, bà Thủy nhận định. Trong khi con số có dự trữ 3 tháng cũng khoảng 30%.
Như vậy, cộng dồn lại thì trên 80% người lao động trả lời họ chỉ có dự trữ tài chính dưới 3 tháng. Theo đánh giá của Ban IV, đây là con số rất báo động, nếu không sớm mở cửa, khôi phục sản xuất, duy trì công ăn việc làm thì phía trước họ là tương lai đen tối.
Chính phủ phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở các địa phương trước để họ có đủ điều kiện quay lại TP làm việc là đề xuất của các chuyên gia nếu TP.HCM muốn phục hồi kinh tế sau dịch |
Giải pháp nào đưa người lao động trở lại khi TP.HCM thực hiện kế hoạch mở cửa, khôi phục sản xuất?
Theo phân tích của người đứng đầu Văn phòng Ban IV, sau những tháng ngừng hoặc hoạt động cầm chừng, nay nếu mở cửa thì bài toán lao động cho từng ngành sẽ khác nhau. Như đối với lĩnh vực logistics, vấn đề các doanh nghiệp gặp phải hiện nay không phải thiếu người mà đó là vấn đề tâm lý quá căng thẳng của người lao động.
“Họ suốt ngày phải ngoái mũi, xét nghiệm, rồi nào là rào chắn, vướng quy định này, quy định nọ. Chỉ vì cơm áo, gạo tiền nên họ mới phải ra đường. Do đó, bài toán ở đây không chỉ là đưa lao động trở lại mà còn phải giải quyết vấn đề tâm lý và vận hành an toàn, giảm mức độ rủi ro nhân công trong ngành logistics”, bà Thủy nói.
Với nhóm dịch vụ thương mại, bán lẻ, hầu hết người lao động làm việc ở TP.HCM đều ở ngoại tỉnh. Khi dịch bùng phát, số đông họ đã về địa phương, và phần lớn chưa được tiêm vaccine. Như vậy, khi TP.HCM cho khối DN dịch vụ hoạt động trở lại sẽ không có ngay người tại chỗ để phục vụ, không có nhân công tại chỗ.
Với nhóm sản xuất, ví dụ như với ngành gỗ, bài toán của ngành là nhân công rải rác ở các tỉnh lân cận, do vậy việc tổ chức hoạt động tiêm vaccine liên tỉnh là phù hợp với ngành này. Nhưng với dệt may thì không phù hợp, nhân công nằm ở những tỉnh xa, không thể tổ chức những đoàn tiêm lưu động để đưa người lao động trở lại sản xuất nên rất cần một giải pháp khác.
"Có thể là Chính phủ phải ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ở các địa phương trước để họ có đủ điều kiện quay lại TP làm việc", bà Thủy kiến nghị.
Để biết thêm thông tin chi tiết về giải pháp tìm lao động khi mở cửa, khôi phục sản xuất, bạn đọc có thể theo dõi bản tin Café với Doanh Nhân Sài Gòn, phát sóng vào lúc 6 giờ sáng thứ Bảy ngày 25/9 trên website Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn: doanhnhansaigon.vn và trên fanpage https://www.facebook.com/tapchidoanhnhansaigon.
Chương trình cũng được phát sóng trên Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM - VOH tại Chương trình Nhịp sống 877, ngày thứ Bảy, vào từ 12 giờ - 13 giờ trên tần số FM 87.7Mhz.